Tiết mục văn nghệ biểu diễn chào mừng Đình Lập
đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Trong quá trình vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 của cách mạng Việt Nam, ở xã Lập Chiệng, dưới sự điều hành, tổ chức của đoàn cán bộ Việt Minh châu Lương Sơn, trong thời gian ngắn, xã đã hình thành được các đoàn thể cách mạng: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Tháng 8/1945, đình Lập là nơi tập kết của đội Việt Minh châu Lương Sơn đi cướp chính quyền tổng Kim Bôi.Tháng 7/1947, đình Lập là nơi đón tiếp đặc phái đoàn Trung ương về kinh lý tỉnh Hòa Bình do đồng chí Hoàng Quốc Việt, UV T.Ư Đảng dẫn đầu.
Đầu năm 1948, thực dân Pháp tăng cường đối phó với những hoạt động mạnh của bộ đội, quân dân Hòa Bình. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc trong tỉnh có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy III, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, tại đình làng Lập, xã Hạ Bì.
Đại hội đã triệu tập 120 đại biểu đại diện cho 333 đảng viên ở 37 chi bộ trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã dành 3 ngày (22-24/5) để thảo luận báo cáo dự thảo nhận định tình hình trong tỉnh và phương hướng kế hoạch công tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng bộ do đồng chí Đào An Thái,Bí thư Tỉnh ủy trình bày.
Sáng 25/5/1948, Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I gồm 11 đồng chí. Đại hội nhất trí cử đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí tham dự Đại hội Đảng bộ Liên khu III do đồng chí Đào An Thái làm trưởng đoàn.
Chiều 25/5/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I bế mạc và thành công tốt đẹp. Đại hội có ý nghĩa hết sức to lớn, đó là đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở Hòa Bình lên đỉnh cao, tập trung nguồn lực của quân dân trong tỉnh phá tan âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp ở Hòa Bình.
Từ năm 1957-1958, đình Lập là trụ sở của cơ quan Đảng, chính quyền xã Lập Chiệng. Đây là nơi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lập Chiệng tiễn chân hàng trăm con em trong xã lên đường nhập ngũ đánh giặc, góp phần làm nên danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước trao tặng cho xã Lập Chiệng vào năm 1998.
Theo lời kể của các cụ cao niên trên địa bàn, đình Lập được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ với kiến trúc hình chữ nhất, gồm 1 gian, 2 chái, phía trong có 1 ban thờ lửng gọi là Cung Sở. Trên Cung Sở đặt 2 ngai thờ Thành hoàng làng là Ông Mới,Bà Nánh và bài trí một số đồ thờ tự khác. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử cùng với sự tàn phá của chiến tranh, đình Lập đã bị hư hỏng. Đến năm 2008, cư quan chức năng cho phép xây dựng nhà truyền thống trên khuôn viên đất của đình Lập xưa. Hiện nay, tại nhà truyền thống cách mạng xã Lập Chiệng lưu giữ những tài liệu, hiện vật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lập Chiệng trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội,chống Mỹ cứu nước và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nơi đây được nhân dân tổ chức lễ hội đình Lập vào mồng 8 tháng giêng hàng năm.