(HBĐT) - Nằm ở xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), ngay cạnh quốc lộ 70, giữa ngút ngàn bãi ngô xanh làm nổi bật mái ngói đỏ của Di tích địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình. Khu di tích rộng 3.335m2 được xây dựng theo phong cách nhà ở truyền thống với hướng nhìn thẳng ra sông Đà.
Năm 2008, địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh
niên Lao động XHCN Hòa Bình được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1990/QĐ-UBND ngày 17/9/2008. Tuy nhiên, do thời gian, dấu vết của trường hầu như không còn. Do
đó, để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa lời dạy
của Bác Hồ trong ngày về thăm trường và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các
dân tộc tỉnh, từ năm 2012, UBND thành phố Hòa Bình triển khai tu bổ, tôn tạo di
tích với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành bao
gồm các hạng mục: nhà hiệu bộ, nhà ở giáo viên, bức phù điêu, bia đá nguyên
khối khắc lời Bác dạy, hồ nước… Công trình đảm bảo tính quy chuẩn trong quá
trình thi công và đạt kỹ thuật, chất lượng, thẩm mỹ yêu cầu.
Ngay
từ cổng chính vào, trung tâm của di tích là hồ nước rộng hơn 320 m2 tạo cảnh
quan trong lành, mát mẻ, yên bình. Trên khoảng sân rộng, điểm dừng chân đầu
tiên khi đến thăm di tích là bia đá nguyên khối cao 2,55 m. Trên bia đá trang
trọng chạm khắc bút tích lời Bác dạy "Fải: Học tập tốt, lao động tốt, cố gắng
mãi, tiến bộ mãi”. Nét chữ vàng nổi bật trên nền đá xám tạo ấn tượng đặc biệt
cho người đọc. Cùng với bia đá, nổi bật trong khuôn viên di tích là bức phù
điêu hình cánh cung dài 24 m, cao 2,7 m với chất liệu bằng đá xanh xám. Bức phù
điêu đã tái hiện hình ảnh Bác Hồ về thăm trường, các hoạt động giảng dạy, lao
động của nhà trường, một số nét đặc trưng nền Văn hóa Hòa Bình.
Điểm
nhấn đặc biệt của di tích đó chính là Nhà hiệu bộ với diện tích 176 m2 được xây
theo đúng hình dáng, kích thước thời kỳ năm 1962. Trong nhà hiệu bộ trưng bày
nhiều hình ảnh tư liệu quý, tái hiện sinh động lịch sử, hoạt động dạy và học
của nhà trường. Nổi bật là hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như
Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…về thăm, dự lễ khai giảng và làm
việc tại nhà trường. Tiếp đó là hình ảnh về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đào
tạo giữa nhà trường và Trường Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba. Độc đáo là các hoạt
động của nhà trường như: giờ giảng về kỹ thuật trồng sắn năm 1966; sản xuất mì
sợi tại trường năm 1965; học sinh thực hành trên máy gieo ngô, máy nhổ sắn do
trường chế tạo; giống trâu Mura do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng nhà
trường….được tái hiện sinh động qua ảnh.
Xúc
động hơn cả trong khuôn viên nhà hiệu bộ là những hình ảnh Bác Hồ về thăm
trường cùng các kỷ vật Bác tặng như: bộ quần áo nâu sòng, chiếc mũ cối trắng.
Ngay cạnh ban thờ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ Tổ quốc là tóm tắt bài nói
chuyện của Bác trong lần về thăm trường ngày 17/8/1962. Những kỷ vật quý giá
nhưng hết sức giản dị, thân quen này khiến cho ai đến thăm di tích cũng có cảm
giác như Bác vẫn còn hiển hiện đâu đó. Phủ bóng mát xuống toàn bộ di tích là
những cây nhãn cổ thụ được trồng trong khuôn viên trường Thanh niên Lao động
XHCN Hòa Bình từ những năm 1960.
Trò
chuyện với chúng tôi, ông Bạch Công Ngân (xóm Trường Yên, xã Yên Mông, thành
phố Hòa Bình) hiện là người trông coi di tích cho biết: Tôi là học sinh của nhà
trường niên khóa 1966 – 1969. Chúng tôi vô cùng phấn khởi và tự hào khi địa
điểm Bác Hồ về thăm trường được tôn tạo, xây dựng khang trang, đẹp đẽ như thế
này. Trong di tích có rất nhiều tư liệu quý, tái hiện chính xác các hoạt động
của nhà trường theo từng giai đoạn lịch sử. Do đó, mong người dân, du khách đến
thăm quan di tích nêu cao ý thức, tôn trọng và bảo vệ những hiện vật đang được
trưng bày tại đây.
Dương Liễu