Hội viên nông dân xã Lâm Sơn (Lương Sơn) phát triển nghề chế tác gỗ lũa, góp phần nâng cao thu nhập và gìn giữ nghề truyền thống của địa phương.
Gia đình hội viên nông dân (HVND) Nguyễn Mạnh Hà, thôn Đất Đỏ, xã Liên Sơn là một trong những điển hình phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi của xã, huyện. Ông Hà cho biết: Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm kinh tế, tôi được HND huyện, xã tạo điều kiện được vay vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế khá, nhờ vậy đời sống ngày càng ổn định. Đến nay, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình mở rộng lên 30.000 m2. Trong đó, 1 khu chuồng trại chăn nuôi gà 2.000 m2 áp dụng công nghệ tự động và 26.000 m2 trồng bưởi Diễn. Mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Hà còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng. Những lúc cao điểm tạo việc làm cho 20 động thời vụ, tiền công 180.000 đồng/ngày.
Không riêng gia đình ông Hà, hiện nay, trong toàn huyện có hàng chục nghìn hộ nông dân thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, HND có vai trò quan trọng trong việc dẫn vốn, hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên.
Thời gian qua, bám sát nhu cầu thực tế của hội viên, HND huyện Lương Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, là chỗ dựa vững chắc giúp hội viên phát triển kinh tế. Để phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát triển, hàng năm, Hội giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng hộ nông dân SXKD giỏi cho các chi hội; thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào sát thực, hiệu quả. Đồng thời, Hội tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển thương mại nông thôn, thực hiện có hiệu quả các mô hình chuyên canh, đa canh, tùy theo điều kiện từng hộ chọn mô hình SXKD phù hợp. Thông qua phong trào góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nông dân liên kết để tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, toàn huyện có 121 trang trại (118 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại tổng hợp). Nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên, Hội phối hợp với các ngân hàng: Chính sách xã hội, NN&PTNT, Bưu điện Liên Việt nhận tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển SXKD. Toàn Hội có 162 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 4.900 thành viên, tổng dư nợ trên 323.531 triệu đồng. Hàng năm, Hội xây dựng kế hoạch vận động Quỹ hỗ trợ nông dân, giao chỉ tiêu thi đua năm để làm căn cứ đánh giá xếp loại. Ngoài dẫn vốn, từ đầu năm đến nay, Hội phối hợp mở 8 lớp đào tạo nghề, chuyển giao KHKT cho trên 300 lượt hội viên.
Đồng chí Phùng Đức Chinh, Chủ tịch HND huyện cho biết: Những năm qua, với sự nỗ lực, quan tâm đồng hành cùng hội viên, HND đã giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế với các mô hình đạt hiệu quả cao, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là được xác định là phong trào trọng tâm, Hội thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Từ phong trào, nhiều hộ SXKD giỏi phát triển thành các mô hình kinh tế tập thể, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm nay, có trên 10.300 hộ HVND đăng ký danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Thời gian tới, ngoài hỗ trợ về vốn cũng như giúp hội viên tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Hội tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ hội viên thành lập các tổ chăn nuôi, trồng trọt để tạo sự liên kết, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân...
Thu Hằng