(HBĐT) - Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 23/12/1997. 25 năm xây dựng và trưởng thành, Hội không ngừng lớn mạnh, trở thành một tổ chức có quy mô rộng khắp, hoạt động hiệu quả với nhiều thành tựu đáng tự hào. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội (1997 - 2022), phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch HKH tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh (đứng giữa) và cán bộ Hội Khuyến học tỉnh trao đổi, xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội trong giai đoạn mới.

P.V: Thưa đồng chí, nhìn lại chặng đường 25 năm qua, có thể thấy tổ chức Hội đã lớn mạnh cả về chất và lượng. Xin đồng chí cho biết đâu là những kết quả nổi bật nhất? 

Đồng chí Nguyễn Thị Oanh: HKH tỉnh đã đi được chặng đường 1/4 thế kỷ. Đối với một tổ chức đặc thù, các thành viên chủ yếu là người đã về hưu thì những kết quả Hội đạt được trong 25 năm qua chứa đựng rất nhiều công sức, trách nhiệm và trí tuệ của các thế hệ cán bộ làm công tác khuyến học. Bằng tinh thần tự nguyện, nhiệt huyết cống hiến và phấn đấu không mệt mỏi, toàn thể cán bộ, hội viên HKH các cấp trong tỉnh đã cùng chung sức thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài (KH-KT). Sự vào cuộc trách nhiệm và hiệu quả của họ khiến cá nhân tôi thực sự cảm kích và học tập. 

Nhìn lại 25 năm qua có thể thấy sự phát triển vững mạnh của các tổ chức và lực lượng xã hội tham gia công tác khuyến học, nòng cốt là đội ngũ cán bộ, hội viên khuyến học. Số hội viên tăng nhanh theo từng giai đoạn. Nếu giai đoạn đầu chỉ có khoảng 39.000 hội viên, chiếm 4,9% dân số thì đến nay có trên 232.600 hội viên, đạt 27,8% dân số toàn tỉnh. 

Đặc biệt, kết quả nổi bật là sự lan tỏa mạnh mẽ các mô hình học tập cũng như sự phát triển sâu rộng của các phong trào thi đua KH-KT, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn với đời sống cộng đồng thôn, xóm, tổ dân phố. Hội đã khơi dậy,  phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta, thúc đẩy từng người dân, dòng họ, bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Đến nay, số lượng mô hình học tập được công nhận trong toàn tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đó là những kết quả nổi bật, cho thấy hoạt động KH-KT đã được triển khai sâu rộng, tạo động lực xây dựng xã hội học tập (XHHT) trên địa bàn tỉnh.

P.V: Hiện nay, công tác KH-KT thu hút sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các lực lượng trong xã hội. Để làm được điều đó, các cấp HKH, nòng cốt là HKH tỉnh đã hoàn thành tốt một nhiệm vụ có vai trò then chốt, đó là công tác tham mưu, tuyên truyền. Xin đồng chí chia sẻ thêm về nội dung này?

Đồng chí Nguyễn Thị Oanh: Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự tích cực của HKH từ T.Ư tới địa phương, hoạt động KH-KT diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, trong đó có tỉnh ta. Tổ chức HKH các cấp đã tạo thành mạng lưới nòng cốt giúp kết nối các nguồn lực tham gia xây dựng XHHT. Có thể nói, toàn tỉnh đã thay đổi từ nhận thức đến hành động để nâng cao hiệu quả KH-KT.

Điều đáng ghi nhận là các cấp Hội đã nỗ lực thực hiện công tác tham mưu, tuyên truyền. Trước hết, HKH tỉnh tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác KH-KT, xây dựng XHHT. Hàng năm, Thường trực Tỉnh Hội có các buổi làm việc với T.Ư HKH Việt Nam để báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và xin ý kiến chỉ đạo của T.Ư Hội. Nhiều đồng chí lãnh đạo T.Ư Hội đã về thăm, dự hội nghị và chỉ đạo trực tiếp công tác KH-KT của tỉnh. Đặc biệt, Hội đã nâng cao hiệu quả tham mưu bằng cách mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thực tế nhiều mô hình khuyến học, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đến động viên các đơn vị, nhà trường, địa phương. 

Tại cấp huyện, thành phố, các tổ chức khuyến học tích cực tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác khuyến học. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành và của mỗi người dân. Kết quả cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đều đồng thuận, quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác KH-KT.

P.V: Thưa đồng chí, mục tiêu quan trọng của công tác KH-KT là gì? Trong chặng đường phát triển tiếp theo, HKH tỉnh xác định đâu là khâu then chốt giúp tạo đột phá thực hiện mục tiêu đó?

Đồng chí Nguyễn Thị Oanh: Về bản chất của hoạt động KH-KT, tôi tâm đắc với quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của HKH Việt Nam: Nhiều người nghĩ rằng hoạt động KH-KT chỉ là vận động các phần thưởng, phần quà, các suất học bổng rồi trao cho học sinh. Nhưng đó mới chỉ là một phần hoạt động, không phải là mục tiêu. Mục tiêu của KH-KT là thúc đẩy xây dựng cả nước ta trở thành một XHHT, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính… Hay nói cách khác, "xây dựng cả nước thành một XHHT” là mục tiêu chính, còn KH-KT là phương tiện để đạt được mục tiêu đó.

Đối với tỉnh ta, để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng toàn tỉnh trở thành một XHHT, cần có sự tham gia của không chỉ HKH các cấp mà còn của toàn hệ thống chính trị, các cơ quan, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân. Lấy học tập suốt đời là điều kiện hàng đầu, "chìa khóa” mở ra sự phát triển bền vững của xã hội. Để làm được điều đó, chúng ta cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, vấn đề then chốt là khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta, thúc đẩy từng người dân, dòng họ, bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên, "học không bao giờ cùng” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua thực hiện, phấn đấu mỗi tổ chức Đảng trở thành một đơn vị học tập; mỗi gia đình cán bộ, đảng viên trở thành một gia đình học tập; mỗi cán bộ, đảng viên trở thành một công dân học tập, dần dần tạo sự lan tỏa sâu rộng để toàn tỉnh trở thành một XHHT. 

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Thu Trang (thực hiện) 

Các tin khác


Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.

Nhận diện và phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học

Trào lưu thuốc lá điện tử đang "xâm nhập” vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh. Điển hình như mới đây, sự việc 8 học sinh lớp 3 của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Để có thêm những cảnh báo và cách phòng chống vấn nạn này trong học đường, ngày 19/12, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức buổi Tọa đàm "Thuốc lá điện tử trong trường học: Nhận diện và phòng chống”.

“Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng”- Lan tỏa đam mê đọc sách đến cộng đồng

Ngày 18/12, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” năm 2022.

58 cá nhân đạt giải tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp tỉnh

(HBĐT) - Ngày 16/12, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết và trao giải Hội thi Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp tỉnh, năm học 2022 - 2023.

Hiệu quả việc triển khai đề án đưa cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở địa phương, đơn vị

(HBĐT) - Thực hiện phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ năm 2019, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai thực hiện đề án "Đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế có kỳ hạn ở địa phương, đơn vị”.

Khan hiếm nhân lực trình độ cao lĩnh vực công nghệ ''hot''

Doanh nghiệp lẫn trường ĐH cho rằng rất khó tuyển nhân lực trình độ cao lĩnh vực công nghệ 'hot' như blockchain , trí tuệ nhân tạo, big data... để có thể nghiên cứu hoặc đào tạo đội ngũ nhân lực kế cận vì nguồn này đang rất thiếu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục