(HBĐT) - Với mức đóng không quá cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh (KCB) chu đáo, không phân biệt giàu, nghèo. Tuy nhiên, lộ trình BHYT toàn dân ở huyện Yên Thủy gặp không ít khó khăn.


Theo thống kê của BHXH huyện Yên Thủy, hiện số người tham gia BHYT chiếm 84% dân số trên địa bàn, tăng 2% so với tháng 12/2016, giảm 12% số người tham gia so với kế hoạch UBND tỉnh giao. Số liệu tổng hợp cho thấy, đa phần người tham gia BHYT thuộc diện đối tượng chính sách; cán bộ hưu trí; công chức, viên chức; người lao động tại các doanh nghiệp; HS-SV; người nghèo, cận nghèo; trẻ em dưới 6 tuổi. Riêng các hộ gia đình, lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, làm nghề nông… tham gia BHYT tự nguyện không nhiều, trong khi đây là đối tượng chiếm số đông ở cộng đồng và cần được vận động tham gia.


Cán bộ BHXH huyện Yên Thủy tuyên truyền pháp luật về BHYT tới người dân xóm Ninh Hòa, xã Yên Trị (Yên Thủy).

Trong chuyến công tác về huyện Yên Thủy vào tháng 7 vừa qua, chúng tôi có dịp ghé thăm các bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Biết chúng tôi cần tìm hiểu về tình hình triển khai, thực hiện BHYT toàn dân nên bệnh nhân đầu tiên mà nhân viên Trung tâm Y tế đưa chúng tôi đến gặp là người không có thẻ BHYT- bệnh nhân Bùi Văn Luyện, 28 tuổi là lao động tự do. Bị tai nạn (gãy chân), anh Luyện điều trị 10 ngày tại Trung tâm Y tế huyện, tính sơ sơ đã chi phí hơn 9 triệu đồng tiền thủ thuật, thuốc, giường nằm… Theo cán bộ Trung tâm Y tế, đến khi ra viện, bệnh nhân sẽ phải thanh toán viện phí khoảng 12 triệu đồng. Nhìn vào số tiền viện phí trên, bệnh nhân Luyện giãi bày: Đó là số tiền không nhỏ đối với bản thân và gia đình. Trước nay vì mải lo việc làm ăn, hơn nữa sức trẻ chưa khi nào bị đau ốm nên tôi không nghĩ tới tấm thẻ BHYT.

Cạnh đó, bệnh nhân Bùi Văn Quyết, 55 tuổi cũng "sót ruột” với khoản tiền viện phí phải thanh toán khi ra viện. Không thuộc hộ nghèo nhưng gia cảnh cũng chỉ ở mức thường thường bậc trung, sức khỏe không đến nỗi "tệ” nên ông Quyết không nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm để …phòng thân. Không may trong lúc đi làm đồng, ông bị trâu húc trọng thương. Nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện 10 ngày, chi phí điều trị hết 7,3 triệu đồng (theo tính toán của cán bộ Trung tâm Y tế huyện Yên Thủy, nếu có thẻ BHYT, bệnh nhân Quyết chỉ phải thanh toán 1,4 triệu đồng).

Tiếp chuyện chúng tôi, Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Thủy tỏ bày: Thực tế, chính sách BHYT là lý tưởng với mọi bệnh nhân, tuy nhiên, vẫn chưa đủ sức thu hút đối với người dân. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này là: Các thủ tục KCB còn nhiều vướng mắc khiến người dân chưa mấy mặn mà với BHYT. Chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở KCB ban đầu chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân dẫn đến tình trạng vượt tuyến, khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Hơn thế, mức đóng BHYT hiện nay cao so với nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng không thuộc diện nghèo để được cấp thẻ BHYT. Vì vậy, đa phần người tham gia BHYT tự nguyện đều là những người có bệnh, nhất là bệnh mãn tính.

Việc thực hiện chỉ tiêu BHYT toàn dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2017, Ban giám đốc BHXH huyện đã dự đoán khả năng thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ người tham gia BHYT toàn dân năm 2017 đạt 90% dân số trở lên (nghĩa là tăng thêm 8% so với năm 2016). Để đạt được chỉ tiêu này cần sự vào cuộc hết sức tích cực của cả hệ thống chính trị. BHXH huyện đã đề nghị BCĐ thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT huyện giao chỉ tiêu vận động nhân dân tham gia BHYT cho từng thành viên. UBND huyện giao chỉ tiêu vận động người dân tham gia BHYT cho các xã, thị trấn cụ thể về tỷ lệ. Phòng GD&ĐT huyện giao chỉ tiêu vận động học sinh tham gia BHYT cho các trường thuộc các xã vùng I. Trung tâm Y tế huyện không ngừng nâng cao chất lượng KCB, tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế… BHXH huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền Luật BHYT về quyền lợi của người tham gia BHYT. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quỹ KCB, chống lạm dụng quỹ BHYT… tất cả để đảm bảo đưa chính sách BHYT đến được với mọi người dân.

 

                  Thúy Hằng

Các tin khác


Huyện Kỳ Sơn đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thị Xuân, cán bộ văn hóa xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) cho biết: Năm 2012, trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ bạo lực gia đình. Trước thực trạng trên, tháng 4/2013, mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình trên cơ sở giới được tỉnh triển khai thí điểm trên địa bàn 6 xóm: Bãi Sấu, Cò Rọi, Bãi Nai, Bãi Nai 1, Hang Nước và Rụ 6.

Tân Lạc: Thu 372 đơn vị máu trong ngày hội hiến máu tình nguyện

(HBĐT) - Ngày 17/8, Hội CTĐ huyện Tân Lạc đã phối hợp với huyện Đoàn tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện lần thứ nhất năm 2017.

Huyện Lương Sơn: Đa dạng các hoạt động truyền thông dân số

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện Lương Sơn triển khai nhiều hoạt động truyền thông dân số, tập trung vào các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lương Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể để đẩy mạnh công tác truyền thông với nội dung và hình thức phong phú.

BHXH huyện Tân Lạc: Từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện Tân Lạc có 77.800 người. Trong đó, tham gia BHXH, BHYT bắt buộc 3.013 người; tham gia BHXH tự nguyện 104 người, tham gia BHTN 2.293 người; chỉ tham gia BHYT 77.696 người, tăng 1.200 người so với cùng kỳ năm 2016.

Trạm y tế xã Do Nhân cần sớm được nâng cấp

(HBĐT) - Chúng tôi có mặt tại trạm Y tế xã Do Nhân (Tân Lạc) vào ngày tổ chức khám - chữa bệnh nhân đạo do Bộ CHQS tỉnh và Hội CTĐ tỉnh khám cho các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách. Trạm có 4 phòng chuyên môn: Phòng thuốc Bảo hiểm - hành chính, phòng lưu bệnh nhân, phòng sản và phòng trực cấp thuốc. Phòng thuốc bảo hiểm - hành chính của Trạm chỉ rộng khoảng 15 m2 với 2 bàn làm việc, tủ hồ sơ, tủ thuốc cùng một số thiết bị hỗ trợ khám, điều trị bệnh nhân kê chung. Do phòng chật hẹp nên y tá, y sĩ, dược sĩ phải ngồi làm việc chung. Nhiều khi có bệnh nhân phải kê bàn ra ngoài hiên ngồi khám.

Kỳ Sơn cấp trên 9.300 thẻ BHYT cho các đối tượng được Ngân sách Nhà nước đảm bảo

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn phối hợp với BHXH huyện tổ chức thẩm định và đề nghị UBND huyện phê duyệt cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục