Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường, cô giáo Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Hối lo lắng: Nhà trường đã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia vào năm 2013, tuy nhiên, do số trẻ tăng nhanh nên đến nay, trường có 15 lớp, 15 phòng học nhưng có 12 phòng kiên cố, còn 3 phòng học tạm. Dự kiến năm học 2018 – 2019, trường tăng thêm 1 lớp với khoảng 40 – 50 cháu, hiện nay chúng tôi chưa biết phải bố trí như thế nào. Nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rất lớn nhưng cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được đó là điều rất đáng tiếc.
Theo số liệu thống kê của phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, toàn huyện hiện có 27 trường, cơ sở mầm non với 256 phòng học. Tuy nhiên, mới có 184 phòng học kiên cố (chiếm 71,9%), 34 phòng học bán kiên cố (chiếm 13,3%), 24 phòng học tạm (chiếm 9,4%) và 14 phòng học nhờ (chiếm 5,5%).
Trường mầm non Đông Lai (Tân Lạc) có 13 phòng học nhưng chỉ có 9 phòng học kiên cố.
Đáng lưu ý là một số trường thiếu phòng học khá nghiêm trọng như mầm non Phú Cường có 19 phòng học thì 3 phòng học tạm, 5 phòng học nhờ; mầm non Đông Lai có 13 phòng thì 2 phòng học tạm, 2 phòng học nhờ; mầm non Quyết Chiến có 7 phòng học thì có đến 3 phòng học nhờ và 1 phòng học bán kiên cố; mầm non Ngổ Luông có 8 phòng học, chỉ có 2 phòng kiên cố, còn lại 4 phòng học bán kiên cố, 1 phòng học tạm, 1 phòng học nhờ…
Bên cạnh thiếu phòng học, việc thiếu phòng chức năng càng trầm trọng. Toàn huyện có 27 cơ sở, trường mầm non nhưng mới 7 trường có phòng giáo dục thể chất, 19 trường có văn phòng, 7 trường có phòng hành chính, 11 trường có phòng y tế, 12 trường có phòng bảo vệ. Tổng số có 69 sân chơi nhưng 46 sân chơi có thiết bị, đồ chơi ngoài trời.
Toàn huyện có 33 bếp ăn bậc học mầm non nhưng chỉ 20 bếp ăn đạt yêu cầu. Có 107 công trình vệ sinh cho trẻ nhưng mới có 71 công trình đạt yêu cầu và 43,8% lớp học có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với bậc học mầm non hiện nay là vấn đề thiếu cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ giảng dạy đạt yêu cầu. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, song các trường vẫn còn thiếu phòng học, thiếu phòng làm việc cho cán bộ quản lý và các phòng chức năng, bếp ăn theo quy chuẩn; thiếu phương tiện làm việc phục vụ công tác quản lý. Khả năng đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong lớp học nhóm trẻ, lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi, 4 – 5 tuổi hạn chế. Phương tiện hỗ trợ các hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, tỷ lệ hao mòn lớn, không có nguồn kinh phí bù hao mòn hàng năm. Việc thiếu và yếu cơ sở vật chất ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Dương Liễu