Nạn sao chép tài liệu, luận văn... đã khiến cho trường đại học - môi trường giáo dục bậc cao - trở thành nơi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa nhiều vừa phức tạp.
“Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường ĐH vừa nhiều về số lượng vừa phức tạp về tính chất. Nhiều giảng viên, sinh viên vi phạm rất hồn nhiên” - TS. Lê Văn Hưng, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhìn nhận tại hội thảo “Bảo vệ quyền tác giả trong trường ĐH” do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức sáng 23/6.
Chép từ tài liệu sao chép!
TS. Lê Văn Hưng nêu thực tế: Nhiều giảng viên sao chép tài liệu của người khác nhưng không dẫn nguồn. Hành vi đó đã trở thành một thói quen tồn tại nhiều năm. Giảng viên sử dụng lâu dần rồi trở thành “tài sản” của mình cho đến khi “xảy ra chuyện” mới giật mình thì sự đã rồi. Qua khảo sát về việc sử dụng công trình nghiên cứu khoa học của người khác để làm luận văn, luận án của nghiên cứu sinh, học viên cao học, TS. Lê Văn Hưng nhận định việc phát hiện sao chép rất khó. Đối với khóa luận tốt nghiệp của sinh viên thì lại càng khó hơn vì nhiều đề tài lặp đi lặp lại và số lượng sinh viên làm khóa luận mỗi năm đều rất đông. “Thực tế là việc sao chép trong trường ĐH nằm ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí việc sao chép phổ biến đến mức có người lại sao chép cả những tài liệu đã được sao chép từ người khác” - TS. Lê Văn Hưng nói.
TS. Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng cho biết thực tế, có những người hướng dẫn lại cùng đứng tên cuốn sách của chính học trò của mình, rồi đưa vào hồ sơ để xin học hàm. Hay có những người làm chủ biên nhưng không viết chữ nào... Theo TS. Vũ Mạnh Chu, đây là thực tế đáng tiếc vì người thầy trước hết phải có danh dự của người thầy, bên cạnh đó là đạo đức của người làm khoa học.
Cần quy chế sở hữu trí tuệ trong trường ĐH
Thạc sĩ Trương Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng giảng dạy, nghiên cứu trong trường ĐH nhằm mục đích chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, nguồn nhân lực này không chỉ thành thạo kỹ năng và có hiểu biết mà còn phải có phẩm chất đạo đức. Họ cần nhận thức rằng cái gì sử dụng của người khác thì phải xin phép, có như vậy đạo đức nghề nghiệp mới được gìn giữ.
Thạc sĩ Trương Thùy Trang cho rằng các trường ĐH cần xây dựng quy chế quản lý sở hữu trí tuệ. Quy chế bao gồm các quy định về quyền sở hữu, ưu tiên bảo mật, về tổ chức khai thác thương mại, về phân chia lợi ích và các thủ tục... Bên cạnh đó, cần hình thành đầu mối chuyên trách theo dõi, giám sát và triển khai các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ, kịp thời xử lý những xung đột liên quan đến sở hữu trí tuệ trong trường ĐH...
Thông qua việc so sánh kinh nghiệm bảo hộ sở hữu trí tuệ của một số trường ĐH nước ngoài, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng để tránh việc “đạo văn”, ngay khi nhập học tuần đầu tiên, sinh viên cần phải được giới thiệu về các nguyên tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt là đạo đức của người nghiên cứu khoa học và những hình thức kỷ luật nếu sinh viên “đạo văn”. Bên cạnh đó, các trường cũng tạo điều kiện cho các thầy cô có cơ hội sử dụng các công cụ phát hiện “đạo văn” như các phần mềm hỗ trợ việc phát hiện việc sao chép hiện đang được bán trên thị trường...
Theo DanTri
Với chủ trương “nâng đầu yếu kém”, nhiều địa phương đã có những “cú nhảy ngoạn mục” trong tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. 40 tỉnh có hệ THPT đỗ tốt nghiệp trên 90%, trong khi năm 2009 chỉ có 10 tỉnh.
Nhiều tỉnh, thành công bố tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 9 đều được vào học lớp 10 hoặc tương đương với nhiều loại hình từ trường THPT công lập, ngoài công lập, giáo dục thường xuyên cho đến TCCN, dạy nghề... Như vậy, trên lý thuyết, trường lớp không thiếu nhưng tại sao phải tổ chức thi tuyển vào lớp 10? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng do công tác hướng nghiệp, phân luồng còn yếu.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Theo đó, sinh viên được đánh giá giảng viên theo 8 tiêu chí trong đó có phương pháp giảng dạy, trách nhiệm, sự nhiệt tình, tác phong sư phạm của giảng viên.
(HBĐT) - Lạc Thủy là huyện có phong trào giáo dục phát triển tương đối toàn diện. Sự nghiệp GD&ĐT luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chăm lo.
Mô hình ĐH 3 tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH đa ngành và các trường cao đẳng là lời giải hiệu quả cho bài toán quy mô – chất lượng, đào tạo – sử dụng, học chữ - học nghề...
Các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng trước những lời chào mời đường mật của những lớp luyện thi “chất lượng cao” với tỷ lệ… 99% đậu đại học.