(HBĐT) - Khi cây mận trong vườn được thu hết trái, cây ngô trên nương lên xanh chờ ngày ra bắp, đó là lúc chị em dân tộc Mông xã Hang Kia (Mai Châu) có thể đến trường. Không ai ở nhà trông con, đứa địu trên lưng, đứa dắt tay, các chị mang con cùng đến trường học chữ.


Giáo viên tình nguyện trường THCS Hang Kia B (Mai Châu) tận tình hướng dẫn chị em những nét chữ đầu tiên.

Với 60% người dân không nói được tiếng phổ thông. Tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật khá cao, lại cách trung tâm xã Hang Kia đến cả chục cây số đường đất gập ghềnh. Chất chồng khó khăn đã ngăn cản cái chữ đến với 2 xóm Thung Mặn và Thung ẳng. Mù chữ, lạc hậu, tảo hôn, đói nghèo là vòng tròn luẩn quẩn mãi đeo đẳng cuộc sống người dân nơi đây suốt bao đời nay. Với mong muốn mang cuộc sống mới, mang đến sự đổi thay cho bản Mông, các thầy, cô giáo trường THCS Hang Kia B đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân, nhất là chị em đến trường học chữ.
 
Đầu tháng 6/2018, 2 lớp học xóa mù chữ của xã Hang Kia chính thức được mở với gần 60 học viên. Lớp học này khá đặc biệt với học viên ở đủ các lứa tuổi từ 19, 20 cho đến cả những người gần 50 tuổi.
 
Trò chuyện với chúng tôi, Giàng Y Xông (xóm Thọ A, xã Hang Kia) cho biết: Em năm nay 19 tuổi, trước đây học dở dang lớp 1 thì nghỉ ở nhà, rồi sau đó lấy chồng nên không biết chữ. Bây giờ có lớp học xóa mù nên em đi học. Không ai trông con, em phải mang con đi theo. Mới đầu cũng ngại lắm, không muốn đi học đâu nhưng học được vài hôm thấy hay, thấy thích nên chị em mới rủ nhau đi học đông như thế này.
 
Hoàn cảnh của Xông cũng là của gần như tất cả chị em đang tham gia học lớp xóa mù chữ này. ở mảnh đất Hang Kia, dù các ngành chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra. Đa số các em gái khoảng 12, 13 tuổi trở lên đã lấy chồng, sinh con. Lập gia đình cũng đồng nghĩa với việc nghỉ học. Đó là chưa kể đến mỗi khi vào mùa làm nương, mùa cưới hoặc ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông kéo dài hàng tháng trời thì nhiều gia đình đã cho con ở nhà ăn Tết. Vì thế mà cái chữ đến với bản Mông vốn đã rất khó khăn, giờ càng thêm rơi rụng. Có lẽ khó tin khi trong cuộc sống hiện đại mà vẫn có những người phụ nữ đã 3, 4 đứa con, sắp lên chức bà nội, bà ngoại nhưng mới lần đầu cầm bút.
 
Vì là lớp học đặc biệt, vận động học sinh đến lớp đã khó, việc dạy cho chị em nhớ được, viết được chữ lại càng khó hơn. Bởi vì không có ai trông con nên đa phần các chị phải đưa con đến lớp. Các cháu còn nhỏ, bé thì khóc, bé chạy nhảy, bé quấy ngủ… khiến cho việc quản lý, tổ chức lớp học thực sự là một thử thách đối với đội ngũ giáo viên trường THCS Hang Kia B. Các thầy, cô đều chưa có kinh nghiệm tổ chức và dạy lớp xóa mù chữ.
 
Cô giáo Đỗ Thị Ngọc Ngà, giáo viên trường THCS Hang Kia B cho biết: Các chị, các em lâu lắm rồi không cầm đến cây bút nên tay cứng, khó tập viết. Ngoài ra có nhiều chị không nói, nghe, hiểu được tiếng phổ thông nên giáo viên gặp nhiều trở ngại trong giảng dạy, hướng dẫn. Các chị đi học không đều, buổi học buổi nghỉ, lớp học liên tục có học sinh mới, khả năng và trình độ mỗi người khác nhau. Do vậy, giáo viên phải tận tình chỉ dạy từng chị em. Khó khăn là thế nhưng thương các chị, có người ngoài 40, gần 50 tuổi mà chưa viết được tên mình nên các thầy, cô giáo động viên nhau cố gắng, kiên trì thêm chút nữa.
 
Để vận động, thu hút học sinh đến lớp, ngoài sự tận tình, tâm huyết, hết lòng của đội ngũ giáo viên, trường THCS Hang Kia B đã chuẩn bị sẵn sách, vở cũng như linh hoạt về thời gian tổ chức lớp. Trước đây, một số nhóm học xóa mù chữ nhỏ lẻ tổ chức vào buổi tối nhưng không được duy trì, hiệu quả chưa cao. Hiện nay, tranh thủ lúc chị em nông nhàn, lớp học được tổ chức thường xuyên vào tất cả các ngày trong tuần. Điều đáng nói, hiện đang là thời gian nghỉ hè, đa phần thầy, cô giáo của trường THCS Hang Kia B là người ở nơi khác đến đây công tác nên huyện Mai Châu đã có phương án hỗ trợ giáo viên từ các trường, biết tiếng Mông, hiểu được văn hóa người Mông, đã từng có kinh nghiệm dạy xóa mù chữ đến hỗ trợ nhà trường trong thời gian nghỉ hè.
 
Cái chữ sẽ giúp người dân Hang Kia có được nhận thức mới, cách sống mới, bắt đầu từ việc bài trừ nạn tảo hôn, không vi phạm pháp luật. Dù còn nhiều gian nan nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của ngành giáo dục tỉnh nhà và nhất là của các thầy, cô giáo trên rẻo cao Mai Châu, hy vọng trang mới đang được mở ra ở vùng đất nhọc nhằn này, con chữ sẽ được "gieo” trên những mỏm đá tai mèo.

 

                                                                                          Dương Liễu

Các tin khác


Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2018

(HBĐT) - Chiều 4/7, Sở LĐ-TB&XH tổ chức bế mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2018. Dự lễ bế mạc có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Chấm thi THPT quốc gia: đã có điểm 9 môn văn

Đây là thông tin được các giám thị, tổ trưởng tổ chấm thi ở các hội đồng chấm thi ở Hưng Yên, Hòa Bình chia sẻ khi công việc chấm thi đã tiến hành được gần nửa thời gian quy định.

Khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2018

(HBĐT) - Sáng 3/7, Sở LĐ-TB&XH tổ chức khai mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2018. Tham gia hội giảng có 27 nhà giáo tiêu biểu, suất sắc đại diện cho đội ngũ nhà giáo đến từ 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp và 9 trung tâm công lập cấp huyện.

Hà Nội: Nghẹt thở đua vào lớp 10

Phụ huynh ở Hà Nội đang trải qua cuộc đua đầy căng thẳng để giành một suất vào lớp 10 cho con, trong khi các trường ngoài công lập giở đủ chiêu để "làm giá"

Thiếu và yếu cơ sở vật chất bậc học mầm non

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 83% phòng học đã được kiên cố hóa, tuy nhiên, tỷ lệ này tại huyện Tân Lạc ở bậc mầm non mới đạt khoảng 72%. Thiếu phòng học đạt chuẩn là khó khăn lớn nhất đối với việc phát triển GD&ĐT của huyện Tân Lạc nói chung, bậc học mầm non nói riêng.

Đề thi Toán THPT quốc gia vẫn làm sôi sục dư luận

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã khép lại nhưng những tranh luận trái chiều xung quanh đề thi môn Toán vẫn tiếp tục "làm nóng” dư luận xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục