Các vụ tham nhũng đang tăng lên ở Trung Quốc. Năm 2007, Trung Quốc mới thành lập Văn phòng chống tham nhũng quốc gia.

Phó tổng kiến trúc sư trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Trương Thự Quang, đại quan tham năm 2011 - Ảnh: People

Năm năm sau, tham nhũng vẫn không chịu lùi bước mà còn tăng về số lượng vụ việc, ở cấp cao và lan rộng nhiều lĩnh vực. Đến mức mà tại kỳ họp quốc hội hồi tháng 3-2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Phó chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều lên tiếng cảnh báo về hiểm họa tham nhũng. Ông Ôn Gia Bảo đã báo động: “Tham nhũng là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng Cộng sản. Nếu không giải quyết thích đáng thì bản chất của chế độ sẽ thay đổi và Đảng sẽ đánh mất quyền lãnh đạo”.

Thế nhưng, Thời Báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân Dân Nhật Báo, trong một xã luận mới đây đã cho rằng Trung Quốc cần phải nhân nhượng và sống chung với tham nhũng. Mở đầu bài xã luận, tờ báo này thừa nhận tham nhũng ở Trung Quốc đang nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc chưa đủ điều kiện để tiêu diệt tận gốc tham nhũng. Nhiều người cho rằng chỉ cần Trung Quốc trở thành một nước dân chủ là có thể dễ dàng giải quyết được vấn đề này, nhưng đó đúng là một sự ngây thơ lớn. Châu Á đã có nhiều nước dân chủ, ở đó tham nhũng đang hoành hành còn dữ dội hơn cả ở Trung Quốc. Nhưng rõ ràng Trung Quốc là nước mà ở đó “cảm nhận về tham nhũng” là nhức nhối nhất!

Vẫn theo tờ báo, nguyên tắc đạo đức “cán bộ là công bộc của dân” đã ăn sâu vào não trạng của người dân. Thế nhưng nguyên tắc này lại khó áp dụng trước sức tấn công của kinh tế thị trường, dẫn đến việc các quan chức xem nhẹ, thậm chí phản bội nó, lợi dụng các kẽ hở của nhà nước để luồn lách và trục lợi.

Tờ báo khẳng định không một quốc gia nào có thể diệt trừ tận gốc tham nhũng, nên điều quan trọng nhất là giữ cho thảm họa này ở mức nhất định có thể chấp nhận được đối với người dân, và chỉ làm như thế thôi thì Trung Quốc đã khó đạt được rồi. Bởi vì, theo tờ báo, Trung Quốc không có những định chế để phòng chống tham nhũng và dẫn chứng Singapore

và Hong Kong áp dụng chế độ trả lương cao cho viên chức để khuyến khích họ toàn tâm toàn ý phục vụ. Hay như ở Mỹ, những người ra ứng cử thường rất giàu. Còn những người bình thường vào làm việc trong bộ máy công quyền thì cố gầy dựng tên tuổi và các mối quan hệ để khi không còn là viên chức nữa, họ có thể kiếm tiền từ những lợi thế này.

Tờ báo viết tiếp: dư luận Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc tăng lương cao cho viên chức và các quy định cũng không cho phép họ sử dụng ảnh hưởng cùng các quan hệ đã có để trục lợi sau khi hết làm viên chức. Người dân cũng không mấy thiện cảm với những người giàu có nắm giữ các chức vụ cao trong bộ máy nhà nước. Tiền lương của quan chức ở Trung Quốc hiện rất thấp, bởi vậy các quan chức địa phương thường phải tự tạo nên những lợi thế riêng trong quan hệ bằng các “nguyên tắc ngầm”.

Xã hội Trung Quốc hiện bị chi phối bởi những “nguyên tắc ngầm”, không chỉ trong các lĩnh vực công mà còn cả trong những lĩnh vực nghề nghiệp như thầy giáo, thầy thuốc. Vì thế nhiều người đang có những khoản thu nhập ngầm bên cạnh đồng lương chính thức ít ỏi của mình.

Đâu là ranh giới cho những nguyên tắc ngầm này? Ranh giới này khá mịt mờ và đó là lý do vì sao hiện có nhiều vụ tham nhũng, đôi khi còn có cả những “ổ tham nhũng”.

Đi đầu trong làn sóng phản ứng dữ dội, thậm chí “ném đá” Thời Báo Hoàn Cầu là báo Thanh Niên Trung Quốc khi cho rằng Thời Báo Hoàn Cầu đã có những lý lẽ phi lý và lệch lạc đến sửng sốt. Tờ báo khẳng định không tiêu diệt tận gốc tham nhũng mà giữ nó ở mức độ có thể chấp nhận được là đi ngược lại lương tri và tinh thần của một nhà nước pháp trị. Nói rằng người dân có thể chấp nhận ở một mức độ nhất định và sống chung với tham nhũng chẳng khác nào nói rằng tham nhũng chỉ là một hiện tượng bình thường.

Báo Thanh Niên Trung Quốc đặt câu hỏi: Nếu phải chọn lựa thì người dân có sống chung với tham nhũng không? Còn nói rằng Trung Quốc là nước châu Á mà ở đó người dân có “cảm nhận về tham nhũng nhức nhối nhất”, rồi từ đó rút ra kết luận cho rằng nguyên tắc đạo đức “cán bộ là công bộc của dân đã ăn sâu vào não trạng của người dân” chẳng khác nào nói rằng Trung Quốc không phải là nước đang bị tham nhũng hoành hành nhất, mà chỉ là cảm nhận về tham nhũng được cho là nhức nhối nhất thôi.

Theo báo này, nói thế chẳng khác nào nói rằng tham nhũng không thật sự nghiêm trọng mà là bảo dân nên giảm bớt sự trông đợi vào cán bộ. Nói như thế thật quái đản, bởi nếu thế cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ lâm nguy. Kiểu lập luận lệch lạc ấy thay vì bảo vệ cán bộ, thay vì quan tâm đến tương lai của đất nước thì lại đang đẩy đất nước đến thảm họa.

Tờ báo cay đắng tự hỏi: Phải chăng mong muốn cán bộ là công bộc của dân là mong muốn phi thực tế? Và câu trả lời chắc

chắn là không rồi. Đòi hỏi cán bộ là công bộc của dân không phải là chuyện riêng của Trung Quốc. Các viên chức ở mọi nước đều có trách nhiệm này, bởi điều này nằm trong sứ mệnh và là chuẩn mực toàn cầu. Cảm giác nhức nhối về tham nhũng nơi người dân là từ chính hiện trạng tham nhũng. Để xóa đi cảm giác nhức nhối này, giải pháp duy nhất là dấn thân vào cuộc đấu tranh chung chống tham nhũng và đặt quyền lực dưới các thiết chế và sự giám sát.

Nhiều tờ báo khác như Thương Báo Thành Đô hay Tin Tức Kinh Tế Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm này của báo Thanh Niên Trung Quốc.

Trên mạng Internet, nhiều người Trung Quốc cho rằng xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu phản ánh quan điểm của giới quan chức Trung Quốc. “Cuối cùng họ cũng đã lòi ra suy nghĩ trong bụng của mình” - một blogger viết trên mạng Weibo.

Chuyên gia luật nổi tiếng Từ Tân mỉa mai: “Nếu cho phép một mức độ tham nhũng nhất định thì rồi đây sẽ xuất hiện một số lượng vụ tai nạn đường sắt cao tốc nhất định, một lượng thuốc độc nhất định trong sữa, một lượng hóa chất nhất định trong thực phẩm, những giảm thiểu nhất định của các cuộc điều tra tham nhũng, những sự dối trá nhất định trong thông tin, sự suy thoái xã hội nhất định...”.

 

                                                             Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác


Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Tình hình kinh tế đáng lo ngại ở đất nước có lạm phát cao nhất thế giới

Ngày 12/4, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 3/2024 đứng ở mức 11% so với tháng trước đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục