Mặc dù tân chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos vừa công bố ngân sách năm 2012 và tân Thủ tướng Italia Mario Monti đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng và Hạ viện, nhưng giới chuyên môn vẫn lo ngại về những bất ổn đã và đang xảy ra trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lo lắng này càng được củng cố sau cảnh báo của Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick.

 

Từ những cảnh báo liên tiếp được đưa ra

Ngày 18/11, Chủ tịch WB Robert Zoellick cảnh báo nguy cơ khu vực Eurozone sụp đổ có thể tạo ra những biến động gây rối loạn nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế đang phát triển. Do đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có thể cung cấp giải pháp cuối cùng để hỗ trợ khu vực Eurozone nếu các nước châu Âu thỏa thuận được giải pháp chung giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, đảm bảo lòng tin của nhà đầu tư quốc tế. Được biết, Mỹ, Canada, Australia và các nước đang phát triển sẵn sàng hỗ trợ khu vực Eurozone vượt qua thời kỳ khủng hoảng nhưng chỉ thông qua IMF. Cũng trong ngày 18/11, Thủ tướng Mario Monti đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện với 556 phiếu thuận và 61 phiếu chống.

Trước đó (17/11), ông Mario Monti đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện với tỷ lệ 281 phiếu thuận và 25 phiếu chống. Sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng và Hạ viện, chính phủ của ông Mario Monti chính thức bắt đầu nhiệm vụ của mình nhằm đưa Italia thoát khỏi gánh nặng nợ công khổng lồ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, 3 trụ cột trong chính sách của chính phủ (quản lý ngân sách chặt chẽ, tập trung vào tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội) sẽ được thực thi.

Tuy nhiên, giới chuyên môn quan tâm tới tuyên bố tại buổi làm việc đầu tiên trước Thượng viện hôm 17/11 ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức của tân Thủ tướng Mario Monti. Theo đó, tương lai của đồng Euro phụ thuộc vào những việc mà Italia sẽ làm trong vài tuần tới. Nếu đồng Euro sụp đổ sẽ khiến liên minh tiền tệ bị xóa sổ, châu Âu sẽ bị đẩy trở lại thập niên 1950 và một châu Âu thống nhất sẽ không thể tiếp tục tồn tại nếu khu vực Eurozone tan vỡ. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khuyến cáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel: nếu đồng Euro thất bại thì châu Âu sẽ thất bại.

Thủ tướng Italia Mario Monti.

Người phát ngôn của IMF David Hawley tuyên bố, IMF sẽ không giải ngân đợt tài trợ tiếp theo cho Hy Lạp theo gói cứu trợ trị giá 130 tỷ Euro với Liên minh châu Âu (EU) cho tới khi có được sự ủng hộ chính trị rộng rãi cho các biện pháp gắn liền với khoản vay này. 

Theo đó, chính phủ của tân Thủ tướng Lucas Papademos phải thống nhất chia sẻ cam kết của mình để thực hiện các chương trình kinh tế với các quyết định đã được nhất trí hôm 26/10 với lãnh đạo châu Âu và các tổ chức tài chính khác. IMF sẽ tài trợ khoảng 2,2 tỷ Euro trong 8 tỷ Euro cứu trợ lần này. Ông Lucas Papademos có 3 tháng để thực hiện các biện pháp ngân sách để nhận 8 tỷ Euro theo kế hoạch giải cứu đầu tiên tới giữa tháng 12/2011.

Khi được hỏi về khủng hoảng nợ châu Âu, ông David Hawley cho biết, có một mối lo ngại lớn về khu vực Eurozone, do đó các nhà chức trách châu Âu phải khẩn trương thực hiện kế hoạch của họ để tăng cường các khuôn khổ quản lý khủng hoảng một cách toàn diện. Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này sẽ giảm xuống 5,4% GDP trong năm 2012 (khoảng 11,4 tỷ Euro), từ mức 9% của năm 2011 (khoảng 19,7 tỷ Euro). Hy Lạp cũng có kế hoạch thanh toán cho các chủ nợ 50% mỗi khoản vay theo điều kiện của kế hoạch giải cứu được thông qua hôm 26-10.

Giới chuyên môn quan tâm tới đánh giá của Megan Greene, chuyên gia phân tích cao cấp tại Roubini Global Economics khi nhận xét, trên nhiều phương diện, vấn đề tại Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu đáng lo hơn so với Italia. Được biết, tình hình thất nghiệp tăng cao cộng với thâm hụt ngân sách sẽ cao hơn cả mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2011 đang khiến sự chú ý của thị trường chuyển sang Tây Ban Nha.

Việc này diễn ra khi lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha tăng vọt và tân nội các sắp được thành lập. Đảng Nhân dân trung hữu do ông Mariano Rajoy lãnh đạo được dự báo sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tuần sau tuy giúp trấn an tâm lý thị trường, nhưng trên thực tế, lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha thời hạn 10 năm đã đạt mức cao nhất trong 1 năm: lên 6,38% trong tuần này đã khiến dư luận thất vọng. Kết quả đấu thầu trái phiếu Pháp cũng có kết cục tương tự sau khi chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp, Tây Ban Nha với trái phiếu tương tự của Đức lên cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời.

Những thắc mắc khó lý giải

Thông tin trên tờ Frankfurter Allemeine Zeitung của Đức đang khiến dư luận bàn tán bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bí mật áp đặt một giới hạn với khoảng 20 tỷ Euro đối với chương trình mua trái phiếu chính phủ khu vực Eurozone. Được biết, hạn mức này tồn tại từ khi bắt đầu chương trình mua trái phiếu năm 2010, nhưng đến nay vẫn được giữ bí mật. Tuy nhiên ECB đã từ chối bình luận về thông tin này. Cho tới nay đã có không ít chuyên gia đưa ra câu hỏi: đồng Euro là động lực gây chia rẽ hay thống nhất đối với các nước khu vực Eurozone nói riêng và châu Âu nói chung.

Từng có không ít người tuyên bố, đồng tiền mới sẽ kết nối châu Âu theo cách mà những dàn xếp chính trị và các tuyên bố không thể làm nổi. Còn giới kinh tế cũng từng cảnh báo cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl rằng, đồng Euro không khả thi vì sự thống nhất tiền tệ mà không có thống nhất tài chính sẽ không ổn định bởi quốc gia chi tiêu nhiều sẽ tận dụng lãi suất thấp để vay cho tới khi "hết chịu nổi".

Với những gì đang diễn ra hiện nay thì những cảnh báo kể trên đang dần thành hiện thực - đồng Euro đang là nguồn cơn của sự chia rẽ hơn là sức mạnh thống nhất. Trong khi người Đức tức giận vì cho rằng, tiền thuế của họ được gửi tới những quốc gia tiêu hoang và lười lao động, thì người Hy Lạp bực mình bởi những hạn chế chi tiêu của quan chức châu Âu, những người không phải do họ bầu lên, áp đặt xuống.

Euro, USD hay NDT sẽ lên ngôi thời gian tới?

Giới truyền thông đưa tin, các ngân hàng Anh đã thu hẹp 25% diện cho vay tới các đối tác ở những nước ngoại biên trong khu vực Eurozone do lo ngại cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực này ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, 4 ngân hàng lớn tại Anh đã cắt giảm khối lượng cho vay liên ngân hàng tới 10,5 tỷ bảng Anh chỉ trong vòng 3 tháng (tính đến cuối tháng 9).

Sự cắt giảm mạnh nhất tiếp tục được thực hiện đối với các ngân hàng ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, trong khi Italia là đối tượng mới bị đưa vào diện cắt giảm. Điều này cho thấy sự gia tăng mạnh mức độ lo ngại của các ngân hàng đối với các nước Nam Âu. HSBC, ngân hàng cung cấp nguồn tín dụng lớn nhất cho các ngân hàng khác, đã cắt giảm tới 40% tổng cho vay liên ngân hàng đối với khu vực Eurozone. Tập đoàn này không cho các ngân hàng Hy Lạp vay, trong khi đó giảm 2/3 lượng tiền cho vay đối với Tây Ban Nha và Ireland.

Tới những biện pháp khắc phục

Giới chuyên môn cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ đe dọa Italia, thậm chí cả Pháp nên giới hoạch định chính sách khu vực Eurozone muốn ECB tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực cứu trợ. Giới kinh tế cho rằng, chỉ ECB mới có khả năng đưa ra sự bảo lãnh đáng tin cậy đối với các thị trường do các kế hoạch nâng quy mô của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỷ Euro chưa thể trở thành hiện thực trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Đức và Pháp đang mâu thuẫn gay gắt trong lĩnh vực này.

