Lực lượng diễu hành trên đường phố thành phố Hòa Bình để tuyên truyền, cổ động Chiến dịch tăng cường tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Xác định tầm quan trọng của hoạt động truyền thông, vận động trong công tác DS&PT, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai sâu rộng truyền thông về DS&PT đến các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình, dòng họ và nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Các nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động; hình thức tuyên truyền đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, sản xuất, nhân bản các sản phẩm truyền thông...
Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH T.Ư khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGÐ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; tác hại của tảo hôn.
Chi cục cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ dân số các cấp; phối hợp các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao chất lượng dân số của các mô hình, đề án và tư vấn, tuyên truyền đến các nhóm đối tượng đặc thù... Qua đó, nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến về công tác DS-KHHGÐ đã được duy trì, nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, góp phần chuyển đổi hành vi thực hiện chính sách DS-KHHGĐ theo hướng tích cực. Tiêu biểu phải kể đến tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như: Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) tại trạm y tế; tổ chức tập huấn triển khai mô hình xét nghiệm phòng bệnh TMBS (thuộc Dự án 7) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy mẫu, vận chuyển mẫu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh TMBS cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã tại Trung tâm y tế các huyện, thành phố; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về phòng bệnh TMBS cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; duy trì góc tư vấn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tổ chức Hội thảo chuyên đề của CLB phòng bệnh TMBS tại thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc; hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; các hoạt động tầm soát chẩn đoán, điều trị các bệnh trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh...
Đặc biệt tập trung truyền thông , phổ biến, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 4/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về "Xây dựng biện pháp thực hiện để duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh hai con trong nội dung hương ước, quy ước của khu dân cư; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó thực hiện mục tiêu: Tăng cường giải pháp, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách, pháp luật về Dân số của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong giai đoạn tới, phấn đấu đến năm 2025 đạt mức sinh thay thế là trung bình mỗi cặp vợ chồng có hai con, theo kế hoạch của tỉnh đề ra.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương cho biết thêm: Thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 24/4/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, BCH T.Ư Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động, việc thực hiện chính sách dân số được đẩy mạnh; Chương trình DS-KHHGĐ được tổ chức thực hiện có hiệu quả với những kết quả tích cực: Tiếp tục giảm sinh; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức khoảng 1%; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 2,06; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 75%; tỷ số giới tính khi sinh giảm hàng năm; tăng tỷ lệ các trường hợp trước kết hôn được khám, xét nghiệm phòng bệnh TMBS; giảm trường hợp tảo hôn... chất lượng cuộc sống dần được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người dân đạt xấp xỉ 73 tuổi...
Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác truyền thông DS&PT. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, trong đó tập trung truyền thông có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng. Chú trọng các hình thức truyền thông trực tiếp và gián tiếp thông qua các sản phẩm truyền thông nhằm phù hợp từng nhóm đối tượng và mục đích tuyên truyền...
Hồng Duyên