Số ca mắc COVID -19 ở nước ta đã vượt mốc 10.000 trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện đợt dịch thứ 4. Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong đợt dịch này là lây nhiễm trong khu công nghiệp, từ khu công nghiệp lây nhiễm ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp với số ca mắc tăng nhanh. Dù vậy, toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta đã bình tĩnh, nhanh chóng vào cuộc dập dịch, chủ động các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bằng nhiều biện pháp hữu hiệu.


Cabin lấy mẫu xét nghiệm được đưa vào sử dụng tại huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Xét nghiệm thần tốc để kiểm soát dịch

Qua giải trình tự gene virus ở các bệnh nhân cho thấy có 2 biến chủng là biến chủng được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và ở Anh. Trong đó chủng được phát hiện ở Ấn Độ là phổ biến nhất.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Nếu như ở đợt dịch thứ 3, Việt Nam phải đối mặt với biến thể mới của SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện ở Anh với tốc độ lây lan hơn 70%, thì lần thứ 4 này, biến thể của Ấn Độ còn khó khăn, thách thức hơn rất nhiều.

Theo thống kê mà Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh chia sẻ: Ngày 5/5, nước ta ghi nhận bệnh nhân thứ 3.000 từ Ba Lan về nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là thời điểm mà Bắc Giang và Bắc Ninh là tâm dịch của đợt dịch thứ 4 với các ca mắc đa phần là công nhân trong các khu công nghiệp - nơi tập trung hàng chục ngàn người cùng lao động sản xuất.

Vào ngày 16/5, tức là chỉ sau 11 ngày, số ca  ghi nhận đã lên mốc 4.000; tiếp đó lên mốc 5.000 chỉ sau 6 ngày… Ngày 8/6, nước ta ghi nhận ca mắc thứ 9.000 tại Bắc Giang và ngày 12/6 ghi nhận ca thứ 10.000 chỉ sau 4 ngày.

Những con số nêu trên là minh chứng cho thấy biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ có chu kỳ nhân lên rất nhanh chóng, số lượng ca mắc cũng sẽ tăng rất nhanh nếu không có biện pháp kịp thời. Cách ứng phó nhanh nhất chính là khoanh vùng, cách ly, nhanh chóng truy vết, thần tốc lấy mẫu xét nghiệm để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch. Ngành y tế đã nhanh chóng xác định nhiệm vụ trọng tâm, huy động lực lượng nhanh chóng chi viện cho Bắc Ninh, Bắc Giang để lấy mẫu xét nghiệm "thần tốc” trên diện rộng, nhanh chóng thiết lập các cơ sở điều trị, thu dung lượng lớn bệnh nhân đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cần thiết nhất, tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân, tăng cường cơ sở vật chất để đủ năng lực thực hiện 4 tại chỗ... Đây cũng chính là cách thức mà nước ta chuyển từ ứng phó sang chủ động tấn công dịch COVID-19, nhanh chóng ổn định tình hình.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chia sẻ: Năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch. Bắc Ninh đã thực hiện thần tốc truy vết, sau đó dồn lực cho xét nghiệm, từng bước sàng lọc, làm sạch và giải phóng khu vực phong tỏa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng cho biết: Trong các khu công nghiệp có 4 nguy cơ lây nhiễm là môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hòa, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; sử dụng chung xe ô tô đưa đón; khu vực nhà trọ của công nhân. Khi dịch bệnh xảy ra, trong các khu, cụm công nghiệp phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu, điều trị hàng nghìn ca bệnh… Ban đầu, do năng lực xét nghiệm còn yếu nên tỉnh chưa bắt kịp được tốc độ lây lan của dịch bệnh. Do đó, để bắt kịp, khống chế và kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, các địa phương phải chuẩn bị kỹ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm.

Theo Tiến sỹ Phạm Hồng Thắng, chuyên gia xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, thành viên Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh, biến chủng virus ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ nhân lên rất nhanh, khoảng 3 ngày, tương đương với các chu kỳ nhân lên và lây nhiễm ở người dân trong khu vực có người mắc. Nên việc triển khai xét nghiệm phải ở Bắc Ninh phải phù hợp với từng nhóm cộng đồng nguy cơ khác nhau.

Tiến sỹ Phạm Hồng Thắng cũng cho biết quá trình cũng lấy mẫu cần sự đồng tình, ủng hộ của người dân nhằm đạt được 100% số người cần lấy mẫu. Có như vậy, mới sàng lọc và phát hiện sớm người đang mang mầm bệnh đi điều trị kịp thời. Từ đó, cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại hoạt động bình thường…

Cũng nhờ nhanh chóng khoanh vùng phong tỏa, cách ly, truy vết mà Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn ngay khi phát hiện các ổ dịch trong cộng đồng...

"Điểm nóng” Bắc Ninh - Bắc Giang đã hạ nhiệt

Nhờ nỗ lực thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch với sự chung tay góp sức của các lực lượng chi viện, cho đến nay, sức nóng tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đã dần hạ nhiệt.  

Từ 0 giờ ngày 11/6/2021, Bắc Ninh điều chỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội huyện Yên Phong từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15; đối với huyện Lương Tài, huyện Tiên Du điều chỉnh thực hiện giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 19. Huyện Thuận Thành sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện Chỉ thị 16 sang thực hiện Chỉ thị 19 đối với 14 thôn, khu phố thuộc 5 xã, thị trấn với dân số 7.541 người…

Trên cơ sở nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tại cộng đồng và trong các khu công nghiệp, các chuyên gia kiến nghị với tỉnh Bắc Ninh các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo. Đó là triển khai xét nghiệm diện rộng cho người dân tại một số xã, phường, thị trấn của thành phố Bắc Ninh, các huyện Thuận Thành, Quế Võ và Tiên Du theo kế hoạch xét nghiệm đã được phê duyệt; bảo đảm hoạt động lấy mẫu xét nghiệm F1 trong các khu cách ly tập trung theo đúng hướng dẫn, quy trình đã ban hành. Tại các địa phương khác, triển khai lấy mẫu theo hướng dẫn ưu tiên chọn mẫu xét nghiệm tại cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá: Những khuyến cáo của đoàn về phòng, chống dịch trên địa bàn đã được tỉnh Bắc Giang tiếp thu và triển khai quyết liệt. Bắc Giang có rất nhiều điểm mới, do sáng tạo của tỉnh và sự hỗ trợ của Bộ phận thường trực đặc biệt. Qua đó, chúng ta có thêm nhiều bài học từ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, nhiều vấn đề nảy sinh đã được giải quyết ổn thỏa, phù hợp tình hình thực tiễn...

Hy vọng trong thời gian tới, Bắc Giang nhanh chóng dập dịch như mục tiêu đề ra là sau 7-14 ngày kiểm soát hoàn toàn dịch trên toàn tỉnh để toàn dân có thể hoạt động trở lại và đáp ứng tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục giảm quy định giãn cách tại các huyện trên toàn tỉnh từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, nhưng riêng với huyện Việt Yên vẫn là "điểm nóng” nên cố gắng duy trì hiện trạng tại huyện thêm 2-3 tuần để an toàn cộng đồng, an toàn sản xuất, an toàn của người dân trên toàn tỉnh.

Đến hiện tại, Bắc Giang đã qua giai đoạn khó nhất, vất vả nhất trong công tác phòng, chống dịch. Công việc tiếp theo là giữ vững đường đi nước bước để hoàn thành công tác dập dịch. Bắc Giang quyết định sẽ mở cuộc tổng tiến công, phấn đấu hết ngày  21/6 cơ bản ổn định tình hình dịch, không còn F0 hoặc chỉ lác đác 1-2 ca…

Vaccine - vũ khí hữu hiệu đẩy lùi dịch bệnh

Vaccine đang được xem là "vũ khí" hữu hiệu nhất để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19. Do đó, mục tiêu đề ra của Việt Nam lúc này là phải có được vaccine càng sớm càng tốt, tiêm an toàn cho người dân nhiều nhất có thể, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Trong các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc, hiệu quả hơn nữa trên "mặt trận vaccine phòng COVID-19". Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.

Tính đến 16 giờ ngày 12/6, nước ta đã thực hiện tiêm vaccine 3 đợt tại các tỉnh, thành phố hơn 1,45 triệu liều. Trong đó, số đã được tiêm đủ 2 mũi là 54.385 người.

Tại 2 điểm "nóng” Bắc Ninh - Bắc Giang cũng đã thực hiện đợt tiêm chủng thần tốc nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể, trong đợt tiêm chủng  ở Bắc Giang diễn ra từ ngày 1- 10/6, đã có 150.000 liều vaccine được tiêm cho công nhân các khu công nghiệp và người dân ở thành phố Bắc Giang. Hiện tình hình dịch tại Bắc Giang đã cơ bản được khống chế, chủ yếu chỉ phát sinh trong khu cách ly và phong tỏa, không có ca mới ngoài cộng đồng.

Ngày 10/6 là ngày cuối cùng trong kế hoạch thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp tập trung ở Bắc Ninh. Với 150.000 liều được tiêm, trong đó 90.000 liều dành cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp đã cho thấy những nỗ lực tích cực của tỉnh trong đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, duy trì sự phát triển an toàn, ổn định trên địa bàn.

Trước mong muốn sớm có vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân, người lao động của các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là các nguồn vaccine không cam kết tiến độ giao. Khó nhất là làm sao để có vaccine sớm nhất; cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động có nguy cơ cao; tháng 8/2021 tiêm xong toàn bộ cho công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định Bộ Y tế phấn đấu có đủ 150 triệu liều và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine để có thể đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn cần lượng lớn vaccine để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân trong những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước. Thủ tướng khẳng định, việc sản xuất được vaccine trong nước vừa góp phần vào phát triển công nghiệp dược của Việt Nam vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Điều đáng mừng là Nano Covax - vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 3 nhằm mục tiêu đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng, với việc thực hiện liều tiêm duy nhất 25mcg. Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao mức độ cảnh báo, không được chủ quan, lơ là, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K; xét nghiệm sàng lọc chủ động cho các đối tượng có nguy cơ.

Các địa phương có khu công nghiệp đảm bảo an toàn cao nhất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức lại sản xuất qua việc phân ca, giãn cách; yêu cầu thực hiện xét nghiệm tối thiểu 2 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh và xét nghiệm nhanh hàng tuần với công nhân, người lao động.

Tại cộng đồng, các lực lượng tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ, áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp…

 

                          Theo Baotintuc

Các tin khác


Trên 100 mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3

(HBĐT) - Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh trong ngày đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 (10/6) cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 26/2/2021 của Chính phủ, đã có 150 trường hợp được khám sàng lọc, 45 trường hợp hoãn tiêm, 105 trường hợp được tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm (2 đơn vị tiêm đầu tiên là Tỉnh uỷ và UBND tỉnh).

Cập nhật dịch Covid-19 ngày 11-6: Có 51 ca mắc mới tại năm tỉnh, thành phố

Tính từ 18 giờ ngày 10-6 đến 6 giờ ngày 11-6, Việt Nam ghi nhận 51 ca mắc mới (BN9785-9835), trong đó 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cập nhật dịch Covid-19 ngày 10-6: Cả nước có 219 ca Covid-19 mới

Trong ngày 10-2, Việt Nam ghi nhận thêm 219 ca mắc mới bao gồm tám ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 211 ca ghi nhận trong nước. 188/211 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Trưa 10/6, Việt Nam có thêm 88 ca mắc mới COVID-19

Tính từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 10/6,Việt Nam có thêm 88 ca mắc mới COVID-19; trong đó TP Hồ Chí Minh có 15 ca; Hà Nội 4 ca.

Thêm 1 trường hợp nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện

(HBĐT) - Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có thêm 1 trong số 7 trường hợp nhiễm Covid-19  đợt dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 9/5 đến nay đã khỏi bệnh, ra viện. Đó là bệnh nhân 3392, nữ giới, 28 tuổi có địa chỉ tại TP Hòa Bình. Bệnh nhân nhập viện ngày 9/5 và thuộc ổ dịch quán cơm Ngọc Bích (phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình). Bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và đã có 3 lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Cập nhật dịch Covid-19 ngày 10-6: Việt Nam có thêm 70 ca nhiễm mới

Trong 12 giờ qua, Việt Nam có thêm 70 ca nhiễm Covid-19 mới. TP Hồ Chí Minh là địa phương phát hiện số ca nhiều nhất sáng nay với 26 ca nhiễm mới, trong đó có 13 ca đang điều tra dịch tễ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục