Anh Xa Văn Yên, xóm Thùng Lùng, xã Tân Pheo (Đà Bắc) cho biết: Trong tháng 3/2022, lực lượng chức năng của tỉnh và huyện đã đến chợ trung tâm xã phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền với nội dung về quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Là người tiêu dùng được tư vấn và giải đáp các thắc mắc trực tiếp tại chợ, từ đó đến nay tôi đã có kinh nghiệm hơn trong việc nhận biết, phát hiện, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhờ đó mà trong cuộc sống hàng ngày, tôi có thể giúp người thân trong gia đình lựa chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để biếu, tặng hay sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, đặc biệt là trong thời điểm Tết đang đến gần.
Qua khảo sát, tại các chợ ở khu vực TP Hòa Bình, trung tâm các huyện và cả các phiên chợ vùng cao, hàng quán vùng nông thôn, thời điểm này hàng hóa phục vụ nhu cầu sắm Tết đã bắt đầu được bày bán khá phong phú về chủng loại và nhiều mức giá. Từ thực tế này nếu như không có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng thì rất dễ có nguy cơ xảy ra tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, các cơ quan chức năng tại các địa phương trong tỉnh đã phối hợp kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có cơ hội xuất hiện trên thị trường.
Đồng chí Trương Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động SX-KD thương mại trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2023. Trong đó, trọng tâm là ra quân các đợt cao điểm kiểm tra, quản lý thị trường trên các địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên cập nhật, rà soát, giám sát để nắm chắc diễn biến thị trường, đối tượng, phương thức, biểu hiện vi phạm.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022, từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và phối hợp kiểm tra 1.147 vụ, xử lý vi phạm 158 vụ, tổng số tiền phạt trên 400 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 34 triệu đồng. Trong đó có 2 hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 25 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá; 15 hành vi vi phạm các điều kiện trong SX-KD... Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phát trên 4.200 tờ rơi tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng tại các huyện, thành phố.
Thời gian tới, nhu cầu mua sắm đón Tết của người dân tiếp tục tăng cao, do đó, lực lượng Quản lý thị trường và các ngành, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh buôn bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đồ gia dụng, thuốc tân dược, vật tư y tế… tại các cơ sở, đại lý. Qua đó nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, đầu cơ, găm hàng, tăng giá… góp phần giúp người dân đón Tết Nguyên đán an toàn và tiết kiệm.
Thu Hằng