(HBĐT) - Chia lửa với Bắc Giang chống dịch Covid-19, tính đến ngày 7/7, tỉnh đã tiếp nhận 28 F0, 95 F1 và 800 trường hợp thuộc khu vực phong tỏa, giãn cách. Đáng lưu ý, trong số 28 F0 đón về đến nay ghi nhận 10 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, vấn đề đón, cách ly các trường hợp trở về từ Bắc Giang đã, đang được tỉnh thực hiện nghiêm túc để phòng lây lan trong cộng đồng. Cùng với thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch (PCD), tỉnh cũng bắt đầu có những giải pháp nới lỏng một số điều kiện PCD để thực hiện mục tiêu kép vừa PCD, vừa phát triển KT-XH.


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát việc cách ly tại nhà tại huyện Kim Bôi.

Thực hiện nghiêm túc việc cách ly các trường hợp về từ vùng dịch 

Tại thời điểm ngày 7/7, trên địa bàn tỉnh điều trị cho 15 trường hợp dương tính và tái dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có đến 13 trường hợp liên quan đến vùng dịch Bắc Giang mới được đón về địa phương và 9 trong số 13 trường hợp là tái dương tính. Tỷ lệ dương tính và tái dương tính của các trường hợp trở về từ Bắc Giang đặt ra yêu cầu công tác tổ chức đón người về, cách ly theo dõi tại địa phương cần được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định. 

Để đảm bảo quản lý chặt chẽ từ các khâu tiếp nhận, đưa đón, cách ly các trường hợp F0, F1 từ Bắc Giang và các tỉnh khác (nếu có đề xuất đón) trở về tỉnh, Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức tiếp nhận, quản lý các trường hợp F0 và F1 trở về địa phương. Mục đích đảm bảo an toàn trong quy trình đón, tiếp nhận, quản lý các trường hợp F0, F1 về địa phương, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm; giảm tối đa nguồn lực trong các khâu đón, cách ly tập trung, vận chuyển mẫu xét nghiệm. Đối tượng đón là tất cả các trường hợp F0, F1 do Sở Y tế tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác thông báo bằng văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh đón. Thời gian tổ chức đón các trường hợp F0, F1 bắt đầu từ ngày 25/6/2021 cho tới khi Sở Y tế tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác hết thông báo đón công dân về Hoà Bình. Sở GTVT bố trí xe, Sở Y tế cử cán bộ y tế đi kèm các xe đưa đón để hướng dẫn, triển khai các biện pháp PCD trong suốt quá trình vận chuyển. Các trường hợp do tỉnh đón về sẽ được cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của tỉnh, nếu kết quả xét nghiệm dương tính chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, các trường hợp âm tính kết thúc cách ly sau 7 ngày và bàn giao về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà. Trong khu cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình đã bố trí 2 khu vực riêng để cách ly cho đối tượng F0, F1.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm tinh thần PCD tại Công điện số 06/CĐ-UBND, ngày 18/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý lao động của tỉnh trở về từ tỉnh Bắc Giang đảm bảo các biện pháp PCD Covid-19 và Công điện số 08 ngày 7/7/2021 về việc tăng cường các biện pháp PCD Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 

Đối với công dân đi về từ vùng có dịch (theo thông báo của Bộ Y tế) trở về các địa phương trong tỉnh, yêu cầu: Có giấy tờ chứng minh việc đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi hoặc có kết quả xét nghiệm (PCR) âm tính đối với SARS-CoV-2 trong vòng 72h thì thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày, sau cách ly 7 ngày xét nghiệm (PCR) có kết quả âm tính đối với SARS-CoV-2 thì tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu 5K. Nếu không có các điều kiện trên thì thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày, trả phí theo quy định.

Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm khi không có biện pháp quản lý, không quản lý được người dân đi về từ các vùng dịch, người cần cách ly, theo dõi tại địa phương theo quy định.
Yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, công ty, đơn vị, siêu thị, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phương tiện vận chuyển công cộng,… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCD bệnh. Bắt buộc 100% người đến các cơ quan, đơn vị, công sở phải khai báo y tế (qua ứng dụng công nghệ thông tin hoặc tờ khai y tế), bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần quản lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, yêu cầu mọi người hạn chế đi đến các tỉnh, vùng có dịch. Nếu cần thiết phải đi thì phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan và khai báo y tế theo đúng quy định. 

Thường xuyên đánh giá các tiêu chí về an toàn PCD Covid-19 tại công sở, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện… đảm bảo không để lây nhiễm Covid-19.

Đối với các sân gofl: Chủ cơ sở, nhân viên, các lực lượng phục vụ, khách hàng thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19 của tỉnh đã đề ra; chủ động sắp xếp phương án nhân sự, không bố trí, phục vụ tại các khu vực thay đồ, tắm tại sân. Chịu trách nhiệm nếu để phát sinh lây nhiễm trong cơ sở.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương triển khai nghiêm ngặt công tác tổ chức cách ly, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, lây nhiễm do các trường hợp cách ly y tế và gia đình người cách ly y tế tại nhà không tuân thủ đúng quy định cách ly. Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 các huyện, thành phố căn cứ tình hình khai thác tiền sử dịch tễ của từng trường hợp, đánh giá nguy cơ tại các gia đình của người cách ly để quyết định các biện pháp cách ly y tế, thời gian áp dụng các biện pháp PCD phù hợp. 

Nhờ thực hiện nghiêm túc các giải pháp cách ly người về từ vùng dịch nên đến thời điểm này, mặc dù tỉnh đã có 13 trường hợp dương tính, tái dương tính liên quan đến vùng dịch Bắc Giang nhưng chưa để xảy ra việc lây nhiễm tại cộng đồng cũng như trong khu cách ly.

Nới lỏng một số điều kiện phòng, chống dịch để phát triển KT-XH

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng dẫn đến việc UBND tỉnh phải ban hành các quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với một số khu dân cư, cũng như áp dụng Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ để giãn cách xã hội, thực hiện công tác PCD. Việc giãn cách xã hội, yêu cầu một số lĩnh vực tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, phát triển KT-XH. Do đó, với mục tiêu "vừa đảm bảo công tác PCD, vừa phát triển KT-XH”, khi tình hình dịch được khống chế, không xuất hiện các ca nhiễm mới ngoài cộng đồng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh nới lỏng một số điều kiện PCD để phát triển KT-XH.

Hiện nay, đối với các điểm kinh doanh liên quan đến ăn uống dọc đường có xe liên tỉnh chạy qua được hoạt động trở lại, nhưng không được tổ chức cho khách ăn uống tại chỗ; đồng thời, phải đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu về PCD Covid-19 trong tổ chức bán hàng. 

Đối với tất cả các địa điểm kinh doanh, làm việc, nơi tập trung đông người, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, resort, siêu thị, sân golf yêu cầu phải đăng ký thiết lập "điểm kiểm dịch” để quản lý, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát khách, người ra vào bằng cách quét mã QR; yêu cầu bắt buộc mọi cá nhân phải cài đặt, sử dụng ứng dụng NCOVI, Bluezone, thực hiện khai báo y tế điện tử khi ra vào (trường hợp người không có điện thoại thông minh thì khai báo y tế bằng bản giấy). Hàng ngày lập danh sách khách hàng, người tiếp xúc gần trong cùng thời điểm để kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết. Yêu cầu chủ cơ sở, nhân viên, các lực lượng phục vụ, khách hàng thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế, chịu trách nhiệm nếu để phát sinh lây nhiễm trong cơ sở. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; bắt buộc mọi người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Những lĩnh vực tiếp tục dừng hoạt động: Các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo, tổ chức giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, những sự kiện lớn chưa cần thiết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (karaoke, massage, xông hơi, quán bar, vũ trường, điểm kinh doanh trò chơi điện tử). Đồng thời, tạm dừng hoạt động 2 trạm kiểm soát liên ngành PCD Covid-19 của tỉnh (trên quốc lộ 6, thuộc thị trấn Lương Sơn và trên đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình thuộc địa phận xã Quang Tiến, TP Hòa Bình).

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về PCD Covid-19. Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu người dân, doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định về PCD; thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" của Bộ Y tế. Bắt buộc mọi người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các trường hợp công dân đi lao động ở các tỉnh khác, từ vùng có dịch, đi làm xa, đi công tác, du lịch trở về địa phương và toàn bộ du khách, người ở tỉnh khác đến tỉnh… bắt buộc phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định về PCD Covid-19.


Dương Liễu


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục