Bà Mùa Y Máy, xóm Trà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) phơi những mảnh vải đã được nhuộm tràm.
Súng sính trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu cùng các chị em trong bản đến chợ phiên Pà Cò (Mai Châu), chị Mùa Y Mé, xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò cho biết: Gần Tết rồi, nên mình tranh thủ đến chợ mua thêm ít chỉ màu và các phụ kiện nhỏ để kịp thêu trang trí cho chiếc váy thật đẹp còn mặc đi chơi Tết. Với người Mông, ngày Tết hay lễ hội mà mặc đồ cũ sẽ xui xẻo cả năm, nên mọi nhà đều cố gắng để có được những bộ quần áo mới và phải chuẩn bị trước đó rất lâu. Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị cho mình những bộ váy áo đẹp nhất để vui xuân, trẩy hội cùng các chàng trai, cô gái bản Mông đắm mình trong những tiếng khèn, điệu xòe ô quyến rũ.
Cũng như nhiều dân tộc khác, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vốn luôn có nét độc đáo ở kiểu dáng, cho đến những màu sắc sặc sỡ của hoa văn. Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, nhuộm tràm, vẽ sáp ong, thêu. Thường thấy các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng...
Trang phục của đàn ông đặc trưng là màu đen, ống quần rất rộng để có thể leo đồi, lên núi và múa khèn dễ dàng. Đi kèm với bộ trang phục không thể thiếu thắt lưng (còn gọi là lăng dua la). Trang phục phụ nữ Mông gồm váy và áo lại cầu kỳ và rực rỡ hơn. Váy (tiếng Mông là ta) là loại váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có 2 dây để buộc. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và ghép từng tấm rất ấn tượng, độc đáo. Áo (gọi là so) có cổ hình chữ V, được nẹp thêm màu vải tùy thích, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật trang trí hoa văn hài hòa, trang nhã, có gắn đồng bạc tạo âm thanh vui nhộn cho trang phục, 2 ống tay áo được thêu hoa văn với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay, khiến chiếc áo trở nên nổi bật. Đặc biệt, chiếc váy của phụ nữ dân tộc Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc mà còn mang tính thẩm mỹ. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo, khác biệt so với một số dân tộc khác. Bà Mùa Y Máy, xóm Trà Đáy, xã Pà Cò chia sẻ: Váy được trang trí đẹp, là thước đo độ khéo tay của phụ nữ Mông. Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã cùng mẹ học thêu, in sáp ong lên váy. Không có một khuôn mẫu nhất định, với sự quan sát tinh tế, bằng trí tưởng tượng, đôi tay khéo léo, những người phụ nữ Mông đã không ngừng sáng tạo ra những hình khối, họa tiết, vẽ sáp, phối mầu chỉ thêu họa tiết trang trí để tạo ra những chiếc váy đẹp độc đáo của riêng mình. Nhiều người khi thêu đã thuộc màu ưa thích, không cần nhìn màu, nhìn mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết theo ý muốn. Mỗi chiếc váy làm ra, thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ, đồng thời phản ánh những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa nghệ thuật, tinh thần của người Mông.
Đối với người Mông, trang phục là cái mặc, cũng là của cải gia truyền mà ai nấy đều phải bảo tồn và phát huy sao cho ngày càng đẹp, càng quý, phản ánh được rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của tộc người. Trải qua thời gian, trang phục của phụ nữ Mông ở các xã Hang Kia, Pà Cò vẫn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Mông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người.
Đỗ Hà