Tổng thống Syria al-Assad vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội -Ảnh: Reuters

Tổng thống Syria al-Assad vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội -Ảnh: Reuters

Cuộc nổi dậy của quần chúng kéo dài tám tháng qua tại Syria ngày càng trở thành một cuộc nổi dậy vũ trang. Syria đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của một cuộc nội chiến đẫm máu.

Nguy cơ một cuộc nội chiến, như các nhà quan sát nhận định, đang lởn vởn ở Syria do sự gia tăng hoạt động của các binh lính ly khai chống lại các lực lượng chính phủ cũng như sự thiếu vắng một sự dàn xếp nhanh cho cuộc khủng hoảng.

Trong hai ngày liên tiếp, nhóm binh sĩ ly khai từ quân đội Syria mang tên Quân đội giải phóng Syria (FSA) đã mở hai cuộc tấn công vũ trang táo bạo vào các cơ sở chính phủ. “Các vụ tấn công ở Syria hoàn toàn giống một cuộc nội chiến thật sự” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận. Chuyên gia Salman Shaikh thuộc Trung tâm Brookings Doha cho rằng cuộc nổi dậy ở Syria từ tám tháng qua nay đã tiến đến giai đoạn nổi dậy vũ trang.

Bắn giết lẫn nhau

FSA được hình thành từ cách đây vài tháng, hiện đã có tới 10.000 quân, chủ yếu là lính quân đội Syria ly khai, hiện đang đóng ở khu vực biên giới cạnh Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và sâu bên trong Syria, bao gồm thành phố Homs. Vũ khí của FSA là các loại súng đạn được lấy từ các kho vũ khí của quân đội chính phủ al-Assad cũng như từ lượng vũ khí lớn ở các nước láng giềng được tuồn vào Syria.

Chỉ huy FSA là đại tá Riad al-As’ad, người từng đào ngũ khỏi quân đội Syria và chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết FSA sẽ tiếp tục tấn công các lực lượng thân Tổng thống al-Assad để bảo vệ thường dân. “Chúng tôi đối phó với tình trạng leo thang bạo lực bằng leo thang bạo lực - ông ta khẳng định - Người dân Syria không thể chờ đợi quyết định của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã chờ đợi tám tháng qua và chỉ thấy máu đổ. Chúng tôi quyết đứng chung mặt trận với người biểu tình Syria”.

Mục tiêu của FSA là lực lượng an ninh và các nhóm dân quân đã thẳng tay tàn sát người biểu tình trong thời quan qua. Không phải không có lý do mà cuộc tấn công đầu tiên của FSA là nhắm vào căn cứ tình báo không quân Syria. Theo các nhà quan sát Trung Đông, đây là một trong những cơ quan tình báo quan trọng nhất và là cánh tay mặt của chính quyền al-Assad trong các nỗ lực thủ tiêu, bắt cóc và đàn áp biểu tình. Nhiều người biểu tình Syria cáo buộc chính tình báo không quân Syria đã thực hiện cuộc ám sát nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Mashaal Tamo vài tuần trước đây.

Theo chính quyền Syria, trong những tháng qua, hơn 1.000 binh sĩ, cảnh sát và thành viên lực lượng an ninh chính phủ đã thiệt mạng trong các vụ tấn công của “các nhóm khủng bố có vũ trang”. Ngược lại, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, lực lượng thân chính quyền al-Assad đã sát hại hơn 3.500 người biểu tình. “Nội chiến là không thể tránh khỏi - chuyên gia Rami Abdel Rahman thuộc Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (trụ sở ở London, Anh) nhận định - Chính quyền Syria tàn sát người dân và cuối cùng người dân phải tự bảo vệ mình”.

Tương lai u ám

Các nhà phân tích cho biết số lượng binh sĩ ly khai ở Syria đang gia tăng, đặc biệt khi một trong những đồng minh quan trọng cuối cùng của chính quyền Syria là Liên đoàn Ả Rập đã quay lưng chống lại ông al-Assad. Tuy nhiên, chế độ al-Assad vẫn rất mạnh. Quân đội Syria hiện vẫn có khoảng 200.000 binh sĩ, các tướng lĩnh lãnh đạo thuộc nhóm tôn giáo Alawite rất trung thành với ông al-Assad. Quân đội Syria có tiếng là được đào tạo bài bản, có khả năng triển khai nhiều loại vũ khí hiện đại, xe quân sự và máy bay chiến đấu.

Các nhà lãnh đạo phong trào đối lập ở Syria cũng nhiều lần thừa nhận việc đánh bại quân đội của ông al-Assad là một khả năng rất khó xảy ra. Hơn nữa, chế độ al-Assad vẫn đủ sức huy động hàng chục ngàn người phản biểu tình khắp Damascus. Ngoài ra, ông al-Assad vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ của tầng lớp doanh nhân giàu có đầy quyền lực ở Syria.

Do đó, giới quan sát phương Tây nhận định một cuộc nội chiến ở Syria có thể sẽ rất đẫm máu, kéo dài và có khả năng đe dọa an ninh của các nước láng giềng như Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan...Đến nay, các cường quốc phương Tây hay Liên đoàn Ả Rập vẫn chưa lên tiếng về khả năng can thiệp quân sự vào Syria theo kiểu Libya. Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao cho biết phương Tây không loại trừ khả năng này, đặc biệt nếu bạo lực đe dọa khu vực.

 

                                                                     Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Tổn thất do thuốc lá gây ra với kinh tế toàn cầu lên tới 1.400 tỷ USD mỗi năm

Ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá thường được quảng cáo là có ý nghĩa với phát triển kinh tế, trên thực tế chỉ đóng góp chưa đến 1% GDP toàn cầu.

Tòa án Libya kết án tử hình 23 thành viên của IS

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, ngày 30/5, Tòa án thành phố Misrata, miền Tây Libya đã tuyên án tử hình 23 thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng với nhiều tội danh, trong đó có vụ hành quyết 21 tín đồ Cơ đốc giáo dòng Coptic của Ai Cập tại thành phố Sirte hồi đầu năm 2015.

Chủ tịch Cuba khẳng định tình đoàn kết với Nga

Ngày 30/5, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã nêu bật mối quan hệ tốt đẹp giữa La Habana và Moskva, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt do các cường quốc phương Tây áp đặt đối với Nga.

Khoảng 40 người bị thiệt mạng trong hai vụ tấn công khủng bố tại Burkina Faso

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 30/5, các nguồn thạo tin cho biết khoảng 40 người đã thiệt mạng trong hai vụ tấn công khủng bố ở Tây Bắc Burkina Faso cuối tuần qua.

Chiến thắng của ông Erdogan có ý nghĩa gì đối với cân bằng địa chính trị thế giới

Là một trong những nước có quân đội lớn nhất NATO, kiểm soát lối vào Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nhân tố không thể thiếu trong liên minh Đại Tây Dương xét về địa chính trị.

Máy bay không người lái tấn công các tòa nhà ở Moskva

Truyền thông Nga dẫn thông báo trên kênh Telegram của Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho biết, sáng sớm 30/5, một số tòa nhà ở Moskva bị hư hại nhẹ do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục