Hiện nhiều trường ĐH đang thiếu giảng viên trầm trọng, nhiều chuyên ngành không tuyển được giảng viên
“Chúng tôi tuyển 80 giảng viên nhưng rốt cuộc chỉ tuyển được 12 người. Những ngành “hot” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh... rất khó tuyển”- ông Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết. Việc khó tuyển giảng viên khiến các trường ĐH đứng trước tình trạng thiếu hụt giảng viên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Nhiều chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân hàng... tại các trường ĐH vẫn còn thiếu giảng viên. Trong ảnh: Giảng viên đang hướng dẫn sinh viên Khoa Kế toán – Tài chính Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM thực hành. Ảnh: Th.Uyên
Tốt nghiệp ĐH loại trung bình cũng được tuyển
Ông Hồ Diệu cho biết năm 2009 trường có 800 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ có 2 sinh viên nộp đơn thi tuyển giảng viên vào trường và trong số vài trăm hồ sơ dự tuyển, rất ít hồ sơ tốt nghiệp ĐH đạt loại khá, chủ yếu là trung bình. Do vậy, trường đành phải chấp nhận điều kiện dự tuyển chỉ cần có bằng ĐH. Nhưng cuối cùng trường cũng chỉ tuyển được 12 giảng viên, phần lớn là giảng viên toán, ngoại ngữ, tin học; còn các chuyên ngành trường rất cần như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh... chỉ tuyển được 3 người. Theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT thì hiện trường thiếu khoảng 200 giảng viên.
Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, tình hình cũng không mấy khả quan khi chỉ tiêu tuyển giảng viên năm học 2009 – 2010 cho 13 ngành là 64 nhưng chỉ tuyển được 32. Trong đó, ngành thương mại – du lịch – marketing chỉ tiêu tuyển là 9 giảng viên nhưng chỉ có 4 hồ sơ dự tuyển và kết quả không tuyển được giảng viên nào, toán – kinh tế chỉ tiêu 8 nhưng chỉ nhận được 6 hồ sơ và tuyển được 2, kế toán – kiểm toán chỉ tiêu 7 chỉ tuyển được 4, tài chính doanh nghiệp chỉ tiêu 4, chỉ nhận được 4 hồ sơ và tuyển được 3...
Ông Đinh Trung Chánh, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết một số ngành đang được ưa chuộng như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường... có rất ít hồ sơ dự tuyển. Hiện trường thiếu khoảng 80 giảng viên cơ hữu.
Ông Cao Công Minh, Phó trưởng Phòng Tổ chức Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cũng cho biết trường vừa tổ chức 2 đợt tuyển giảng viên nhưng cũng chỉ nhận được khoảng 200 hồ sơ và tuyển được 50 giảng viên. Một số ngành như quản trị kinh doanh, kế toán tài chính, môi trường và công nghệ sinh học... tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong 5 năm tới, trường sẽ phải tiếp tục tuyển khoảng 300 giảng viên mới đáp ứng được yêu cầu 18-20 sinh viên/giảng viên.
Chênh lệch mức lương quá lớn
Lý giải nguyên nhân các ngành học “hot” lại khó tuyển giảng viên, ông Hồ Diệu cho rằng các tổ chức, công ty bên ngoài trả lương cho sinh viên tốt nghiệp các ngành ngân hàng, kinh tế thường rất cao. Chênh lệch của một nhân viên làm ở các công ty so với giảng viên lên tới 60%-70%.
Ông Hồ Diệu cũng nêu thực tế một giảng viên trúng tuyển vào trường có thu nhập chỉ từ 1,8 -2 triệu đồng/tháng, lại phải trải qua 12 tháng thực tập bắt buộc không có tiền đứng lớp. Do đó, nhiều sinh viên ra trường chọn làm việc ở các ngân hàng, công ty thay vì làm giảng viên là điều dễ hiểu.
Ngoài vấn đề thu nhập, môi trường làm việc ở các trường ĐH cũng chưa thật sự hấp dẫn. Ông Hồ Diệu cho biết có trường hợp trường tuyển được ứng viên tốt nghiệp ĐH nước ngoài về, thế nhưng người này chỉ làm được vài tháng rồi xin nghỉ vì không có cơ hội nâng cao chuyên môn. Bên cạnh đó, thời gian thử việc kéo dài cũng là yếu tố khiến cho nhiều người nản chí.
Việc thiếu giảng viên, đặc biệt là giảng viên chuyên ngành là một nỗi lo lớn cho các trường. “Trong điều kiện thiếu giảng viên, những giảng viên trường đang có phải gồng gánh thêm nhiều giờ giảng, họ không còn thời gian nghiên cứu khoa học thì làm sao đổi mới chương trình”- ông Hồ Diệu bức xúc.
Ông Đinh Trung Chánh cũng cho biết: “Trường phải trông chờ vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hoặc mời những nhà nghiên cứu giảng dạy nên rất bị động. Thiếu giảng viên chuyên ngành giỏi, chất lượng đào tạo sẽ xuống dốc”.
Theo Báo NLĐ
Thông tin từ Bộ GD-ĐT, hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 sẽ tổ chức vào ngày 9-1 nhằm đề ra phương hướng tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh năm 2010: những điểm mới cần sửa đổi, bổ sung; những hạn chế cần khắc phục; các giải pháp để tổ chức tốt kỳ thi và công tác tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy chế công nhận trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó để đạt chuẩn quốc gia, trường trung học phải bảo đảm 5 tiêu chuẩn: tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất; công tác xã hội hóa giáo dục.
Không chỉ yếu về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành mà các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tiếng Anh... của học sinh trung cấp cũng rất yếu
Việt Nam đã có hơn 20 năm đổi mới nhưng hệ thống lương cho giảng viên đại học về cơ bản vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Trong bài viết "Lương giáo sư ở ĐHQG TP.HCM như thế nào hợp lý", GS Phạm Phụ nêu ba bối cảnh, đưa 3 nguyên tắc và đề xuất 3 kiến nghị cho câu chuyện này.
Mặc dù bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư nhưng cô Norlin Sani, 30 tuổi, giáo viên tiểu học ở Singapore đã quyết định không tham gia điều trị chuyên sâu để kéo dài thêm sự sống mà dồn sức học lấy được tấm bằng cử nhân trước khi từ giã cõi đời.
Nằm trong "vùng trũng" giáo dục của cả nước, tỉnh Cà Mau chịu nhiều khó khăn do hệ thống sông ngòi chằng chịt, đan xen, chia cắt các xóm ấp. Hạn chế về đi lại khiến cho nỗi lo ngăn sông, cách chợ, trễ đò cứ thường trực trong mỗi học sinh nơi đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm trăn trở tìm hướng đi thích hợp cho sự nghiệp "trồng người", ngành giáo dục Ðất Mũi đang từng ngày "bứt tốp".