Trung tuần tháng 9, chúng tôi đến trường mầm non xã Xuân Phong (Cao Phong). Mọi hoạt động học tập của trường diễn ra bình thường. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ khi chưa nhập trường đã xuất hiện ca bệnh TCM trên địa bàn xã. Nhà trường thông báo cho các bậc phụ huynh khi phát hiện con có dấu hiệu bị TCM không đưa con đến trường và đưa ngay đến trạm y tế xã để khám, điều trị. Để chuẩn bị khai giảng đón trẻ đến lớp, nhà trường làm tổng vệ sinh các phòng học bằng khử trùng thuốc Cloramin B, vệ sinh lau chùi, khử trùng dụng cụ, đồ dùng học tập. Sau khai giảng, tại trường các cô hướng dẫn các cháu đến bữa ăn, sau khi đi vệ sinh rửa tay bằng xà phòng.
Giáo viên trường Mầm non xã Xuân Phong (Cao Phong) hướng dẫntrẻ rửa tay bằng xà phòng phòng bệnh tay chân miệng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Huệ, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Cao Phong cho biết: Từ ngày 14/8, trên địa bàn huyện ghi nhận ca mắc TCM tại trường Mầm non xã Đông Phong. Đến thời điểm này, huyện ghi nhận trên 50 ca bệnh TCM. Trong đó, nhiều nhất là xã Xuân Phong 20 ca, xã Đông Phong 12 ca. Sau khi phát hiện có ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch, giám sát điều tra ca bệnh, khử khuẩn lớp học bằng hóa chất Cloramin B 0,5%, hướng dẫn thực hành rửa tay bằng xà phòng, cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày cho đến khi hết loét miệng. Phát Cloramin B và hướng dẫn vệ sinh môi trường cho gia đình trẻ bị bệnh. Tuyên truyền cho thầy cô, học sinh tại trường học và cộng đồng kiến thức phòng, chống bệnh TCM. Thực hiện theo Quyết định số 581/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh TCM” thì chưa phải đóng cửa lớp học và trường học. Sau thời gian điều trị và theo dõi các cháu đã khỏi bệnh và trở lại trường. Từ ngày 26/9 đến nay chưa phát hiện thêm ca bệnh nào tại địa bàn huyện Cao Phong.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, bệnh TCM lây qua đường tiếp xúc, dễ làm mầm bệnh lan truyền. Khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh TCM cần cho trẻ nghỉ học, cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho trẻ khác. Khi bệnh ở cấp độ nhẹ bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Khi cho trẻ ở nhà, việc xử lý chất thải của trẻ là rất quan trọng. Người nhà cần xử lý chất thải bằng dung dịch Cloramin B trước khi đi vào hệ thống thải chung, trong quá trình chăm sóc cần rửa tay thường xuyên. Ngoài ra có thể hạn chế người ra vào, khử khuẩn các chất thải của bệnh nhân, cung cấp kiến thức cho người chăm sóc… Khi bệnh nặng phải theo dõi trong bệnh viện, nhằm phòng tránh những biến chứng nguy hiểm lên hệ thần kinh, chủ yếu là viêm não, biến chứng ở hệ tim mạch như viêm cơ tim gây suy tim cấp sẽ dẫn đến ngừng tuần hoàn, hay suy các cơ quan khác, phù phổi...
Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh TCM. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh thực phẩm là biện pháp chủ yếu phòng bệnh cho trẻ. Biện pháp hữu hiệu nhất là rửa tay thường xuyên với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh, khi làm đồ ăn cho trẻ. Làm sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa. Tránh tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh TCM. Không cho trẻ bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.
Việt Lâm