Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An giúp Trường mầm non thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ.
Nghệ An là tỉnh bị ảnh hưởng của mưa lũ bởi hoàn lưu bão số 4. Tại các huyện vùng núi Nghệ An có 24 trường, điểm trường và phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) ở năm huyện bị ngập nước và thiệt hại nặng. Vì vậy, theo kế hoạch của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, ngày 20-8 là ngày tựu trường cho học sinh các cấp học nhưng nhiều điểm trường ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông… vẫn ngập trong bùn, nước. Vào thời điểm tựu trường, Trường trung học cơ sở Dân tộc nội trú Con Cuông vẫn còn ngập sâu hơn 1m nước. Phó Hiệu trưởng nhà trường Lô Văn Thiệp cho biết: Tuy nước đã rút dần nhưng mới chỉ có một số phòng học nổi lên khỏi mặt nước. Số phòng học còn lại cùng 14 phòng ở của học sinh nội trú vẫn đang chìm trong nước và bùn đất cho nên việc tổng vệ sinh, dọn dẹp bùn đất ra khỏi trường, lớp rất khó khăn, nhất là phòng ở của hơn 300 học sinh nội trú. Theo thống kê ban đầu, khoảng 70% đến 80% vật dụng dành cho các phòng nội trú đã bị hư hỏng hoàn toàn. Bên cạnh đó, các phòng học, phòng chức năng của nhà trường cũng bị thiệt hại do ngập sâu trong bùn... Hiện, trường đã thông báo cho học sinh đến trường phải mang thêm chăn, màn, gối để phục vụ việc tổ chức nội trú. Ngoài ra ở các điểm Trường tiểu học xã Bồng Khê và Trường tiểu học Thạch Ngàn 1… ở huyện Con Cuông cũng đang nỗ lực xử lý bùn đất, vệ sinh môi trường sau lũ ngập.
Mưa lũ vừa qua đã làm sập hai điểm trường Vàng Ngần và Thẩm Có, đất đá từ trên núi vùi lấp bốn phòng học thuộc phân hiệu Trường tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền, cho nên năm học mới này toàn bộ học sinh được đưa về trung tâm xã theo học nhưng đường núi cự ly từ các bản về trung tâm khoảng 20 km, nên việc đưa đón các em khó khăn. Vậy nên, UBND huyện Văn Chấn đã làm công tác, vận động các hộ dân gần trường hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Dù là hộ nghèo, đất sản xuất không nhiều, nhưng ông Lý Tiến Đình, bản Suối Bắc, xã Suối Quyền đã hiến 250 m2 đất cho Trường tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền làm phòng học. Ông Lý Tiến Bắc trú cùng bản Suối Bắc cũng đã hiến 300 m2 đất ao, để con em mình có nơi ở, nơi học đàng hoàng, biết nhiều cái chữ. Ông Bắc tâm sự: Dân bản người Dao trong xã mình còn nghèo lắm, cho con em mình theo học để biết điều hay, biết văn minh thì khó mấy các nhà cũng cho con đi học. Nay lại được hưởng chế độ học sinh bán trú, Nhà nước cho cái ăn, có chỗ ngủ nghỉ, cô giáo dạy cách vệ sinh, cách sống tập thể rất tốt. Vậy nên mình bàn với vợ, hiến cho nhà trường đất ao, để dựng thêm các phòng học, phòng bán trú cho con em mình từ các bản xa về theo học. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Yên Bái Luyện Hữu Chung cho biết: Ngoài việc vận động cán bộ, giáo viên toàn ngành tham gia quyên góp ủng hộ học sinh vùng lũ, triển khai đưa các thiết bị dạy học, sách giáo khoa, giường tầng, đồ dùng nấu ăn đến các trường vùng sâu, vùng xa có học sinh bán trú. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Yên Bái tập trung việc xây thêm lớp học mới tại những nơi bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm học sinh ra lớp với tỷ lệ cao nhất, không để học sinh nào phải bỏ học vì khó khăn nơi ăn, nghỉ tại các trường bán trú.
Cục trưởng Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD và ĐT) Phạm Hùng Anh cho biết: Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo Sở GD và ĐT các địa phương bị ảnh hưởng bão, lũ phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội chung tay dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho năm học mới. Bộ GD và ĐT chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng cường hỗ trợ sách cho một số điểm trường khó khăn. Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ và các tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra, Bộ GD và ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, chú ý bố trí các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện, các trang, thiết bị đắt tiền ở tầng cao của trường. Đối với các cơ sở giáo dục chưa có nhà cao tầng cần tạm thời di dời các trang, thiết bị đến nơi an toàn hoặc bố trí các trang, thiết bị lên giá, kệ để bảo đảm an toàn, phòng trường hợp thiên tai bất thường. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, lồng ghép, tích hợp những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào các chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.