Trong khi Pháp muốn ECB đóng góp nhiều hơn vào quỹ EFSF thông qua các nghiệp vụ mua lại trái phiếu thanh khoản thì Đức lại lo ngại việc này sẽ đe dọa sự độc lập của ECB, thậm chí dẫn tới lạm phát cao hơn. Trong khi đó, ECB cũng tuyên bố, ngân hàng không thể trở thành người cho vay cuối cùng đối với chính phủ các nước khu vực Eurozone. Do đó, giải pháp có thể được thực hiện là ECB cho IMF vay tiền thay vì cho chính phủ của bất cứ quốc gia nào trong khu vực Eurozone.

Được biết, để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường nợ công khu vực Eurozone, mấy tháng qua ECB đã phải mua lại trái phiếu chính phủ của Italia, Bồ Đào Nha trên thị trường thứ cấp, nhưng chi phí để giải quyết khủng hoảng thông qua cách này quá tốn kém. Quan chức khu vực Eurozone và IMF đã bàn thảo ý tưởng: ECB cho IMF vay tiền để thể chế tài chính đa phương này có thêm nguồn lực tài chính cứu trợ các nền kinh tế khu vực Eurozone đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công. Đây là cách lách luật đối với ECB bởi theo quy định của Liên minh châu Âu có điều khoản cấm ECB tài trợ cho các chính phủ.

Nhưng Ngoại trưởng Đức Westerwelle cho rằng, việc in tiền của ECB có thể là biện pháp giải cứu tạm thời tốt nhất nhưng sẽ là sai lầm nghiêm trọng trong dài hạn. Theo đó, ECB không nên in tiền để giảm tình hình căng thẳng tại khu vực Eurozone vì điều này sẽ chỉ giúp giải cứu trong ngắn hạn và có thể làm tăng lạm phát và phá hỏng cải cách. Và nếu châu Âu muốn thay đổi tình hình, các nước thành viên sẽ không thể tránh khỏi việc sửa đổi các điều ước đã ký kết.

Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hội đàm ở Berlin hôm 18/11 để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone trong bối cảnh Hy Lạp và Italia đang có những động thái để thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng khẩn cấp. Bà Angela Merkel muốn Hiệp ước Lisbon của EU được sửa đổi và các cuộc đàm phán về vấn đề này phải được bắt đầu ngay lập tức.

Nếu 27 nước châu Âu không đồng ý thì sự thay đổi này sẽ do 17 thành viên khu vực Eurozone chấp thuận cũng được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc Đức sẽ bỏ qua vai trò của Anh để sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Trong khi đó ông David Cameron đang theo đuổi một châu Âu linh hoạt và đa dạng hơn – London muốn các nước ngoài khu vực Eurozone không bị thiệt trong việc tiếp cận thị trường chung. 10 quốc gia châu Âu không sử dụng đồng Euro đang bị ảnh hưởng bởi những quyết định của 17 thành viên khu vực Eurozone và Anh muốn thay đổi tình cảnh này.

Được biết, Ủy ban châu Âu đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ngân sách của các quốc gia thành viên để chống lại cuộc khủng hoảng nợ khu vực Eurozone. Lãnh đạo ECB kêu gọi hành động nhanh chóng gây quỹ cho khu vực Eurozone để giải cứu các nước thành viên trong cơn bĩ cực. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ cách tiếp cận theo từng bước để giải quyết khủng hoảng đang lan sang các nền kinh tế lớn ở trung tâm châu Âu như Italia, Tây Ban Nha và thậm chí cả Pháp.

Giới tài chính cho biết, Pháp đang vay với lãi suất thấp (khoảng 3% trong 10 năm) nhờ vị trí đứng đầu trong số các quốc gia vững mạnh về tài chính ở châu Âu, nhưng nếu bị tụt hạng AAA hiện nay lãi suất sẽ tăng vọt, chỉ cần tăng 1 điểm, lãi suất sẽ tương đương với 15 tỉ Euro trong 7 năm.

- Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố nghiên cứu "Tiến tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và giảm đói nghèo". Theo đó các chính phủ và giới kinh doanh trên thế giới cần đầu tư 2% GDP toàn cầu vào 10 lĩnh vực kinh tế then chốt để đẩy nhanh tiến độ chuyển sang nền kinh tế xanh. Theo nghiên cứu kể trên, với những chính sách công thông minh, chính phủ các nước có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, tạo nhiều việc làm có chất lượng, đẩy nhanh tiến bộ xã hội mà vẫn duy trì được hệ sinh thái trong khả năng chịu tải của Trái Đất.

- Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố Sách Xanh, trong đó dự đoán nước này hoàn toàn có thể hình thành từ 1 đến 2 trung tâm tài chính mang tính toàn cầu và nhiều trung tâm tài chính quốc tế mang tính khu vực vào thời điểm trước năm 2050 và đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền hạt nhân tại châu Á trong 10 năm tới. Dự kiến đến năm 2020, tổng giá trị kinh tế Trung Quốc sẽ gấp hai lần Nhật Bản và địa vị của nước này trong khu vực châu Á sẽ tăng cao hơn hiện nay. Sách Xanh nêu rõ, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của mạng lưới sản xuất Đông Á, địa vị của Trung Quốc trong kinh tế và thương mại tại châu Á và thế giới tiếp tục được nâng lên, nhưng Trung Quốc vẫn chưa phải là cường quốc kinh tế, hay cường quốc tài chính.

- Ủy ban độc lập của Quốc hội Mỹ cảnh báo, đồng NDT sẽ đe dọa ngôi vị thống trị trong dự trữ quốc tế của USD trong vòng 5-10 năm nữa. Bên cạnh đó, tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng gia tăng nhu cầu tài sản bằng đồng NDT. Mặc dù Trung Quốc đã cho phép đồng NDT tăng giá nhưng vẫn bị coi là thấp so với USD. Ủy ban này cảnh báo, Bắc Kinh đang là trung tâm sản xuất chi phí thấp và nếu đồng NDT vẫn bị kiểm soát thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

- Ngày 17/11, cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của Mỹ là Fitch Ratings đã cảnh báo các ngân hàng Mỹ đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do khả năng thanh khoản của các ngân hàng này trở nên tồi tệ, ảm đạm nếu cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu tiếp tục xấu đi và lan rộng ra ngoài 5 nước châu Âu đang có nguy cơ vỡ nợ là Hy Lạp, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (GIIPS). Tính đến nay, 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ là JPMorgan Chase & Co. (JPM), Bank of America Corp. (BAC), Citigroup Inc. (C), Wells Fargo & Co. (WFC), Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley (MS) có khoản nợ xấu 50 tỷ USD từ các nước GIIPS.

Các khoản nợ xuyên biên giới chưa được Pháp và các ngân hàng Pháp thanh toán của 6 ngân hàng này trừ Wells Fargo lần lượt là 74 tỷ USD và 114 tỷ USD. Các số liệu này đối với Anh và các ngân hàng Anh lần lượt là 225 tỷ USD và 51 tỷ USD. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), đảm bảo của các ngân hàng Mỹ đối với nợ các chính phủ, ngân hàng và nợ công ty của 5 nước GIIPS đã tăng thêm 80,7 tỷ USD và đã lên tới 518 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2011. Tập đoàn tài chính HSBC Holdings Plc. của Anh nhấn mạnh cảnh báo mới của Fitch Ratings được coi là kịch bản xấu nhất và đảo ngược hoàn toàn các dự báo trước đây của chính cơ quan này.

- Hãng Standard & Poor's lại tiếp tục nhầm lẫn trong việc công bố xếp hạng tín dụng đối với Brazil và việc này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của hãng này bởi 1 tuần trước họ cũng đã khiến thị trường thế giới rối loạn sau khi phát đi thông điệp sai về việc hạ xếp hạng tín dụng của Pháp. Chỉ 16 phút sau khi phát đi thông báo về việc nâng xếp hạng tín dụng cho Brazil, Standard & Poor's lại phải đính chính. Standard & Poor's đã trở thành hãng xếp hạng tín dụng thứ 3 trong năm nay nâng xếp hạng của Brazil, trong bối cảnh khó khăn của châu Âu và Mỹ.

 


                                                               Theo CAND

Các tin khác


EU thông qua ''hiến chương điện mặt trời''

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trong khuôn khổ hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 15-16/4 ở Brussels, đại diện 23 quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu đã ký một bản hiến chương nhằm bảo vệ và khuyến khích loại hình năng lượng tái tạo này.

Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục