(HBĐT) - Nơi đây, gần 200 tù chính trị từng bị giam giữ. Cũng chính nơi đây, chi bộ đầu tiên của Đảng trên đất Hòa Bình bắt đầu hoạt động. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945, nhà tù Hoà Bình được coi như một mốc son của phong trào cách mạng địa phương. Những người tù cộng sản với bản lĩnh và niềm tin chiến thắng như những đốm lửa nhỏ thổi bùng lên phong trào cách mạng vùng đất "bốn Mường". 


Nhà tù Hoà Bình được tôn tạo trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân trên địa bàn thành phố Hoà Bình. 

Nhà tù Hoà Bình do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 tại phố Đúng, thị xã Hoà Bình (nay thuộc phường Tân Thịnh - TP Hoà Bình) để giam giữ thường phạm. Đầu năm 1943, thực dân Pháp chuyển hơn 200 tù chính trị từ nhà tù Sơn La và một số nơi khác về giam giữ tại nhà tù Hòa Bình. Từ đó, chúng đã biến nhà tù Hoà Bình thành nơi giam giữ tù chính trị. 

Trong hồi ký của mình, đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư chi bộ nhà tù Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị ghi chép rất rõ sự kiện này: "Đến khoảng tháng 4/1943, bọn Pháp không cung cấp đủ lương thực cho số tù khá đông ở Sơn La, phải chia gần một nửa tù chính trị về nhà tù Hòa Bình. Ngót 200 anh em chúng tôi được lệnh chuẩn bị rời Sơn La. Một chi bộ mới được thành lập… Về tới nhà tù Hòa Bình, chi bộ chúng tôi bắt đầu hoạt động và trở thành chi bộ đầu tiên của Đảng trên đất Hòa Bình”. Chi bộ có 20 đồng chí, là những đảng viên cốt cán đã hoạt động cách mạng trong Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ.

Suốt các năm 1943 đến 1945, chi bộ nhà tù đã góp phần thổi bùng những đốm lửa cách mạng trên vùng đất "bốn Mường” thành những ngọn lửa lớn, chuẩn bị cho cao trào cách mạng chắc chắn sẽ nổ ra. Trong 2 năm lao tù khổ ải, ngọn lửa yêu nước và tinh thần đấu tranh vẫn được bền bỉ truyền đi. Hàng ngày, ngay giữa bốn bức tường giam, anh em tù cộng sản bí mật đọc sách, báo và tài liệu tuyên truyền; tự phổ cập văn hoá và học thêm ngoại ngữ; tham gia các buổi tập diễn thuyết, thảo luận thời sự hoặc các lớp bồi dưỡng tư tưởng do chi bộ nhà tù tổ chức. 

Đặc biệt, giữa chốn lao tù hà khắc, đầy ải, tờ báo "Bình Minh”được ra đời. Tờ báo đã tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng. Không những thế, để ngọn lửa lan xa, những lần đi lao dịch tại các công sở, đường phố, đi lấy củi, đi chợ mua thực phẩm... cũng được những người tù cộng sản khéo léo tận dụng thành những buổi giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Dần dần, chi bộ đã thuyết phục thành công nhiều đối tượng tham gia cách mạng. Trong đó, cả binh lính, hạ sĩ quan trong đơn vị lính khố xanh làm nhiệm vụ canh gác nhà tù cũng được giác ngộ. 

Điều này, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng đã được lịch sử trân trọng ghi nhận: "Trong quá trình phát triển phong trào cách mạng ở Hoà Bình, phải khẳng định ảnh hưởng tích cực của các đoàn tù chính trị đi qua và chi bộ Đảng nhà tù Hoà Bình. Chi bộ nhà tù đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển lực lượng cách mạng. Ảnh hưởng của phong trào cách mạng ngày càng lan rộng, thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân...” (theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình” - tập 1 - xuất bản năm 1990).

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Với những đóng góp to lớn đó, năm 2000, di tích Nhà tù Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhận thức tầm quan trọng của di tích cách mạng nhà tù Hoà Bình, Sở VH-TT&DL, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh và Bộ VH-TT&DL về việc bảo vệ và giữ gìn khu di tích. Đồng chí Đinh Văn Sứng, Trưởng phòng VH-TT thành phố Hoà Bình - đơn vị được giao quản lý di tích cho biết: Từ năm 2012, nhà tù Hoà Bình được tỉnh đầu tư, tôn tạo để trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Theo đó, hàng năm, nơi đây đã đón tiếp, giới thiệu và giáo dục truyền thống cho hàng nghìn lượt học sinh, nhân dân trên địa bàn đến thăm quan, tìm hiểu.

M.H

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục