Mục tiêu cụ thể gồm: (1) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, trong đó giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống 24%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống 16%; duy trì tỷ lệ trẻ em có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2.500 g xuống dưới 3,5%; tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 30%. (2) Giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Theo đó, không để xảy ra tình trạng khô mắt do thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi có biểu hiện quáng gà; duy trì tỷ lệ bà mẹ có thai uống viên sắt trong 3 tháng trước và trong khi mang thai đạt trên 90% và tỷ lệ bà mẹ sau đẻ được uống vitamin A đạt trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt trên 90%. (3) Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân, từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân – béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành. (4) Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Kế hoạch hành động đề ra 4 nhiệm vụ: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; Dinh dưỡng học đường; Cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; Kiểm soát tình trạng thừa cân – béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về chính sách; về nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính; truyền thông vận động xã hội. Theo đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng. Phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Thực hiện các chính sách, quy định về dinh dưỡng và thực phẩm. Quy định về sản xuất – kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tăng cường vi chất vào thực phẩm; chính sách nghỉ thai sản hợp lý, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý, điều hành hoạt động dinh dưỡng các tuyến và sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên trách về dinh dưỡng, dinh dưỡng tiết chế và an toàn thực phẩm. Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và từng bước tăng mức đầu tư cho công tác dinh dưỡng. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của trẻ em cho các cấp lãnh đạo, quản lý. Đa dạng các loại hình truyền thông; tăng cường truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao như vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo…
P.V