Sau hơn 5 năm triển khai, Ðề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) đã trở thành giải pháp quan trọng, không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh ở cơ sở


Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên thực hiện phẫu thuật thông qua Hệ thống Telemedicine với bệnh viện hạt nhân.

Thực tế cho thấy, các bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", cho nên trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Trong khi đó, người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến dưới; nhiều ca bệnh khó được xử lý kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên...

Ðáp ứng nhu cầu người bệnh

Anh Vũ Văn Bảy (ở xã Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình) là trường hợp đầu tiên được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình thực hiện phẫu thuật thay van hai lá. Trước đây, với tình trạng bệnh van tim rất nặng (hẹp khít van hai lá, hở van ba lá nhiều, rung nhĩ), thường xuyên bị mệt, khó thở, đau tức ngực từng cơn… như anh Bảy, chỉ có hai lựa chọn là lên bệnh viện tuyến trên hoặc ra nước ngoài để phẫu thuật. Ra nước ngoài thì gần như không thể vì điều kiện kinh tế của gia đình anh không đủ khả năng chi trả kinh phí, cho nên chỉ còn cách lên bệnh viện tuyến trên.

Phẫu thuật tim mạch là một trong những kỹ thuật rất khó của ngành y tế, cần có sự tham gia của nhiều bác sĩ có tay nghề cao thuộc nhiều chuyên ngành. Tuy nhiên, may mắn, anh Bảy đã được phẫu thuật thay van hai lá ngay tại bệnh viện chỉ cách nhà vài chục ki-lô-mét. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GS, TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cùng ê-kíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê, tuần hoàn ngoài cơ thể, hồi sức sau mổ… lần đầu tiên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình thực hiện thành công ca phẫu thuật thay van hai lá.

Mặc dù còn mệt sau ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bà Nguyễn Thị Ngà (huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên) đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðiện Biên) không giấu nổi niềm vui khi vừa trải qua ca mổ thành công. Bà Ngà nhớ lại, trước ca mổ gần một tuần, không may bị ngã, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Tuần Giáo rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðiện Biên. Kết quả chụp chiếu và hội chẩn, các bác sĩ thông báo phải trải qua phẫu thuật để thay khớp háng toàn phần. Lo lắng cho bệnh tình, gia đình mong muốn và có nguyện vọng chuyển về bệnh viện dưới Hà Nội để phẫu thuật. Tuy nhiên, khi được phân tích, tư vấn, gia đình đã đồng ý để các thầy thuốc "tại chỗ" thực hiện ca phẫu thuật. Và ca phẫu thuật thay khớp háng cho bà Ngà đã thành công.

Bà Ngà, anh Bảy là hai trong số hàng nghìn người bệnh được khám điều trị ngay tại tuyến dưới sau khi được bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật. Thống kê cho thấy, đến nay các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao cho các BVVT gần 2.000 kỹ thuật, trong đó, nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu như: phẫu thuật tim, cắt gan, nội soi tuyến giáp, phẫu thuật ung thư tiêu hóa, tiết niệu… Vì vậy, người dân được hưởng y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở, trong đó rất nhiều trường hợp bệnh nặng được xử lý ngay ở tuyến dưới, giảm nguy cơ người bệnh chết trên đường di chuyển lên tuyến trên. Có những bệnh viện tuyến tỉnh, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn dưới 1%.

Ðẩy mạnh đầu tư cho bệnh viện tuyến dưới

Bên cạnh giúp người bệnh được điều trị kịp thời, giảm chi phí, điều quan trọng nhất là y sĩ, bác sĩ của các bệnh viện tuyến dưới khẳng định được trình độ chuyên môn, tay nghề của mình; đồng thời tạo được vị thế, lấy được niềm tin của người dân và ngày càng thu hút nhiều người bệnh đến với bệnh viện... Ðể thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đã cử hàng chục bác sĩ đi đào tạo về phẫu thuật tim mạch lồng ngực, can thiệp tim mạch cũng như chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật, gây mê, hồi sức sau mổ, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðiện Biên từ năm 2013, khi chính thức được Bộ Y tế phê duyệt là BVVT của các bệnh viện đầu ngành (Hữu nghị Việt Ðức, K, Tim Hà Nội và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư...) đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị như: Máy chụp CT- Scanner, MRI, XQ kỹ thuật số; máy siêu âm Doppler; các thiết bị phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu, phụ khoa; thiết bị điều trị các bệnh xương khớp và hệ thống phục hồi chức năng…

Nhiều kíp bác sĩ đã được các bệnh viện tuyến hạt nhân đào tạo, chuyển giao hàng trăm kỹ thuật, gói kỹ thuật hiện đại. Ðiển hình từ năm 2016 đến 2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã chuyển giao các kỹ thuật về phẫu thuật trong chấn thương xương đùi; cố định trong chẩn đoán chấn thương cột sống bản lề ngực - thắt lưng và thắt lưng; nội soi khớp gối; thay khớp háng...

Bệnh viện K T.Ư chuyển giao 14 kỹ thuật về phẫu thuật, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư; tổ chức các lớp tập huấn về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh ung thư. Nhờ đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðiện Biên đã thành lập được mạng lưới phòng, chống ung thư tại tất cả tuyến huyện; 100% các xã đều có cán bộ phụ trách hoạt động phòng, chống ung thư tại cộng đồng... Bên cạnh đó, bệnh viện luôn duy trì hoạt động liên tục trong hội chẩn, giao ban trực tuyến với bệnh viện hạt nhân và các BVVT khác trong cùng hệ thống. Các y sĩ, bác sĩ của bệnh viện thường xuyên được cập nhật, chia sẻ kiến thức, củng cố chuyên môn, nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong xử lý các ca bệnh khó, rút kinh nghiệm chuyên môn để nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ người bệnh.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến nay ngành y tế đã xây dựng và hình thành 28 bệnh viện hạt nhân với 143 BVVT thuộc 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc). Hoạt động hiệu quả của mô hình BVVT giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ 65% đến 100% ở những chuyên khoa đã chuyển giao kỹ thuật. Công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện tăng lên; hơn 80% số bệnh viện trung ương và tuyến cuối, tình trạng quá tải và nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết.

Mô hình BVVT cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Không chỉ phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, hay tập trung ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà dần được thực hiện ở nhiều bệnh viện, trung tâm tuyến huyện như: Mộc Châu (Sơn La), Mường Khương (Lào Cai); Tam Ðường (Lai Châu)…

BVVT không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập; tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện phòng khám vệ tinh thu hút khá đông người bệnh đến khám và điều trị.

Hiện nay tại nước ta tình hình bệnh tật có xu hướng tăng cả bệnh không lây nhiễm và lây nhiễm, nhất là các bệnh mới xuất hiện; các bệnh tim mạch, huyết áp, ung thư, chấn thương ngày một gia tăng. Vì thế, việc triển khai đề án BVVT là cơ hội, tiền đề quan trọng, tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến dưới có bước phát triển mạnh mẽ về chuyên môn kỹ thuật, đồng thời đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến gần hơn với người dân. Một số chuyên gia trong ngành y tế cho rằng, cần tiếp tục mở rộng mô hình BVVT về tận tuyến huyện, vì năng lực chuyên môn của bệnh viện tuyến huyện sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho đông đảo người dân của ngành y tế.

Ngoài ra, để BVVT phát huy vai trò của mình thì cần trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ kỹ thuật chuyển giao. Ðồng thời tăng cường chuyển giao các kỹ thuật và đào tạo tại chỗ, kết hợp chặt chẽ với giám sát sau đào tạo để đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới nắm vững tay nghề, thường xuyên được cập nhật kỹ thuật điều trị mới, đóng góp hiệu quả nhất trong hoạt động khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân.

                                                                                  Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

5 cách hạ huyết áp không cần dùng thuốc

Huyết áp cao là nguy cơ hàng đầu làm tăng mắc bệnh tim và đột quỵ. Mặc dù nhiều người đang dùng thuốc để hạ huyết áp, nhưng đối với những người mắc chứng tăng huyết áp giai đoạn 1 không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc.

Ca tử vong do bệnh dại gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều 13/3 cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong...

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được công văn của một số Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung kích, tình nguyện vì sức khỏe nhân dân

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện có gần 300 đoàn viên. Với sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, chi đoàn có điều kiện thuận lợi để triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cấp giấy chứng nhận cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Tháng 2/2024, thực hiện thẩm định, đánh giá theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý chuyên ngành tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nông, lâm, thủy sản. Qua đó đánh giá 13 cơ sở xếp loại B.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục