Xe tăng Thái Lan tiến về một căn cứ quân sự gần khu vực tranh chấp quanh đền cổ Preah Vihear.

Xe tăng Thái Lan tiến về một căn cứ quân sự gần khu vực tranh chấp quanh đền cổ Preah Vihear.

Dường như chủ nghĩa dân tộc và thực trạng chính trị đang "hun nóng" cuộc tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Chưa tìm ra giải pháp dứt điểm, nhưng rõ ràng, cả hai phía cũng đang cố tránh để tình hình xấu hơn.

 

Thử thách mới, bế tắc cũ

Mặc dù nguyên nhân thực sự của các vụ đụng độ có vũ trang quanh ngôi đền cổ Preah Vihear ở biên giới Thái Lan - Campuchia trong những ngày vừa qua vẫn chưa được làm rõ, song tình trạng căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng kể từ khi 7 người Thái - trong đó có một nhà lập pháp - bị phía Campuchia bắt giữ hồi tháng 12/2010 gần biên giới do nhập cảnh bất hợp pháp. Hai trong số họ đã bị kết án tù lâu năm về tội gián điệp, khiến những người Thái theo chủ nghĩa dân tộc tức giận, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại Bangkok để yêu cầu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức. Các cuộc xung đột biên giới đã làm ít nhất 10 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương, hàng nghìn dân thường gần đó phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Thách thức mới trong quan hệ Thái Lan-Campuchia xuất hiện ngay sau khi hai nước tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ với các tuyên bố hữu hảo và cam kết giải quyết hòa bình mọi tranh chấp. Thách thức này gay gắt đến mức nó đã được đưa ra khỏi phạm vi khu vực. Tuy nhiên, vấn đề quyết định quan hệ là giải quyết tranh chấp chủ quyền vẫn tiếp tục bế tắc. Thái Lan muốn giải quyết xung đột trong khuôn khổ song phương không có sự can dự của bên thứ ba, còn Campuchia tẩy chay đàm phán song phương và muốn LHQ can thiệp. Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ là một sự nhắc nhở rõ ràng rằng Preah Vihear đang trở thành vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ ASEAN.

Đêm 14/2, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Thái Lan, Ngoại trưởng Campuchia và Ngoại trưởng Indonesia với vai trò Chủ tịch ASEAN, Hội đồng bảo an LHQ đã ủng hộ vai trò của ASEAN tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước thành viên, trong đó có việc kiến tạo lệnh ngừng bắn lâu dài trên biên giới. Nhưng chỉ vài giờ sau khi LHQ kêu gọi ngừng bắn lâu dài giữa Thái Lan và Campuchia, Bangkok thông báo xảy ra một vụ đụng độ mới giữa binh sỹ hai nước.

Trong động thái mới nhất, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 17/2 cho biết sẽ yêu cầu Thái Lan cùng ký một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 22/2 tới ở thủ đô Jakarta (Indonesia), dưới sự chứng kiến của Chủ tịch ASEAN. Nhưng dù đã hối thúc Campuchia trở lại bàn đàm phán song phương để giải quyết cuộc tranh cãi ầm ĩ xoay quanh ngôi đền cổ 900 tuổi, Bangkok vẫn phản ứng trước đề xuất bốn điểm của Campuchia đưa ra cùng ngày, cho rằng yêu cầu của Phnom Penh nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước đã bỏ qua điểm chính của vấn đề “vì quân đội Campuchia luôn là phía châm ngòi cho mọi cuộc xung đột”.

Những động thái này cho thấy Thái Lan và Campuchia chưa có dấu hiệu thu hẹp bất đồng về việc làm thế nào để chấm dứt cuộc xung đột biên giới làm binh sỹ hai bên thương vong này.

Kịch bản và giải pháp

Bất chấp những lời lẽ cứng rắn và tình trạng thương vong ở cả hai phía, giới quan sát cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột tổng lực giữa Thái Lan và Campuchia là rất nhỏ.

Các cuộc đọ pháo gây nhiều thương vong từ ngày 4/2 đến nay dường như đang từng phút đẩy Thái Lan và Campuchia tiến gần tới bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Nhưng Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhận thức rõ một cuộc đối đầu quân sự đầy thảm họa cho hai quốc gia là khó tránh khỏi nếu cả hai tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự. Nếu Chính phủ Thái Lan và Campuchia không kiểm soát được cuộc xung đột hiện nay, điều đó sẽ mở đường cho cộng đồng quốc tế can thiệp và tạo điều kiện để các lực lượng bên ngoài dính líu vào vụ tranh chấp đền Preah Vihear. Kết cục này hoàn toàn không có lợi cho cả Thái Lan lẫn Campuchia.

Trong kịch bản xung đột leo thang, Hội đồng Bảo an LHQ nhiều khả năng sẽ can thiệp để giám sát thỏa thuận ngừng bắn và biến toàn bộ khu vực tranh chấp thành khu vực phi quân sự. Kết cục là Thái Lan và Campuchia sẽ trở thành người đứng ngoài cuộc ngay chính trên lãnh thổ của mình. Giáo sư Mark Turner của trường Đại học Canbera ở Australia nói: "Khó có thể hình dung cuộc xung đột vũ trang này sẽ leo thang". Còn tờ The Nation (Dân tộc) của Thái Lan ngày 8/2 cho rằng cả Thái Lan lẫn Campuchia đều cùng thất bại thảm hại nếu xung đột biên giới hiện nay giữa hai nước leo thang thành một cuộc chiến tranh.

Mỹ và Trung Quốc đã liên tục yêu cầu hai bên kiềm chế, động thái cho thấy cả hai cường quốc này cũng có quan tâm riêng đến hòa bình ở khu vực biên giới đặc biệt này. Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất, mạnh nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, trong khi Campuchia đang trở thành một đối tác chiến lược của Trung Quốc trên các phương diện kinh tế, ngoại giao và quân sự. Mỹ cũng ở vị thế tương tự như Trung Quốc: có một mối quan hệ lâu đời, mạnh mẽ và sâu sắc với Thái Lan trong khi lại đang gia tăng ảnh hưởng của mình ở Campuchia. Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều khó mà chọn lựa được bên nào để ủng hộ trong cuộc tranh chấp này. Và cả hai nước cũng khó tán đồng việc Campuchia kêu gọi LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến điểm nóng này.

Phát biểu trước báo giới hôm 17/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan không thể giải quyết trong khuôn khổ song phương. ASEAN cũng không thể giải quyết mà chỉ có thể ngăn chặn các vụ xung đột trong tương lai, trong khi Hội đồng Bảo an LHQ cũng không có hành động nào.

Giới bình luận quốc tế cho rằng quyết định mang tính cân bằng cho cả đôi bên của LHQ đã đẩy quả bóng giải quyết tranh chấp sang sân của ASEAN. Các ngoại trưởng ASEAN sẽ nghiêm túc thảo luận vấn đề này tại cuộc họp ngày 22/2 tới tại Jakarta. Với Indonesia, trong tư cách là Chủ tịch ASEAN, có thể sẽ đề nghị một số biện pháp để ổn định tình hình, như rút quân khỏi khu vực và cho phép quan sát viên nước ngoài đánh giá tình hình. Tuy nhiên, khả năng đạt tới một giải pháp nào đó vẫn là dấu hỏi lớn khi hai bên xung đột không chịu thỏa hiệp.

 

                                                                                 Theo DanTri

Các tin khác


G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục