Sáng 5/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khu vực phía Bắc tổ chức hội thảo góp ý về Dự thảo Luật giáo dục đại học lần thứ 5. Theo đó, nhiều đại biểu yêu cầu dự thảo luật làm rõ lợi nhuận - phi lợi nhuận.
Khó khuyến khích được đại học phi lợi nhuận
TS. Lê Viết Khuyến - Hiệp hội trường ĐH, CĐ Ngoài công lập cho biết: “Cùng một quy định nhưng lại ghi không rõ ràng vừa khuyến khích không vì mục đích lợi nhuận lại cấm lợi dụng các hoạt động GDĐH vì mục đích vụ lợi”.
Ông Khuyến nêu rõ những bất cập của Luật giáo dục như Điều 20 Luật Giáo dục: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước không chấp nhận loại hình cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. Hay như Điều 66 quy định: “thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn” dẫn đến cách hiểu là cả hai loại hình dân lập và tư thục đều có chia lợi nhuận, tức là đều mang thuộc tính vì lợi nhuận. Ở đây có cái gì chưa ổn. Điều 67 lại khẳng định: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”. Nội dung như vậy cho phép hiểu trưởng tư thục thuộc hình thức vì lợi nhuận.
GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, cho rằng: “Trường tư thục vụ lợi hay không vụ lợi. Nếu nói như thế này thì không định hướng được vụ lợi. Dự thảo không nói rõ được phi lợi nhuận như thế nào mà thực chất hiện nay các trường ngoài công lập đang chạy theo lợi nhuận. Bởi vì hầu hết các trường không được vay vốn, cấp đất xây dựng trường phải đi vay ngoài. Vậy nhà nước làm sao mà khuyến khích phi lợi nhuận được”.
Ông Lê Khắc Đóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng: “Trường tư thục không nên nói tránh vụ lợi. Để khuyến khích không vụ lợi thì cần có chính sách, cấp đất, tránh thuế… Nhà nước cần hỗ trợ cho các trường đại học tư thục phát triển. Nhà nước đào tạo giảng viên cho các trường tư thục...”.
Triệt tiêu tệ nạn “xin - cho”
Dự thảo 5 của Luật GDĐH quy định cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường CĐ, trường ĐH, Học viện; Đại học, đại học quốc gia; Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Theo quy định này, nhiều đại biểu không đồng tình, bà Trần Thị Hà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình đề nghị: “Luật nên chỉ quy định gọi là trường đại học chứ không nên quy định gọi tên khác. Giảm bớt được sự phản đối của mọi người”.
Lãnh đạo Trường ĐH Chu Văn An cho rằng: “Cần quy định rõ hệ thống GDĐH thì mới làm Luật giáo dục được. Cần định nghĩa thế nào là trường đại học. Nên đưa GDĐH ngoài công lập vào luật để hoạt động hiệu quả hơn”.
“Hiện nay chúng ta đang rối loạn về hệ thống đại học, bởi vì có có quá nhiều loại hình trường đại học, thậm chí đại học trong đại học, văn bản nêu ra còn khá mập mờ. Đề nghị nghiên cứu kỹ lại luật giáo dục của các nước khác. Luật GDĐH cần định hướng cho sự hình thành một hệ thống GDĐH phân tầng và đáp ứng nhu cầu xã hội. Đối với các trường công phải tính có hiệu quả, chứ không thể mở tràn lan vì có đầu tư nhà nước” - TS Lê Viết Khuyến đề nghị.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Dự thảo Luật GDĐH tối thiểu phải đạt được các yêu cầu: Phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống GDĐH phân tầng thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong Luật giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu gắn kết, chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và rất kém hiệu quả. Phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ hợp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH..., đặc biệt, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin - cho” đang phổ biến hiện nay trong quản lý GDĐH. Nguồn gốc của tệ nạn này chính là cơ chế quản lý một chiều: Nhà nước - Nhà trường, trong đó Nhà nước vừa đưa ra chính sách, vừa làm luôn nhiệm vụ giám sát.
Các trường ĐH tại TP.HCM đã góp ý cho dự thảo Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020. Trong đó, đổi mới thi cử và quản lý, phân tầng các trường ĐH là vấn đề “nóng”.
Việt Nam hiện nay có bao nhiêu trường đại học? Không mấy ai trả lời được chính xác, có thể là 450 hay 470, và con số này luôn bị thay đổi vì một tháng có thêm hai trường ĐH mới, một năm có thêm ít nhất là 17-20 trường. Con số này cũng không chính xác nốt.
Năm nay, thêm nhiều trường ĐH, CĐ xin giấy phép đào tạo cả bậc CĐ - trung cấp (TC) nghề khiến các trường CĐ - trung cấp nghề vốn đã khó khăn trong tuyển sinh lại càng vất vả hơn.
Mùa tuyển sinh khối phổ thông năm nay tại TPHCM xuất hiện tình trạng một số trường dân lập không tuyển được học trò. Có cơ sở thậm chí phải đóng cửa một số khối lớp dù địa thế nằm ngay trong trung tâm thành phố.
Thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng Lê Văn Lâm vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp học bổng toàn phần trị giá gần 50.000 USD du học tại CHLB Nga.
“Kiểm định chất lượng đào tạo là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học”.