(HBĐT) - Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý đang dần trôi qua. Cầm trên tay tờ lịch cũ, đếm ngược giờ đồng hồ để chào đón xuân Tân Sửu 2021 là việc nhiều người dân đã, đang làm để hướng tới một năm mới bình an, suôn sẻ với những ước nguyện, kỳ vọng mới.



Phố phường TP Hòa Bình trang hoàng cờ hoa, khẩu hiệu mừng Đảng, mừng xuân mới Tân Sửu 2021.  

Khoảng trung tuần tháng 1/2021, tức đầu tháng 12 năm Canh Tý, trong trạng thái bình thường mới (đại dịch Covid-19 tạm lắng), khắp các phố phường, ngõ xóm đã rộn ràng vào xuân. Trên những cánh đồng ở các huyện, xã trong tỉnh, bà con hối hả thu hoạch rau, màu vụ đông chuẩn bị làm đất cho vụ lúa mới; trong các khu vườn cam, bưởi ở Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi… bà con cũng tất bật thu hái quả để cung ứng ra thị trường. Chợ Tết ở vùng cao, xa các huyện Tân Lạc,  Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi đã sôi động với người bán, kẻ mua. Bà con mang các sản vật của núi rừng, hoặc được sản xuất từ vườn, ao, chuồng ra chợ bán để đổi lấy quần áo mới và những thứ thiết yếu cho ngày Tết.

Ở nơi phố thị (TP Hòa Bình), Tết dường như cũng đến sớm hơn mọi năm. Hòa cùng sự kiện chào mừng Đại hội XIII của Đảng, phố phường được dọn dẹp, trang hoàng cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu từ rất sớm. Các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ngập tràn hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Tết. Nhiều khu dân cư đã tổ chức vui Tất niên rôm rả. Năm nay, một số khu dân cư không đặt cỗ ở nhà hàng mà mua thực phẩm về để cùng nấu nướng, một phần là để hoài niệm về Tết xưa cổ truyền của dân tộc, một phần để cùng gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, gắn kết thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Để đảm bảo cho người dân đón Tết vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, UBND thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng ra quân đảm bảo ANTT, an toàn giao thông, chúng tay xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp. Theo đó, UBND các phường, xã tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lưu động để truyền tải các thông  điệp: Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; không uống rượu, bia, không phóng nhanh vượt ẩu khi lái xe; không sử dụng  pháo nổ, vật liệu nổ trái phép; không vứt rác, xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Không khí vui xuân, đón Tết đang vào "guồng” thì bị đình lại bởi "làn sóng Covid-19 thứ 3”. Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng sau 55 ngày yên ắng. Có 2 ca đi về từ vùng dịch có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS- CoV- 2, Hòa Bình không còn là địa phương "an toàn”.  Kết quả truy vết đối tượng tiếp xúc diện F1, F2, F3 lên tới vài trăm người, gần 1.500 người đi về từ vùng dịch. Từ trạng thái bình thường, Hòa Bình chộn rộn lo dập dịch và phòng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tỉnh hoãn tất cả các cuộc hội họp không cần thiết, dừng các hoạt động vui xuân đón Tết, bao gồm cả sự kiện bắn pháo hoa trong đêm giao thừa để hạn chế tập trung đông người. Tất cả để có một cái Tết lành mạnh, tiết kiệm, an toàn với mọi người, mọi nhà. Nhịp sống có phần chậm lại nhưng sắc xuân vẫn ngập tràn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vẫn căng mình chăm lo Tết cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội và những gia đình đang phải thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19.

Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý đang khép lại, tiết trời đã lập xuân, ngắm nhìn những con phố, đường làng phong quang, sạch đẹp rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng xuân Tân Sửu 2021 và cả những tấm pano, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người con của đất Mường Hòa Bình đều gửi gắm ước vọng về một ngày mai tươi sáng.
        
 Thúy Hằng  
(Hội Nhà báo tỉnh) 

Các tin khác


Ấn tượng trang phục người Dao

(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.

Đặc sắc trò chơi dân gian ngày xuân

(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn, tạo sự quan tâm của người dân. Việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống trong các dịp lễ, Tết tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Rộn ràng chiêng Mường

(HBĐT) - Trong tâm thức của mỗi người con quê hương Hòa Bình, chiêng Mường đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi vang vọng tiếng chiêng lúc thì nhịp nhàng, trầm bổng, khi thì sôi động, hào hùng.... Chiêng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân tộc Mường, đặc biệt không thể thiếu trong các lễ hội xuân.

Khao Roi -lịch cổ độc đáo của người Mường

(HBĐT) - Đầu xuân năm mới, những giọt sương mai long lanh đậu trên những lộc xanh mới nhú, nhâm nhi chén trà xuân mỗi người tự dành cho mình chút thư thả sau một năm bươn trải vì cuộc sống. Có lẽ mọi người nghĩ đến tương lai, song nghĩ về quá khứ cũng là cách hay để cùng hướng tới tương lai. Cứ tuần tự sau 12 tuần trăng người Việt – Mường lại đón xuân mới, kết thúc một chu kỳ sản xuất đã qua, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới. Để biết được điều này, người xưa đã căn cứ vào quy luật của tự nhiên để làm ra lịch. Với người Mường, lịch Khao Roi là một di sản văn hóa kết tinh tri thức dân gian bản địa phục vụ cho cuộc sống sinh tồn trước đây cũng như canh tác nông nghiệp cho đến ngày nay.

Đặc sắc Mo Mường

(HBĐT) - Khi những nụ hoa đào ở vùng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bắt đầu chúm chím thì nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng lại bận rộn chuẩn bị mũ, áo đi khắp làng trên, xóm dưới để làm lễ tại các gia đình. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông giới thiệu đồ nghề hành lễ được để nơi trang trọng gần cửa voóng. Ngày Tết, các gia đình trong vùng thường mời thầy mo đến khấn lễ báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua, cũng như mong một năm mới tốt đẹp. Với thầy mo Bùi Văn Lựng, khấn lễ ngày Tết thực tế là khấn bàn thờ tổ tiên, thổ địa, bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục