Trong nhiệm kỳ luân phiên Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng này, Nga không ngừng đối đầu với Mỹ và đồng minh phương Tây, thể hiện qua các cuộc tranh cãi căng thẳng.


Toàn cảnh một cuộc họp của HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ của Nga tháng này, sự đối đầu giữa Moskva và phương Tây đã trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Từ các vấn đề ở Gaza, xung đột ở Ukraine, Syria cho đến trật tự thế giới mới, căng thẳng giữa các bên đã được thể hiện rõ rệt, đánh dấu một giai đoạn đầy mâu thuẫn và xung đột ngoại giao.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ phương Tây. Trong tháng này, khi Nga nắm quyền điều hành chương trình nghị sự của HĐBA, sự đối đầu đã trở nên công khai hơn, thậm chí thể hiện qua các ngôn từ lạnh nhạt. Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood đã từ chối gọi Bộ trưởng ngoại giao Nga hoặc bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào khác là "Ngài Chủ tịch", một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng băng giá trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Các nhà ngoại giao Nga cũng không ngần ngại đáp trả. Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky tỏ ra tức giận khi đáp lại những phát biểu chỉ trích của ông Wood về Nga tại cuộc họp về Syria. Sự căng thẳng này càng củng cố cảm giác về một HĐBA thường xuyên bất đồng quan điểm trong những năm gần đây, nhưng vẫn có thể thông qua các nghị quyết về một số điểm nóng trên thế giới.
Những cuộc "khẩu chiến" giữa các nhà ngoại giao Nga và phương Tây xuất hiện trong hầu hết mọi cuộc họp của HĐBA.

Khi Nga sử dụng cuộc họp mang tính dấu ấn của mình, do Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov chủ trì, để thúc đẩy một trật tự thế giới dân chủ hơn với nhiều trung tâm quyền lực, các đại sứ phương Tây đã phản đối, nói rằng Moskva không nên nêu vấn đề này sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Khi Nga triệu tập cuộc họp vào giữa tuần trước để lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, các nhà ngoại giao phương Tây đã cáo buộc Nga nhận vũ khí từ Triều Tiên và Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ, đồng thời chỉ trích Trung Quốc cung cấp vật liệu để hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga - điều mà đại diện của Trung Quốc tại LHQ đã phủ nhận.

Tại cuộc họp của HĐBA về Syria, Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh tìm cách gây bất ổn cho nước này bằng "sự hiện diện bất hợp pháp" của họ. Ông Wood lại đổ lỗi Nga và Syria cản trở nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm của nước này.

Tại cuộc họp về Ukraine hôm 25/7, Nga đã đề nghị cựu Ngoại trưởng Áo Karin Kneissel báo cáo tóm tắt lên hội đồng, các nhà ngoại giao phương Tây coi đây là một sự cải thiện đáng chú ý, mặc dù họ phản đối quan điểm của bà Kneissel rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ thúc đẩy một thị trường vũ khí không được kiểm soát ở Đông và Trung Âu, làm gia tăng tội phạm và khủng bố.

Khi trả lời phỏng vấn của AP, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch của Nga "diễn ra suôn sẻ", nhưng khi được hỏi về các cuộc tranh cãi với Mỹ và các đồng minh, Đại sứ Nebenzia nói: "Điều đó xảy ra, bất kể có làm Chủ tịch HĐBA hay không".



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Hamas từ chối các điều kiện mới do Israel đặt ra

Phong trào Hamas của người Palestine cho biết nhóm này không đồng ý với các điều kiện mới mà Israel đưa ra về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Hơn 400 đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 26/7, các đoàn đại diện Chính phủ, Quốc hội, chính đảng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngoại giao đoàn các nước và kiều bào Việt Nam đã đến viếng và ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Điện Kremlin: Mỹ tính lập trung tâm hậu cần ở Biển Đen để viện trợ vũ khí cho Ukraine

Trợ lý Tổng thống Nga Nikolai Patrushev cho biết Mỹ đang muốn lập các trung tâm hậu cần tại khu vực Biển Đen để đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và triển khai vũ khí tầm xa.

Mỹ, UAE và Israel họp bí mật về kế hoạch hậu chiến cho Gaza

Các quan chức Mỹ, Israel và UAE đã tổ chức một cuộc họp bí mật tại Abu Dhabi để thảo luận về kế hoạch tương lai cho Gaza sau khi xung đột kết thúc. Kế hoạch hòa bình của UAE cũng đề xuất có sự tham gia của các lực lượng quốc tế và yêu cầu chính quyền Palestine tiến hành cải cách.

Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, nhân văn trong lòng bạn bè Mỹ Latinh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo chính trực, nỗ lực không mệt mỏi và cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho việc xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ

Với các chính trị gia, quan chức Mỹ gắn bó với Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục