Việt Nam có hơn 5.000 loài cây thuốc nhưng trải qua thời gian dài khai thác và không chú trọng bảo vệ nguồn gen, nên nguồn dược liệu đã và đang bị cạn kiệt. Hiện 144 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần bảo tồn khẩn cấp.
TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu.
Bảo tồn nguồn gen quý hiếm
Thiếu hiểu biết về giá trị của các cây thuốc Việt Nam cùng với việc thương lái đẩy mạnh gom hàng nên người dân vẫn ngày ngày săn lùng, tận diệt nhiều cây thuốc để bán cho thương lái với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần, khiến nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt.
TS Phạm Thị Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu) cho biết, hiện nay sâm ngọc linh gần như không tìm được trong tự nhiên. Những hoa nằm trong sách đỏ Việt Nam cũng bị người dân khai thác quá mức. Một số thuốc khác hiện nay như Lan kim tuyến mặc dù nằm trong sách đỏ, nhưng người dân một số tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An... vẫn vào rừng khai thác bán cho các thương lái.
Để ngăn chặn nhiều loại cây dược liệu khỏi nguy cơ tuyệt chủng đồng thời bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng hiện nay, Viện Dược liệu triển khai các vùng trồng dược liệu. Từ năm 1988, Viện Dược liệu được giao nhiệm vụ đầu mối trong việc bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc ở Việt Nam. Từ đó đến nay đã bảo tồn và lưu giữ được gần 1.000 loài cây dược liệu ở các vùng sinh thái khác nhau và hiện đang bảo tồn khoảng 1.531 nguồn gen.
Theo TS Phạm Thị Huyền, Chính phủ đã phê duyệt chương trình bảo tồn và giữ bền vững nguồn gen đến năm 2020. Nếu thực hiện tốt, Việt Nam sẽ bảo tồn được nguồn gen quý hiếm, cũng như tạo ra những vùng nguyên liệu để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.
"Trong khoảng năm năm gần đây có khoảng 30 nguồn gen thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Việc đầu tư thông qua các dự án phát triển nguồn gen sẽ vừa xây dựng những nguồn giống ban đầu, vừa thực hiện trồng trọt nhân rộng giống. Việc này sẽ tạo được nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu làm thuốc cũng như giảm tải việc thu hoạch tự nhiên” - bà Huyền cho biết.
Viện Dược liệu đầu tư nghiên cứu chuyên sâu khoảng 30 loại cây thuốc quý hiếm theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển cây thuốc bền vững. Viện cũng là đơn vị đầu mối để bảo tồn chuyên tu khoảng năm loại dược liệu.
Ngoài ra, Viện Dược liệu cũng thực hiện bảo tồn bằng chương trình triển khai phát triển nguồn gen quý hiếm, đặc hữu và có giá trị y tế ở nhiều vùng khác nhau như sâm Việt Nam. Tiến tới, nhà nước sẽ triển khai xây dựng các vùng giống gốc ban đầu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, mô hình trồng để triển khai các nguồn gen này.
Sản xuất dược liệu sạch phục vụ thị trường
Năm 2017, lĩnh vực dược có nhiều công trình nổi bật, trong đó có công nghệ chế bào mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất như công nghệ đông khô, công nghệ sinh khối tế bào, công nghệ chiết xuất siêu tới hạn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, ngành dược liệu nước ta còn có rất nhiều cơ hội để phát triển do thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu rất lớn. Hằng năm, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60 đến 80 nghìn tấn.
Quất sạch được trồng theo phương pháp riêng, được kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn bởi BioTrade tại Nam Định.
Mặc dù, nguồn dược liệu của Việt Nam hiện nay rất phong phú nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam còn hạn chế, đa phần vẫn nhập khẩu nhiều. Giá dược liệu nhập vào Việt Nam rất thấp nhưng giá dược liệu Việt Nam trồng rất cao, gấp từ khoảng 1-1,5 lần khiến nhiều công ty chật vật về giá thành phẩm bán ra thị trường. Trong 3-5 năm gần đây, các công ty cũng bắt đầu chú trọng đến việc triển khai trồng tạm nguyên liệu cung cấp cho các sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, trong nuôi trồng dược liệu, để bảo đảm nguồn dược liệu chất lượng thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng chung và tất yếu. Phổ biến nhất tại Việt Nam là tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây dược liệu của Tổ chức Y tế Thế giới) và tiêu chuẩn BioTrade của châu Âu. Từ năm 2013, Viện Dược liệu đã hợp tác cùng dự án BioTrade do tổ chức HELVETAS của Thụy Sĩ thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu
Bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối của BioTrade cho biết, dự án BioTrade hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dược sạch, an toàn, bền vững. Dự kiến sẽ có 50 chuỗi giá trị dược liệu được phát triển, tạo ra các sản phẩm thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng cao, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Vì thế, thay vì phải nhập dược liệu với nguồn cung và chất lượng không bảo đảm, doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng ổn định cả về sản lượng lẫn chất lượng. Họ cũng góp phần bảo tồn được nguồn gen quý hiếm, chuẩn hóa quy trình nhân giống, trồng trọt, giảm tải việc thu hái tự nhiên. Đây là một hướng đi được đánh giá hiệu quả và hợp lý để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen quý hiếm của quốc gia.
TheoNhanDan