Hợp tác xã kỹ thương đồn điền Chi Nê, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) liên kết với các hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu - nuôi tằm.
Để nâng tầm thương hiệu gàLạc Thủy, nhiều HTX chăn nuôi gà trên địa bàn huyện đã liên kết với các hộ vệ tinh, giữa HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp để mở rộng quy mô. Tiêu biểu như: HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, HTX Minh Đức... Năm 2018, HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy được thành lập, duy trì tổng đàn gà 10.000 con/lứa. Với hình thức liên kết các hộ vệ tinh, HTX thực hiện thu mua trứng, con giống, gà thịt cho các hộ vệ tinh. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu con gà giống, 200 tấn gà thịt thương phẩm. HTX tạo việc làm cho 10-15 lao động thường xuyên tại địa phương, mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Năm 2019, sản phẩm gà tươi nguyên con của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Mặc dù mới thành lập, song HTX kỹ thương đồn điền Chi Nê (xã Phú Nghĩa) đã mạnh dạn liên kết với các hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu - nuôi tằm. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên HTX chia sẻ: Tháng 4/2021, HTX được thành lập với 7 thành viên, chủ yếu là những người con Lạc Thủy sinh sống tại Hà Nội. HTX đầu tư xây dựng chuỗi liên kết với các hộ để mở rộng vùng nguyên liệu, triển khai mô hình trồng dâu - nuôi tằm. Hiện tại, HTX trồng được trên 8 ha tại xã Phú Nghĩa, Phú Thành. Các hộ tham gia được hỗ trợ kỹ thuật và giống, phân bón. HTX cam kết thu mua 100% lá dâu với giá 4.000 đồng/kg, kén tằm giá 150.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã khẳng định vai trò tích cực trong liên kết giữa các hộ sản xuất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn, chất lượng như: Vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung tại xã Phú Nghĩa, Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi; vùng trồng na tại xã Đồng Tâm; vùng chăn nuôi… Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp đã tạo lập được các mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đầu ra sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng… 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của 40 HTX nông nghiệp đạt 10,7 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân của các HTX đạt khoảng 2,4 tỷ đồng.
Thời gian tới, để nâng cao sức cạnh tranh đòi hỏi các HTX nông nghiệp cần tăng cường liên kết chặt chẽ với thành viên, HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp vốn, vật tư, máy móc, công nghệ, kỹ thuật cho đầu vào và bao tiêu sản phẩm của HTX. Huyện tiếp tục xây dựng, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản phẩm truyền thống; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình OCOP; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để HTX nông nghiệp mở rộng phát triển sản xuất; phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị tọa đàm chuyên đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và HTX. Từ đó tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thu Thủy