Giờ học tiếng Anh tự chọn ở trường TH Kim Liên (Hà Nội).

Giờ học tiếng Anh tự chọn ở trường TH Kim Liên (Hà Nội).

Năm học mới đã bắt đầu hơn tháng nay nhưng việc thí điểm dạy ngoại ngữ từ lớp 3 theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT vẫn chưa diễn ra đều khắp các địa phương được chọn.

Nhiều vấn đề còn ngổn ngang như đội ngũ giảng dạy, giáo trình, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học... khiến không ít địa phương còn lúng túng.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Hà Nội là thành phố có số trường được chọn thí điểm dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 nhiều nhất cả nước, với 9 trường.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến thời điểm này ngay trên địa bàn thành phố, các trường đón nhận việc triển khai thí điểm theo những cách khác nhau.

Bà Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học (TH) Quang Trung, Q.Hoàn Kiếm cho biết: đang chờ chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của Sở GD-ĐT nên môn tiếng Anh thí điểm chưa đi vào giảng dạy, mặc dù giáo viên (GV) đã được khảo sát và tập huấn theo đúng yêu cầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Vỵ - Hiệu trưởng trường TH Dịch Vọng B, Q.Cầu Giấy, cho biết trường đã chủ động xếp thời khóa biểu 4 tiết/tuần theo đúng quy định của chương trình tiếng Anh mới và đã dạy ngay từ tuần đầu tiên của năm học. Theo ông Vỵ, khi ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc với thời lượng 4 tiết/tuần thì nhà trường thiếu GV trầm trọng. Hiện tại, trường có 14 lớp từ lớp 3 đến lớp 5, mỗi tuần có 28 tiết tiếng Anh nên phải huy động thêm một cô đang làm tổng phụ trách, có bằng cử nhân ngoại ngữ, tham gia giảng dạy.

Nghệ An là nơi có tới 8 trường TH được chọn thực hiện thí điểm nhưng chưa triển khai dạy cho đến khi có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ngày 21.9. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng phòng Giáo dục TH tỉnh này, cho biết: hiện tại các trường dạy tiếng Anh tự chọn đang sử dụng bộ sách Let’s Learn English để giảng dạy nhưng là môn tự chọn nên mới chỉ dạy 2 tiết/tuần, nếu dạy 4 tiết/tuần thì phải có hướng dẫn cụ thể.

Tỉnh Nam Định có 5 trường sẽ thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cả 5 trường đã chủ động triển khai ngay từ đầu năm học, vì nếu chờ hướng dẫn của Bộ thì sẽ bị chậm thời gian năm học. Do đó, địa phương lựa chọn một trong những giáo trình mà Bộ cho phép và triển khai thí điểm ở 5 trường TH.

Tại TP.HCM, cho đến thời điểm này, theo hiệu trưởng các trường tham gia thí điểm hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể để triển khai chương trình như thời gian bắt đầu, giáo trình... Tuy nhiên, do trước đó các trường đã tổ chức chương trình tiếng Anh tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần nên các học sinh (HS) vẫn tiếp tục học, khi nào có quyết định triển khai cụ thể sẽ chuyển sang áp dụng chương trình mới. Dự kiến, hôm nay (23.9) Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có một buổi họp chuyên môn với các trường để thống nhất triển khai chương trình.

Thiếu GV đạt chuẩn

550 hay 400 điểm TOEFL?

Theo quy định ban đầu của Bộ GD-ĐT, trường được tham gia thí điểm chương trình này phải dạy 2 buổi/ngày; GV có trình độ CĐ Sư phạm tiếng Anh trở lên hoặc có chứng chỉ TOEFL 550/IELTS 6.0... Tuy nhiên, trong số 147 GV được khảo sát chỉ có 28 người đạt được 550 TOEFL; 88 người đạt trên 400 TOEFL nên Bộ GD-ĐT tạm chấp nhận những GV đạt từ 400 điểm TOEFL. Tuy vậy, trong công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc hướng dẫn triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học ký ngày 21.9, Bộ quy định: GV dạy thí điểm phải đạt yêu cầu trong đợt khảo sát năng lực tiếng Anh do Bộ tổ chức hoặc phải có trình độ CĐ Sư phạm tiếng Anh trở lên và đã đạt chứng chỉ TOEFL 550/IELTS 6.0.

T.N

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục TH (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: thành phố đã tổ chức thí điểm tiếng Anh tự chọn ở các trường TH từ nhiều năm nay và đến nay đã có khoảng 60 trường tham gia. Tuy nhiên, khi ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc, nhiều trường lại đau đầu giải bài toán thiếu GV.

Điều mong muốn của các địa phương là phải có lộ trình rõ ràng trong việc bổ sung đội ngũ GV để địa phương có sự chuẩn bị chu đáo. Tránh tình trạng khi thí điểm thì có quyền lựa chọn GV tốt, nhưng khi triển khai đại trà lại rơi vào tình trạng “có sao dùng vậy”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định bày tỏ: “Chúng tôi không lo thiếu về số lượng GV mà chỉ lo không đủ GV có chất lượng. Chúng tôi mong muốn có một chuẩn rõ ràng, đảm bảo đạt yêu cầu để GV tiếng Anh của Nam Định phát âm chuẩn như GV của Hà Nội chứ không phải mỗi người phát âm mỗi kiểu”. Ông Nguyễn Văn Sơn cũng có chung lo ngại về chất lượng GV khi nêu thực tế: “Vì thí điểm nên Nghệ An chọn ra 8 trường có điều kiện thuận lợi nhất nhưng đến khi triển khai đại trà thì còn có cơ hội để lựa chọn nữa hay không?”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lương Thanh - Hiệu trưởng trường TH Phan Đình Phùng (TP.HCM), cho rằng: “Yêu cầu GV phải có bằng TOEFL hoặc IELTS khó vì GV ít có nhu cầu thi lấy loại chứng chỉ này”. Bà Thanh lo lắng: “Nếu các cô có chứng chỉ này thì tôi không chắc họ có còn toàn tâm toàn ý với nghề giáo nữa hay không. Còn nếu tuyển người có đủ tiêu chuẩn mà không có kỹ năng đứng lớp thì lại không đạt yêu cầu”.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng Giáo dục Q.Hải Châu (Đà Nẵng) nêu lên thực trạng trong 34 GV đang dạy tiếng Anh TH trên địa bàn quận, qua khảo sát, chỉ có 1 người đủ chuẩn.

Lo âu về sĩ số

Một bất cập khác là hầu hết các trường TH được lựa chọn để thí điểm ở các địa phương phần lớn có sĩ số 45 - 50 HS (quy định mỗi lớp 35 HS).

Ông Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng trường TH Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), cho hay: “Trường tôi ráng lắm cũng chỉ sắp xếp được sĩ số 41 HS/lớp, vượt chuẩn quy định của Bộ”. Trong khi đó, 7 lớp thí điểm của trường TH Phan Đình Phùng (Q.3) có sĩ số 43 HS/lớp, còn trường TH Đuốc Sống (Q.1) có 42 HS/lớp. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Thoa - Hiệu trưởng trường TH Đuốc Sống, cho biết: “Cơ sở vật chất của trường khá ổn định, có thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT nhưng vượt chuẩn sĩ số như hiện nay e rằng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy”.

Bà Nguyễn Thị Lương Thanh  khẳng định: “Trong tất cả các yêu cầu của Bộ thì rõ ràng sĩ số không đáp ứng được”.

                                                                                Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục