24 HCV đã được trao ở các nội dung môn điền kinh, trong đó có 10 kỷ lục thế giới cùng bốn kỷ lục Paralympic. Riêng các vận động viên (VĐV) Trung Quốc đoạt bốn HCV, phá ba kỷ lục thế giới, đội tuyển điền kinh của Cuba giành hai HCV và lập một kỷ lục Thế vận hội.
VĐV "mở hàng” cho đoàn thể thao Cuba và điền kinh nước này tại Paralympic là Robiel Yankiel Sol Cervantes, vô địch nội dung nhảy xa hạng thương tật T47 nam khi đạt mức 7 m 46. Anh cũng xác lập kỷ lục Paralympic khi phá kỷ lục cũ (7 m 41) do VĐV người Mỹ Roderick Townsend thiết lập tại Paralympic Rio 2016.
Đồng đội của Sol Cervantes là nữ VĐV Omara Durand đã giành được HCV thứ sáu qua các kỳ dự Paralympic và cũng là HCV thứ hai cho thể thao Cuba. Cô hiện là gương mặt đại diện cho điền kinh người khuyết tật của Cuba khi từng có ba HCV tại Thế vận hội năm 2016 và hai HCV tại Thế vận hội năm 2012. Durand một lần nữa khẳng định vị thế huyền thoại của mình bằng tấm HCV thứ sáu hôm qua ở nội dung 400 m nữ hạng T12. Đồng hồ bấm giờ xác nhận Durand đạt mốc 52,58 giây và mặc dù không thể phá kỷ lục thế giới do chính mình thiết lập tại Paralympic Rio 2016, cô vẫn giành HCV. Nhiều khả năng, hôm nay (1/9), nữ VĐV 29 tuổi sẽ có cơ hội mang thêm vinh quang về cho Tổ quốc và cũng là HCV thứ bảy của mình ở một nội dung thi đấu khác. Giống như các VĐV khác, do dịch Covid-19, Durand gặp nhiều khó khăn khi duy trì phong độ cao nhất và thường xuyên phải tập luyện không có người hướng dẫn. Durand thi đấu ở hạng mục T12 dành cho các VĐV có vấn đề về thị lực và khi thi đấu phải có người hướng dẫn đi cùng. Tuy nhiên, cô không hề nản chí và kiên trì tập luyện trong suốt hai năm qua theo những cách thức tự mình đề ra.
Một VĐV 22 tuổi của Hungary là Luca Ekler cũng ghi dấu ấn đặc biệt hôm qua khi hai lần liên tiếp phá kỷ lục thế giới ở nội dung nhảy xa nữ hạng T38 để giành HCV. Ngay từ cú nhảy đầu tiên, nhà vô địch thế giới và châu Âu đã phá kỷ lục thế giới với thành tích xa 5,60 m. Đến lần nhảy thứ ba, cô đã nâng thành tích lên 5,63 m. Đối thủ đáng gờm nhất của Luca là Margarita Goncharova của đoàn Nga (trung lập), 30 tuổi - vô địch Thế vận hội 2012 và từng sáu lần vô địch thế giới, chỉ đạt thành tích tốt nhất 5,29 m giành HCB. Luca Ekler từng vô địch châu Âu và thế giới khi mới 21 tuổi. Tấm gương của cô đã truyền cảm hứng cho những người khuyết tật và cả những người lành lặn tham gia tập luyện điền kinh ở một đất nước yêu thể thao như Hungary. Cô gái từng bị đột quỵ từ năm 10 tuổi và bị liệt nửa người bên trái.
Trên đường đua xanh, có 14 HCV được trao cho các VĐV, trong đó ngôi sao 29 tuổi Jessica Long của Mỹ thiết lập kỷ lục trong lịch sử Paralympic về số lượng huy chương các loại trong sự nghiệp thi đấu. Tuy chỉ có được HCB ở nội dung 400 m tự do nữ hạng thương tật S8, nhưng VĐV này lập kỷ lục với 26 huy chương cả vàng, bạc, đồng qua năm kỳ Paralympic liên tiếp. Riêng tại Paralympic Tokyo 2020, cô có đủ bộ huy chương ba mầu, trong đó có HCV ở nội dung bơi 200 m nữ hỗn hợp hạng SM8 và HCĐ ở nội dung bơi ngửa nữ 100 m hạng S8.
Sau một ngày nghỉ, hôm nay (1/9) VĐV Võ Thanh Tùng của Việt Nam sẽ tiếp tục tranh tài môn bơi, nội dung 50 m tự do nam hạng S5.
TheoNhanDan