Học sinh trường PTDTNT THPT tỉnh được giới thiệu, giáo dục về lịch sử, truyền thống của nhà trường.
Là tỉnh miền núi với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số nên ngành giáo dục Hòa Bình luôn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng GD&ĐT các trường chuyên biệt. Bên cạnh các trường DTNT, toàn tỉnh hiện có 10 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) gồm 3 trường tiểu học, 5 trường THCS, 2 trường TH&THCS với 1.545 học sinh, trong đó có 1.212 học sinh bán trú được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. 1.106 học sinh bán trú là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh hiện có 75 trường có lớp ghép, 205 lớp ghép với 2.086 học sinh.
Trao đổi với chúng tôi về việc mở rộng quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường chuyên biệt, đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp học THCS và THPT theo quy định. Đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng, đúng quy mô đơn vị. Công tác tuyển sinh học sinh dân tộc các trường PTDTNT THPT tỉnh, PTDTNT THCS&THPT, PTDTNT THCS đảm bảo công bằng, dân chủ, có chất lượng thông qua hình thức thi và xét tuyển; thực hiện tốt quy định hiện hành, tuyển chọn được những học sinh dân tộc thiểu số ưu tú, đảm bảo tuyển sinh 5% học sinh người Kinh trong tổng số chỉ tiêu hàng năm vào học trường DTNT. Sở chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT đối với các trường PTDTNT.
Ngoài ra, các nhà trường đã tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục đặc thù gắn với yêu cầu giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh như nhận thức của học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách, về bản sắc văn hóa và truyền thống, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh. Hiện nay, các trường PTDTNT, PTDTBT đều phối hợp với Ban CHQS các huyện, thành phố thực hiện công tác nội vụ trong nhà trường, thực hiện tốt công tác nuôi ăn, ở cho học sinh. Tổ chức đảm bảo công tác học sinh nội trú, bán trú như xây dựng nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; xây dựng lối sống văn minh, thanh lịch của học sinh dân tộc nội trú, bán trú; tổ chức, hướng dẫn và tạo cho học sinh nền nếp, ý thức, phương pháp tự học.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Các nhà trường đã tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, TD-TT cho học sinh với nội dung thiết thực, phù hợp tâm lý, sinh lý lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống tinh thần và giáo dục toàn diện cho học sinh. Hiện nay, các nhà trường đều có phòng ở cho học sinh tương đối sạch sẽ, nhà bếp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc được thực hiện đầy đủ, không có hiện tượng cắt xén chế độ của học sinh trong các nhà trường. Phối hợp với y tế địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh. 100% trường PTDTNT tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh ngay từ đầu năm học. Ngoài ra, các nhà trường đã tích cực tổ chức cho học sinh thăm quan danh lam thắng cảnh, giao lưu văn hoá, thể thao với các trường trong và ngoài tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, hiểu biết, nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Kết quả đánh giá xếp loại về học lực khá, giỏi, hạnh kiểm khá, tốt (đối với các trường PT DTNT và PTDTBT THCS), kết quả đánh giá định kỳ đạt về học tập, về năng lực phẩm chất (đối với trường PTDTBT tiểu học) năm học 2016 – 2017 đã tăng hơn so với năm học 2015 - 2016 từ 3 - 5%. Hiện nay, căn cứ vào tỷ lệ học sinh bán trú trong các trường phổ thông và điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, dự kiến sắp tới, ngành GD&ĐT tham mưu chuyển đổi 2 trường phổ thông nằm trên địa bàn các xã vùng kinh tế đặc biệt khó khăn sang loại hình trường PTDTBT.
Dương Liễu