Sau chủ tịch, phó chủ tịch đến lượt Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM Nguyễn Huỳnh Điệp vừa nộp đơn từ chức

So với 14 tổ chức xã hội thể thao nghề nghiệp ở TPHCM, Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM (HVF) có lẽ là tổ chức thường xuyên có nhiều biến động nhất. Điều lạ là ngành thể thao lại gần như dửng dưng, không giúp gì cho tổ chức này củng cố tốt hơn.

 
Lần lượt ra đi vì quá ngao ngán
 
Năm năm trước đây, khi phong trào bóng chuyền đỉnh cao TPHCM đang có dấu hiệu sa sút trầm trọng và  cũng ở thời điểm đó, giới hâm mộ cũng kỳ vọng sẽ có cuộc thay đổi lớn từ bộ máy lãnh đạo của HVF sau khi ông Đặng Ngọc Cẩn, Chủ tịch HVF khóa 3 (2001 - 2005), từ chức trước nhiệm kỳ.
 
Bằng nhiệt tình cá nhân đối với phong trào, ông Phạm Phú Ngọc Trai, nguyên chủ tịch HVF khóa 1, tái ứng cử và được Đại hội HVF khóa 4 tín nhiệm bầu giữ chức danh chủ tịch. Bằng uy tín của một doanh nhân thành đạt (Tổng Giám đốc Pesico VN), ông Trai đã vận động được nguồn tài trợ bạc tỉ hầu giúp cho bóng chuyền TP khôi phục trở lại.
 
Nhưng do sự lấn sân quá sâu vào chuyên môn, quản lý yếu kém của một vài cán bộ từ ngành thể thao TP trong bộ máy HVF, hai nhà tài trợ Dệt Thành Công và Thép Việt lần lượt rút lui, còn thành tích của đội tuyển bóng chuyền nam tại giải quốc gia ngày một tuột dốc.

Đây được xem là nguyên nhân khiến ông Trai từ chức chủ tịch HVF vào tháng 9-2009. Trước đó, cũng từ cung cách điều hành có nhiều bất cập trong nội bộ HVF, Phó Chủ tịch Lê Hồng Triều đệ đơn xin thôi chức vụ này vào cuối năm 2008. Hôm qua, 23-7, đến lượt Tổng Thư ký Nguyễn Huỳnh Điệp cũng nói lời chia tay cùng HVF.
 
Chuyện chia tay với HVF của ông Trai và ông Triều ngoài nguyên nhân nêu trên thì có thể còn có lý do khách quan khác: Cả hai ông đều là người ngoại đạo với ngành TDTT. Còn ông Nguyễn Huỳnh Điệp lại là cán bộ của ngành thể thao TP, cũng từng được trao chức vụ Tổng Thư ký HVF liên tiếp trong hai nhiệm kỳ 4 và 5. Vậy điều gì đã khiến ông Điệp từ chức?
 
“Rừng chỉ có một cọp”?
 
Ý định từ chức đã được ông Điệp bày tỏ với lãnh đạo ngành thể  thao lẫn HVF cách đây gần một tháng. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền lại không có động thái quan tâm hay củng cố tổ chức này, đặc biệt là trong bối cảnh đội bóng chuyền nam TP đang bị khủng hoảng lực lượng khi có nhiều cầu thủ trụ cột cũng nói lời ra đi vì không đủ sống!
 
Thông thường, đối với bộ máy của các liên đoàn thể thao ở  TPHCM, chức danh tổng thư ký thường được trao cho trưởng bộ môn thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch với lý do (được ngành thể thao viện dẫn) nhằm tạo mối điều hành chuyên môn tốt hơn.
  
Cũng vì ý tưởng đó, ông Điệp tại vị chức Tổng Thư ký HVF suốt gần hai nhiệm kỳ trong cương vị trưởng bộ môn bóng chuyền TP. Thế nhưng vào gần cuối năm 2008, khi vừa trở về từ giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc, ông Điệp bất ngờ nhận được quyết định thôi giữ chức vụ trưởng bộ môn và bàn giao lại cho ông Nguyễn Bá Nghị, cũng là Phó Chủ tịch HVF!
 
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Điệp bức xúc cho biết việc bố trí nhân sự là thuộc thẩm quyền của lãnh đạo ngành nhưng điều này lại khá bất thường vì không có cuộc trao đổi đúng theo nguyên tắc tổ chức. Còn theo giới am tường, trong sự việc này chẳng khác nào câu chuyện “rừng chỉ có một cọp”.
 
Trách nhiệm của ngành quản lý
 
Sẽ còn nhiều chuyện tế nhị không thể đề cập song trong giới chuyên môn ai cũng rõ. Sau khi hết phó chủ tịch rồi đến chủ tịch HVF lần lượt rút lui và Ban Thường vụ HVF từ 5 người chỉ còn lại 3 người, trong đó có ông Điệp và ông Nghị, nên các cuộc họp Ban Thường vụ HVF thời gian sau này hầu như ít diễn ra. Nắm chức danh phó chủ tịch chuyên môn HVF lẫn trưởng bộ môn bóng chuyền TP nên mọi việc điều hành giữa tổ chức xã hội và quản lý Nhà nước gần như đều do ông Nghị cầm trịch!
 
Trở lại lý do từ chức Tổng Thư ký HVF, ông Điệp cho biết cần tập trung vào công việc mới được phân công ở Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, trao đổi riêng với phóng viên Báo NLĐ, ông đã bộc bạch thêm rằng: “Nhiệm kỳ HVF khóa 4 đã hết nên việc tôi xin nghỉ cũng hợp lý thôi”. Trong khi đó, một cựu quan chức HVF cho biết thêm: “Việc lùm xùm trong nội tình HVF dẫn đến phong trào sa sút cũng xuất phát từ mối quan hệ giữa những cá nhân cùng ngành với nhau. Rất tiếc vụ việc diễn ra từ rất lâu nhưng không thấy trách nhiệm của ngành thể thao TP đâu cả”.
 
                                                                                Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục