Để người dân được an tâm vui chơi, giải trí trong những ngày tết Nguyên đán sắp tới, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc đóng trên địa bàn TP lên kế hoạch túc trực ứng cứu tại các điểm tập trung đông người, những địa điểm bắn pháo hoa, hội chợ… Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng bố trí nhân sự, trang thiết bị, thuốc men, máu… đảm bảo cấp cứu người dân.
Hệ thống bệnh viện tại TPHCM đã có kế hoạch cấp cứu, ứng cứu người dân. Ảnh: Tg.Lâm |
Lo ngộ độc, tai nạn
BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM năm nào đến dịp tết cũng “lu bu” túc trực cấp cứu người dân. Theo BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc bệnh viện, ngày tết thường xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích, tai nạn giao thông như gãy tay, gãy chân, gãy xương đùi... Năm nay, BV Chấn thương chỉnh hình tăng cường thêm nhân sự cho khoa Cấp cứu, thường trực 22 bác sĩ và ứng trực thêm 22 bác sĩ nữa. Như vậy, tính ra bộ phận cấp cứu của BV Chấn thương chỉnh hình luôn sẵn sàng 44 bác sĩ cấp cứu.
Ngoài ra, khoa Huyết học của bệnh viện cũng đã chuẩn bị đủ số đơn vị máu, dự kiến mỗi nhóm máu 15 đơn vị. “Mới đây bệnh viện đã phát động CB-CNVC hiến máu để phục vụ cấp cứu dịp tết nên về cơ bản là đủ, nếu thiếu xin hỗ trợ từ ngân hàng máu của BV Truyền máu và Huyết học”, BS Mỹ cho biết.
Về cấp cứu bệnh nhi trong dịp tết, BS Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2 TPHCM, cho biết đã triển khai kế hoạch chi tiết xuống các khoa phòng. Theo đó, mỗi khoa đều phải bố trí bác sĩ và điều dưỡng túc trực chăm lo cho các bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện, sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân mới.
Riêng khoa Cấp cứu, BS Tùng cho biết yêu cầu thường trực 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng để phục vụ bệnh nhi. Ngoài ra, đội xe cấp cứu, khoa Dược, Huyết học cũng phải chia ca túc trực thường xuyên. Theo BS Tùng, trong dịp tết thường gặp nhất ở trẻ là các trường hợp cấp cứu về đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp, hóc hạt dưa, hạt bí, xương cá hoặc tai nạn thương tích như bị bỏng nước sôi, té ngã…
Đến nay, tất cả các bệnh viện khác trực thuộc Sở Y tế cũng đã có kế hoạch cấp cứu ngày tết như BV Nhân dân 115, Cấp cứu Trưng Vương, Đa khoa Sài Gòn… Đặc biệt, vấn đề ngộ độc thực phẩm tập thể, ngộ độc rượu cũng được các bệnh viện chú ý bố trí các loại thuốc giải độc, máy thở. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng đã bố trí bộ phận trực tết kịp thời điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân của các vụ ngộ độc. Ngoài ra, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như Chợ Rẫy, Thống Nhất cũng đã lên phương án ứng cứu, cấp cứu trong những ngày tết sắp tới.
Sẵn sàng vào cuộc
Hiện trên địa bàn TPHCM đã khai trương nhiều hội chợ, hội hoa xuân với hàng ngàn người tụ tập vui chơi, mua sắm. Nhằm ứng cứu trong trường hợp xảy ra tai nạn, cháy nổ, thảm họa, Sở Y tế đã giao cho BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị y tế khác bố trí xe cấp cứu tại các địa điểm trên.
BS Đỗ Công Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Cấp cứu Trung Vương, cho biết đã huy động xe cấp cứu với trang thiết bị, bác sĩ, điều dưỡng túc trực tại các điểm vui chơi công cộng 24/24 giờ. Đối với 7 điểm bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa theo dự kiến của UBND TP, BS Tâm cho biết cũng đã làm đầu mối phối hợp với các bệnh viện quận, huyện có địa điểm tổ chức bắn pháo hoa để ứng cứu khi cần thiết.
“Nếu bệnh viện quận huyện nào gặp khó khăn về nhân sự, trang thiết bị, xe cứu thương cần thông báo ngay cho BV Cấp cứu Trưng Vương để được hỗ trợ”, BS Tâm nói. Ngoài ra BV Cấp cứu Trưng Vương vẫn phải đảm bảo hệ thống cấp cứu 115 tới tận nhà người dân, cũng như cấp cứu nội viện. Theo BS Tâm, cái mới của công tác cấp cứu dịp Tết Nguyên đán năm nay là được Sở Y tế chỉ đạo sớm, có kế hoạch chi tiết nên chắc chắn sẽ kịp thời trong mọi tình huống.
Để đảm bảo cấp cứu người dân trong các ngày tết, trước đó Sở Y tế đã có công văn yêu cầu toàn bộ các bệnh viện đóng trên địa bàn TPHCM tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, đảm bảo tốt việc điều trị và tổ chức cấp cứu cho bệnh nhân, không để các trường hợp đáng tiếc xảy ra… BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, cho biết các bệnh viện được chỉ đạo tăng cường hơn ngày thường, ai được phân công ở vị trí đâu thì đảm bảo đúng vị trí đó, không được rời vị trí. Trong trường hợp cháy nổ, thảm họa thì tùy theo mức độ Sở Y tế phối hợp với các ban ngành ứng cứu ngay. Ông cũng nhấn mạnh, số điện thoại cấp cứu 115 phải được duy trì hoạt động tốt, đảm bảo không xảy ra tình trạng nghẽn mạng…
Theo SGGP
Các món ăn ngày Tết thường phải hâm đi hâm lại hoặc lưu giữ lâu ngày hoặc được chế biến sẵn nên rất cần phải lưu ý để tránh chất độc hại đi vào cơ thể
Rượu bia là những “chất xúc tác” không thể thiếu, giúp không khí Tết thêm vui vẻ và đầm ấm. Những lời khuyên nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn hưởng trọn niềm vui ngày Tết mà không phải gặp rắc rối về sức khỏe do rượu gây ra.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết năm 2009, cả nước có 98,8% số xã có trạm y tế hoạt động; 100% số xã, phường, thị trấn có cán bộ y tế làm việc, hơn 65% số xã có bác sĩ; 93,3% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 90% số thôn bản có cán bộ y tế hoạt động; hơn 65% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Ðáng chú ý, hơn 70% số xã thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Thường 3 ngày tết mọi người được nghỉ ngơi nên lượng tiêu thụ thực phẩm cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa được ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn an toàn là điều cần chú ý.
Màu sắc thực phẩm rất đáng sợ? Màu đỏ của kẹo mút cuốn trông như máu giả còn màu xanh dương nhạt của nước uống thì chẳng khác gì ánh sáng của người ngoài hành tinh.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Giám định y tế Bảo hiểm Xã hội VN, cho biết như vậy về hướng thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế trong thời gian tới. Theo ông Thảo, trong quý I/2010 sẽ hoàn thành việc đổi thẻ bảo hiểm y tế