Ông Mai Văn
Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT kiểm tra việc chấm bài thi
môn văn ở Hòa Bình - Ảnh: VĨNH HÀ
"Có 2 điểm 9 trong số các bài tôi đã chấm"- cô Nguyễn Thị
Hồng Phương, một giám khảo trong tổ chấm thi lần 1 ở hội đồng chấm
thi tỉnh Hòa Bình cho biết.
Điểm 9 mang lại cảm hứng cho giám khảo
Theo cô Phương, hai bài thi điểm 9 là các bài thí sinh làm đủ ý so
với đáp án chấm, diễn đạt sáng sủa, mạch lạc. Đặc biệt, thí sinh có sáng tạo,
bày tỏ được suy nghĩ riêng một cách thuyết phục khi làm các câu hỏi mở.
"Trong một bài điểm 9, thí sinh đã viết khá hay về "đánh
thức tiềm lực", trong đó nhấn mạnh việc phải làm gì để tận dụng, phát huy
tiềm lực đất nước, trách nhiệm của mỗi người trong việc này thế nào. Chấm những
bài thi như thế, giám thị thấy hứng khởi, đỡ mệt mỏi"- cô Phương chia sẻ.
Ở Hưng Yên, tổ trưởng tổ chấm bài thi Ngữ văn cũng tiết lộ đã có
những điểm 8,9.
"Thí sinh trình bày những hiểu biết đúng với độ tuổi của mình
vận dụng vào bài viết. Theo tôi không cần phải quá lo lắng về yếu tố "nhạy
cảm" trong đề thi như dư luận đã bàn đến lâu nay" - cô Phạm Thị Thu
Hương, tổ trưởng tổ chấm thi ngữ văn ở Hưng Yên nhận xét.
Cô Hương cũng cho biết những bài đạt điểm 8,9 đều viết đạt yêu cầu
về nội dung và diễn đạt. Ngoài ra, bày tỏ được những suy nghĩ riêng ở câu nghị
luận xã hội, câu đọc hiểu và năng lực cảm thụ văn học ở câu "nâng
cao".
Yên tâm với đáp án "mở"
Tại Hòa Bình, trong buổi đi kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT, ông
Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng hỏi nhiều giám thị về đáp
án chấm môn văn.
"Không phải áp dụng y sì đáp án vào chấm các câu hỏi mở mà chỉ
dựa vào đáp án để chấm một cách linh hoạt. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo các
nguyên tắc như chỉ cho điểm với những câu hỏi mở, sáng tạo nhưng không sai phạm
pháp luật, trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam" - ông Trinh trao đổi thêm
với giám thị tại hội đồng chấm thi tỉnh Hòa Bình.
Phổ điểm trải dài từ 3-9
Các tổ trưởng chấm bài thi ngữ văn ở Hòa Bình, Hưng Yên đều khẳng
định số bài thi đã chấm trải từ 3 đến 9 điểm. Trong đó phổ điểm tập trung ở khoảng
5-7.
Theo các giám khảo, một túi bài thi xuất hiện cả các bài thi được
3-4 và 7-8 điểm. Tuy nhiên, điểm 8 trở lên không nhiều.
Cô Phạm Thị Thu Hương cho biết đã có thí sinh bị điểm liệt:
"Thí sinh không trả lời đúng các ý chính theo đáp án, viết sơ sài".
Tại Hưng Yên và Hòa Bình, các giám thị chấm vòng 2 và chấm kiểm
tra đều cho biết không có sự chênh quá nhiều giữa các giám khảo chấm hai vòng.
Cô Bùi Thị Hải Yến ở Hòa Bình cho biết có những bài thi chênh 1 điểm
giữa hai giám thị, nhưng đều trao đổi và thống nhất được.
Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc sở GD-ĐT Hòa Bình thì tổng
số có trên 8.800 bài thi ngữ văn. Trong số bài thi đã chấm, có khoảng 63% đạt
điểm 5 trở lên, 37% điểm dưới trung bình.
Còn ông Trần Đức Thiện, Trưởng ban thư kí hội đồng chấm thi tỉnh
Hưng Yên, cho biết điểm bài thi ngữ văn đã chấm tập trung ở khoảng từ 5 đến 6,5
điểm.
Tuân thủ quy định dán tem niêm phong bài thi
Chia sẻ với báo chí trong buổi đi kiểm tra chấm thi ngày 3-7, ông
Mai Văn Trinh - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết việc dán
tem niêm phong túi bài thi là một điểm mới của mùa thi năm nay. Trong các túi
bài thi đều có một biên bản để xác nhận việc mở niêm phong đúng quy định.
Ông Trinh cũng khẳng định việc làm phách được thực hiện theo đúng
nguyên tắc "bảo mật và cách ly tổ làm phách như cách ly của các thành viên
ban ra đề thi". Một số tỉnh, thành còn có các quy định bổ sung chặt chẽ
hơn quy định chung của Bộ GD-ĐT ở cả các khâu làm phách, chấm thi…’
Nhưng theo ông Mai Văn Trinh, "nếu có dấu hiệu bất thường, chắc
chắn Bộ sẽ tiến hành chấm thẩm định để xác minh".
TheoTuoitre