(HBĐT) - Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc Mường, Thái trong tỉnh. Đến những bản Dao dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ ngồi tỉ mỉ thêu những chi tiết hoa văn thì ở các bản làng Mường, Thái lại níu giữ du khách với bóng dáng người phụ nữ ngồi bên khung cửi, bằng đôi tay khéo léo cho ra đời những sản phẩm độc đáo. Dệt thổ cẩm - tinh hoa văn hóa dân tộc vẫn luôn được trân trọng gìn giữ và nỗ lực bảo tồn dẫu trải qua những thăng trầm của lịch sử.


Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống và tăng thu nhập cho chị em.

Nghề dệt thổ cẩm không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng bao nhiêu thế hệ người con Mường, Thái sinh ra và lớn lên bằng lời ru bên khung cửi, tuổi thơ gắn liền với tiếng kẽo kẹt đạp chân của bà, của mẹ khi se tơ, dệt vải. Khi trưởng thành, dựng vợ gả chồng, người con gái phải tự chuẩn bị cho gia đình chồng mỗi người một bộ váy, áo để thể hiện tấm lòng của cô dâu mới. Chăn, màn, đệm, gối cho phòng tân hôn cũng do người con gái tự tay dệt với ngụ ý rằng, đôi bàn tay khéo léo sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình êm ấm. Những tấm vải thổ cẩm cứ thế hiện diện trong đời sống và trở thành nét đẹp truyền thống không thể phai nhòa.

Xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) có HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành nổi tiếng. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX không còn nhộn nhịp, sôi động như trước, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn tranh thủ tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi để dệt nên những tấm thổ cẩm đủ kích cỡ. Một phần để sử dụng trong gia đình, phần còn lại để mang bán tại các phiên chợ giúp tăng thu nhập. Nhưng hơn hết, họ dệt để giữ nghề và trao truyền lại cho con cháu. Chia sẻ với chúng tôi, chị Dương Thị Bin, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX có 170 khung dệt với 170 người dệt thường xuyên, chủ yếu là các mẹ, các chị tại xóm Lục và một số xã lân cận như Vũ Bình, Tân Mỹ, Ân Nghĩa... Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất trên 27.500 sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, mũ, khăn… phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và các vùng lân cận. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, sản phẩm làm ra được du khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thu nhập của chị em ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số làng nghề, cơ sở còn giữ gìn và phát triển mạnh nghề dệt như: HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu), HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành (Lạc Sơn); làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc)… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều làng nghề cũng lao đao. HTX dệt thổ cẩm dịch vụ và du lịch Chiềng Châu nổi tiếng bởi những sản phẩm thổ cẩm làm bằng tay đẹp mắt, tinh tế. Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Khi chưa có dịch, làng nghề gắn với phát triển du lịch hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương. Hiện nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản phẩm làm ra tồn đọng, khó tiêu thụ. Mặc dù vậy, chị em vẫn duy trì sản xuất để phục vụ đời sống, khi bệnh dịch ổn định có sẵn sản phẩm phục vụ du khách.

Dịch bệnh đã, đang tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ những sản phẩm thủ công truyền thống. Nỗ lực vượt lên khó khăn, bà con duy trì giữ gìn nét tinh hoa thổ cẩm truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Riêng tại HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, trong 3 tháng hè vừa qua đã dạy nghề dệt cho khoảng 50 học viên từ 16 tuổi trở lên biết dệt cơ bản. Cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn, phát triển.


Khánh Linh


Các tin khác


Thi "Điểm sách văn học Hàn Quốc 2021" trực tuyến

Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Dịch văn học Hàn Quốc tổ chức cuộc thi trực tuyến "Điểm sách văn học Hàn Quốc 2021" nhằm giới thiệu sâu hơn về văn học Hàn Quốc với độc giả Việt Nam.

Hào hùng "Khúc tráng ca Hà Nội"

Tối 10/10, chương trình nghệ thuật "Khúc tráng ca Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021) diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô. Chương trình do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, dưới hình thức truyền hình trực tiếp, không có khán giả tham dự.

Nơi ươm mầm văn hoá đọc

(HBĐT) - Từ một thư viện nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở tổ 1, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) đã gây dựng được một thư viện với hơn 1.000 đầu sách, thu hút hơn 40 độc giả nhí đến thường xuyên. Đến đây, các cháu quên đi những cám dỗ của máy tính, điện thoại thông minh… chìm vào trang sách khám phá thế giới. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn của những học trò ở thành phố đến khám phá thế giới văn học qua những trang sách.

Bảo tồn, giữ gìn chữ viết các dân tộc

(HBĐT) - Hòa Bình có 6 dân tộc chính là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông sinh sống, tạo nên sự phong phú về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được đặc biệt quan tâm.

Đưa dân ca Mường vào đời sống hiện đại

(HBĐT) Đã hơn 2 năm nay, câu lạc bộ (CLB) hát dân ca Mường Khói ở xóm Bái, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) thường xuyên tổ chức hát trong các dịp lễ hội, ngày rằm hoặc đơn giản chỉ trong cuộc gặp mặt của các thành viên.

Đắm say bản Thái Mai Châu

(HBĐT) - Mai Châu là vùng đất hội tụ sinh sống của nhiều dân tộc anh em với những nét văn hóa đặc sắc. Trong đó, những bản làng của đồng bào dân tộc Thái còn lưu giữ nét sinh hoạt truyền thống trong nếp ăn, nếp ở, hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn làm đắm say, thu hút du khách khi đến với thung lũng Mai Châu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục