Ngày 11-4, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra báo cáo, đánh giá tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì và dự đoán chỉ giảm nhẹ trong giai đoạn 2016-2018.

 

Tuy nhiên, theo WB, tăng trưởng này của khu vực còn phụ thuộc vào khả năng rủi ro tăng lên, vì vậy các nước cần tiếp tục ưu tiên các chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm giảm mức độ tổn thương và tăng lòng tin, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu theo “chiều sâu”.

Tăng trưởng khu vực Đông Á dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% giai đoạn 2017-2018. Con số dự báo này, theo WB là phản ánh quá trình dịch chuyển dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn, bền vững hơn của Trung Quốc, với mức dự báo 6,7% năm 2016 và 6,5% năm 2017, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2015 là 6,9%.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch tương lai, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB nhìn nhận: “Các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng góp to lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Khu vực này chiếm gần 2/5 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015, hơn hai lần so với tổng của các nước đang phát triển tại tất cả các khu vực khác cộng lại”.

“Khu vực đã được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, trong đó có các nỗ lực tăng nguồn thu nội địa tại một số nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Nhưng nếu muốn duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thách thức toàn cầu ta phải tiếp tục tái cơ cấu” - bà Victoria Kwakwa nói.

Thị trường tài chính toàn cầu ngày càng "bấp bênh"

Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương phân tích khả năng tăng trưởng khu vực trong bối cảnh đầy thách thức gồm: tăng trưởng chậm tại các nước thu nhập cao, các thị trường mới nổi đều suy giảm, thương mại toàn cầu yếu, tình trạng giá nguyên vật liệu thấp bị kéo dài, và thị trường tài chính toàn cầu ngày càng bấp bênh.

Ngoại trừ Trung Quốc, các nước đang phát triển trong khu vực tăng trưởng 4,7% trong năm 2015, và tốc độ sẽ tăng đôi chút, 4,8% năm 2016 và 4,9% giai đoạn 2017-18, nhờ vào tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn khu vực Đông - Nam Á. Tuy vậy, thực tế mỗi nước một khác tùy vào mức độ quan hệ thương mại và tài chính của họ với các nước thu nhập cao và với Trung Quốc, và còn tùy thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu.

Trong số các nền kinh tế đang phát triển lớn khu vực Đông - Nam Á, Philippines và Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất và đều có khả năng tăng trưởng hơn 6% năm 2016. Trong khi Indonesia, với mức tăng trưởng dự báo là 5,1% năm 2016 và 5,3% năm 2017, còn phụ thuộc vào mức độ thành công các cuộc cải cách gần đây và kết quả thực hiện một chương trình đầu tư công đầy tham vọng.

Một số nền kinh tế nhỏ, trong đó có CHDCND Lào, Mông Cổ, và Papua New Guinea, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu thấp và mức cầu bên ngoài thấp. Campuchia sẽ tăng trưởng dưới 7% một chút trong giai đoạn 2016-18 do bị ảnh hưởng của giá nông sản thấp, hạn chế xuất khẩu dệt may, và tăng trưởng du lịch giảm nhẹ. Tại các đảo quốc Thái Bình Dương, tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn.

Theo ông Sudhir Shetty, chuyên gia Kinh tế Trưởng, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB: “Các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, trong đó phải kể đến mức độ hồi phục kém hơn dự kiến tại các nền kinh tế thu nhập cao, và tốc độ phát triển chậm hơn dự kiến tại Trung Quốc. Trong lúc đó thì các nhà hoạch định chính sách lại có ít không gian hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô hơn”.

Ông Sudhir Shetty khuyến nghị: “Các nước cần áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa để giảm ảnh hưởng xấu của các rủi ro toàn cầu và khu vực, và tiếp tục tái cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng hòa nhập”.

Tốc độ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến có thể dẫn đến giảm cầu và làm giảm tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhất là tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Báo cáo kêu gọi theo dõi chặt chẽ những rủi ro kinh tế, nhất là liên quan tới tỷ lệ nợ cao, giảm giá hàng hóa, suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, và tăng tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số nền kinh tế lớn. Ngoài ra, khu vực cũng cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, nhất là các đảo quốc Thái Bình Dương là những nơi bị đe dọa đáng kể.

Các quốc gia cần áp dụng các chính sách tài khóa cẩn trọng

Báo cáo đề nghị các quốc gia tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách cẩn trọng và bền vững. Đồng thời khuyến nghị tăng cường kỷ cương thị trường trong ngành tài chính Trung Quốc, trong đó cần cho phép tăng cường phân bổ tín dụng dựa trên thị trường, dần dần cho phép cạnh tranh hơn nữa trong các ngành mà doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế, tiếp tục tiến trình cải cách hệ thống hộ khẩu. Báo cáo cũng kêu gọi chuyển hướng chi công từ chi hạ tầng sang các ngành dịch vụ như giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và hướng tới bảo vệ môi trường.

Nhìn chung, các nước trong khu vực cần áp dụng các chính sách tài khoá cẩn trọng nhằm chặn các “cú sốc” từ bên ngoài trong tương lai. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng tại các nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên nợ công hoặc nợ khu vực tư nhân, hoặc chủ yếu dựa trên xuất khẩu nguyên vật liệu.

Về dài hạn, báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Báo cáo kêu gọi các nước giảm bớt rào cản thương mại trong khu vực. Thí dụ các rào cản phi thuế quan và các rào cản về quản lý nhà nước, kể cả rào cản trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng lợi ích mà cuộc cách mạng số mang lại sẽ được phát huy tối đã nếu xây dựng được môi trường quản lý tốt, tạo điều kiện cho cạnh tranh, và nếu biết cách giúp người lao động nâng cao kỹ năng đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế mới.

 

                                                  Theo Nhân dân điện tử

 

 

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục