Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ đã có mưa lớn kéo dài. Mưa lũ gây ngập lụt khiến nhiều ngôi nhà, cánh đồng chìm trong biển nước. Ngay sau khi nước rút, người dân cùng lực lượng chức năng nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai.
Người dân xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ) vệ sinh bùn đất sau mưa lũ.
Thực hiện phương châm "3 trước, 4 tại chỗ”, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Lạc Thuỷ cùng các xã, thị trấn đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, bão lũ, không để xảy ra thiệt hại về người, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân. Đặc biệt tại các xã trọng điểm ven sông Bôi, do lũ trên thượng lưu đổ về, mực nước dâng nhanh, Thường trực Huyện uỷ đã trực tiếp chỉ đạo Công an huyện, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Đảng uỷ, UBND các xã kịp thời sơ tán toàn bộ người già, trẻ em của các hộ dân có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Hồng Phong 2, xã Yên Bồng cho biết: Trước khi siêu bão và lũ lớn tràn về, người dân đã được các cơ quan chức năng của huyện và xã tuyên truyền để chủ động các biện pháp phòng, chống, tránh. Khi mực nước sông dâng cao, lực lượng chức năng kịp thời sơ tán toàn bộ người già, trẻ em của các hộ dân có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của mưa bão, một số diện tích lúa, hoa màu trong thời kỳ thu hoạch bị đổ gãy và ngập úng (thiệt hại từ 30 - 50%). Trong đó, lúa đổ gãy khoảng 422,94ha; ngô đổ gãy, ngập úng khoảng 163,7ha; rau màu các loại hư hỏng khoảng 163,55ha; cây ăn quả đổ gãy khoảng 21ha; cây lâm nghiệp đổ gãy khoảng 213,1ha; thiệt hại về giao thông: sạt lở 5 điểm/158m, ngập úng 13 điểm, xói mòn 3 điểm; cây xanh đô thị bị đổ gãy 20 cây; gia cầm 2.120 con; thuỷ sản 67,982ha. Thiệt hại về nhà cửa có 10 nhà tốc mái, cây đổ vào nhà 10 nhà; 183 nhà ngập dưới 1m… Qua rà soát, các hộ có nguy cơ bị sạt lở, ngập úng đã di dời 154 hộ đến nơi an toàn…
Sau khi lũ rút đã để lại nhiều nơi ngổn ngang với bùn đất, rác, cây xanh gãy đổ. Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, các đồng chí lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các lực lượng, huy động phương tiện, nhân lực khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. Với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng khắc phục hậu quả, cấp ủy, chính quyền huyện quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và các xã, thị trấn tập trung huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, máy móc… khắc phục hậu quả do lũ bão gây ra, đến chiều 10/9, công tác khắc phục cơ bản hoàn tất, mọi sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện trở lại bình thường.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: Huyện tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả công điện và các văn bản của tỉnh, huyện về phòng, chống thiên tai. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động rà soát, triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, kịp thời khôi phục sản xuất sau bão; đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, có phương án bảo đảm tài sản của doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai trong thời gian tới, cập nhật, báo cáo thiệt hại và tổ chức chỉ đạo kiểm tra, đánh giá thiệt hại, kịp thời khắc phục các sự cố do bão gây ra.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 52 điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, gây nguy hiểm cho các hộ dân sống liền kề. Đề nghị UBND tỉnh giao các sở, ngành hướng dẫn huyện Lạc Thuỷ được thực hiện việc san gạt, cắt tầng, hạ thấp độ cao để tránh nguy cơ sạt trượt, gây nguy hiểm đến người dân. Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn ngân sách để thực hiện dự án nạo vét dòng sông Bôi, đoạn chảy qua xã Hưng Thi để khơi thông dòng chảy; sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ, đập và kênh mương trên địa bàn huyện.
Đinh Thắng
UBND tỉnh ban hành Công điện số 27/CĐ-UBND, ngày 12/9/2024 về đảm bảo an toàn đê điều trên các sông thuộc địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Lạc Sơn, mưa lũ đã tàn phá nhiều cây cối, hoa màu. Đặc biệt, vựa lúa Mường Vang ghi nhận gần 500 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ, hư hại.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tham mưu UBND tỉnh dừng lưu thông qua cầu Hòa Bình 1 đối với xe có trọng tải trên 1,5 tấn. Rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống cầu, ngầm tràn trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông trong thời điểm mưa bão.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 + 000 - Km53 + 000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành ráo riết chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án.
Trong 8 tháng năm 2024, từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) của Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn tỉnh đã có 7.109 lượt hộ dân được vay vốn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và các đợt mưa bão trong tháng 7, 8, 9/2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đã gây sạt lở taluy âm, lún sụt nền mặt đường trên đoạn tuyến Km3+500 đường tỉnh 445 thuộc phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.