Trước diễn biến nguy hiểm, phức tạp của bão số 3 (bão YAGI), các ngành, đơn vị chuyên môn đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ. Trong đó, công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại các tuyến đường trong tỉnh được gấp rút đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại do bão gây ra.


Sau khi đường được khơi thông rãnh dọc, lực lượng CSGT - Phòng CSGT Công an tỉnh bám tuyến, hướng dẫn giao thông, phòng ngừa ùn tắc giao thông trên đường dốc Cun (TP Hòa Bình). Ảnh chụp ngày 2/9.

Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024, UBND tỉnh đã rà soát, triển khai thực hiện và ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND, ngày 4/9/2024 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương có liên quan để sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ. Theo đó, Sở GTVT chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt; những vị trí đã xảy ra sạt lở từ đợt mưa lũ trước để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất. Việc triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính; chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết... Sở cũng tổ chức kiểm tra các tuyến đường đã được phân cấp quản lý để kịp thời nắm tình hình, tăng cường phối hợp để thực hiện tốt việc đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính trước khi bão xảy ra.

Với các dự án bảo trì, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong tỉnh, hiện, các nhà thầu nỗ lực triển khai phương án thi công để hoàn thành tiến độ, vừa đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ công trình nhằm kiểm soát, giảm thiểu tối đa thiệt hại do ảnh hưởng của siêu bão YAGI. Trong đó, Dự án "Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình” được khởi công từ tháng 8/2023 đang tiếp tục đào và bóc lớp địa chất tầng phủ và đất cấp 4 thuộc hạng mục đào bạt mái taluy dương, nắn chỉnh tuyến phạm vi từ Km79+310 - Km79+600.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đối với công trình này còn xảy ra tình huống tràn đất đá xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông do Sở mới thực hiện được nhiệm vụ giải phóng mặt bằng của Km79+310, để thực hiện xong, còn 100 m3 đất đá cần phá đá, nổ mìn và di dời, dự kiến 3 tháng nữa hoàn thành xử lý tại điểm này. Sở đã rút kinh nghiệm và họp với các nhà thầu thi công trong sáng ngày 6/9, phân luồng và triển khai khơi thông hệ thống rãnh dọc đường, đảm bảo thoát nước khi bão đến, hoạt động nổ mìn đã được dừng từ ngày 5/9. Đối với nguy cơ trên các tuyến quốc lộ có lượng phương tiện lưu thông lớn, tùy vào điều kiện cụ thể để chỉ đạo thực hiện việc cấm lưu thông phương tiện trong cao điểm của bão...

Cùng với đó, Sở GTVT đôn đốc nhà thầu và các đơn vị liên quan vừa thực hiện phương án thi công vừa sẵn sàng triển khai hiệu quả các phương án đảm bảo an toàn giao thông. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, chủ động huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để trực gác, cắm biển cảnh báo, lập rào chắn 2 đầu, đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí có nguy cơ cao khi xảy ra bão số 3...


T.H

Các tin khác


Việt Nam - Hàn Quốc nhất trí nỗ lực nâng kim ngạch thương mại song phương

Chiều 3/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp tăng năng suất lao động

Tiền lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp tăng 6% kể từ ngày 1/7 vừa qua đã tạo áp lực đối với các doanh nghiệp ngành dệt may khi chi phí liên quan đến tiền lương, bảo hiểm tăng lên. Ðể giải bài toán này, doanh nghiệp trong ngành dệt may đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian giúp tối ưu hóa lợi nhuận.

Hơn 470 tỷ USD xuất nhập khẩu sau hơn 8 tháng

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến trung tuần tháng 8 đã vượt 473 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 15,5 tỷ USD.

Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực

Trước thềm Hội nghị "UOB Gateway to ASEAN” sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/9, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB (Singapore) dự báo: Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo 6% hoặc cao hơn.

Thành phố Hòa Bình tự hào vững bước

Gần 80 năm đã trôi qua, âm vang hào hùng của ngày thu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 vẫn luôn được các thế hệ người dân TP Hòa Bình khắc ghi, từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng thành phố bên sông Đà ngày càng giàu đẹp.

Thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ của Hội và cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng các nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh các phong trào thi đua; nâng cao trình độ nhận thức, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát huy tiềm năng lao động sáng tạo, đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó nâng cao quyền năng kinh tế, giúp phụ nữ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục