Cán bộ y tế xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn.
Những điểm nhấn trong công tác truyền thông
Gọi là điểm nhấn bởi vì trong điều kiện kinh phí eo hẹp phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng để chọn thời gian, địa điểm và cách thức tuyên truyền nào hiệu quả nhất. Theo đó, trong năm qua, công tác truyền thông về dân số nói chung, nâng cao chất lượng dân số nói riêng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu vào các dịp: Ngày dân số thế giới 11/7, Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 và Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10.
Phía ngành dọc, Chi cục DS /KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Dân số các huyện Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Đà Bắc và Kim Bôi tổ chức các hoạt động truyền thông tới 7 xã vùng sâu, xa, khó khăn nhất với các hình thức như: Tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề về tảo hôn, giảm sinh con thứ 3, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Mỗi cuộc truyền thông đều được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, có giao lưu tương tác với bà con tạo không khí vui vẻ. Qua những cuộc truyền thông đã truyền tải những thông điệp về công tác DS /KHHGĐ/CSSKSS hữu ích nhất đến với người dân.
Bên cạnh đó, truyền thông qua báo chí cũng là một trong những điểm nổi bật trong tiến trình nâng cao chất lượng dân số trong năm qua. Đồng chí Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế, Thường trực BCĐ công tác DS /KHHGĐ tỉnh cho biết: Năm qua, Chi cục DS /KHHGĐ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Phòng Văn hóa các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động về công tác DS /KHHGĐ. Năm 2018, BCĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường việc tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi lồng ghép trong hoạt động của các cơ quan, ban, ngành.
Sự quan tâm nghiêng về chất lượng giống nòi
Xác định nâng cao chất lượng dân số tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, BCĐ công tác DS / KHHGĐ tỉnh luôn chỉ đạo sâu sát việc chăm lo sức khỏe cho thế hệ mai sau. Tuy gặp phải không ít khó khăn mà nguyên do là kinh phí từ Chương trình mục tiêu y tế - dân số ít và không kịp thời, kinh phí hỗ trợ của địa phương hầu như không có nhưng các cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác dân số và phát triển như: giảm tảo hôn, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm mắc bệnh tan máu bẩm sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh…
Đồng chí Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm. Trong năm 2017, các cơ sở y tế đã lấy máu gót chân cho 857 trường hợp. Qua xét nghiệm đã có 104 ca nghi ngờ dương tính với bệnh thiếu men G6PD (chiếm 12% trường hợp được xét nghiệm). Các trường hợp này đã được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Với sự hỗ trợ, phối hợp của Bệnh viện Medlatec, Sở Y tế đã chỉ đạo chi Cục DS /KHHGĐ triển khai mô hình truyền thông, vận động về phòng - chống bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tới các xã Yên Thượng, Yên Lập (Cao Phong). Khám lâm sàng và lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh Thalassemia cho 546 đối tượng là phụ nữ có thai, vị thành niên và trẻ em trên 2 tuổi. Kết quả có 40,3% đối tượng có các vấn đề cần được tư vấn sâu, trong đó 26,7% đối tượng mang gen. Cùng với đó, khối cơ quan chuyên môn đã tổ chức 4 cuộc truyền thông nhóm cho 219 đối tượng sau khi có kết quả xét nghiệm. Tư vấn sâu cho từng đối tượng về việc điều trị và phòng bệnh cho thế hệ mai sau.
Lam Nguyệt