Không còn giường nên ra hành lang nằm tạm, 2-3 cháu nằm chung một giường và đông nghịt trẻ con, người già chen chúc chờ khám bệnh… Đó là tình cảnh mà PV Báo SGGP ghi nhận tại một số bệnh viện ở TPHCM ngày hôm qua (9-3). Và sự quá tải này – không gì khác hơn – là tại thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh cho trẻ bị sốt. Ảnh: MAI HẢI |
Chưa hết viêm phế quản lại bị tiêu chảy
Đã gần 4 giờ chiều nhưng các bác sĩ khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 TPHCM vẫn tất bật khám cho từng bệnh nhi. Vừa đặt ống nghe xuống, BS Nguyễn Thị Hồng Loan thở dài: “Mấy hôm nay quá nhiều bệnh tiêu chảy. Ngày nào cũng 20-30 cháu nhập viện. Mà toàn tiêu chảy nặng, nhiều cháu kiệt sức do mất nước”…
Bế đứa con 19 tháng tuổi đang khóc, chị Nguyễn Thị Ánh (ngụ P. Linh Xuân, Q. Thủ Đức) mệt mỏi nói: “Hôm trước bỗng dưng cháu bỏ bú sữa, quấy khóc, rồi liên tục đi tiêu chảy, 4-5 lần/ngày. Tui cứ tưởng cháu uống phải sữa kém chất lượng nên đổi sữa khác nhưng cháu vẫn tiếp tục tiêu chảy”. Nhập viện ngày 8-3 vừa qua, bé P.D.Trí của chị Ánh gần như đã suy kiệt vì mất nước, da khô, có biểu hiện sốt, thường xuyên quấy khóc… Đến hôm qua, tình trạng của bé Trí vẫn chưa thuyên giảm…
Rầu rĩ vì cả 2 đứa con sinh đôi mới 6 tháng tuổi nhập viện cùng lúc, chị Đinh Thị Kiều Xuyên (ngụ Dầu Tiếng, Bình Dương) than: “Thấy một đứa đi phân lỏng, tôi nghi cháu bị tiêu chảy nhưng thấy chưa nghiêm trọng nên không đi bác sĩ khám. Hôm sau thằng em cũng đi phân lỏng nốt, có khi 5-6 lần/ngày. Vậy là phải đi cấp cứu”.
Sau khi được chăm sóc, 2 con chị Xuyên đã bớt tiêu chảy nhưng vẫn còn lừ đừ, nước da xanh xám. “Tuần trước cả 2 đứa ho khò khè, đi bác sĩ được biết bị viêm phế quản. Nay chưa hết ho thì lại tiêu chảy”, chị Xuyên nói.
Theo BS Nguyễn Thị Hồng Loan, trong những ngày qua bệnh tiêu chảy, nhất là do tác nhân Rotavirus (virus phát sinh từ phân của trẻ) tăng mạnh. Nhiều trẻ khi nhập viện đã mất nước dẫn đến kiệt sức do tiêu chảy nhiều lần.
BS Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết bình thường các tháng trước chỉ điều trị nội trú 80-100 cháu bị tiêu chảy/ngày nhưng nay có hôm lên tới 140 cháu. Theo BS Vinh thì kém vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt cho trẻ là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy.
Cảnh báo khi trẻ ngủ máy lạnh
Không chỉ các bệnh truyền nhiễm như trái rạ, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với nhiều ca khám và nhập viện mỗi ngày, BV Nhi đồng 1 đang phải nỗ lực để chăm sóc cho bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Vừa ra khỏi thang máy ở lầu 3 của khoa Hô hấp, cảnh tượng đầu tiên là hàng chục bà mẹ tay bồng tay bế con nhỏ nằm, ngồi la liệt ở các hành lang lối đi. Khi được hỏi, một cô hộ lý nói: “Đó là còn ít. Có hôm không còn đường mà đi”. Một chị dỗ dành đứa con nhỏ đang ho sặc sụa nói: “Trong phòng cứ 2-3 cháu một giường, nằm đè lên nhau, đành ra hành lang nằm cho… mát”.
Khi được hỏi chuyện, chị Lê Hoàng Kim (ngụ An Giang) kể: “Cháu mới 3 tháng tuổi nhưng đã nằm ở bệnh viện hết hơn 1 tháng nay rồi. Thỉnh thoảng cháu lại nổi cơn ho, rồi khò khè, ngủ hay giật mình. Bác sĩ nói cháu bị bệnh đường hô hấp gì đó, tui cũng chẳng hiểu nhưng mà xót lòng quá”.
Cũng hoàn cảnh như chị Kim là mẹ con chị Nga ở Tân Châu, Tây Ninh. Con chị Nga nhập viện ngày 8-3 trong tình trạng khó thở, ho nhiều và đã chạy chữa gần cả tuần nay tại BV huyện Tân Châu nhưng không khỏi… Ghé qua các phòng bệnh khác của khoa Hô hấp như 305, 309, chúng tôi thấy chật cứng bệnh nhi, các cháu phải nằm quay đầu lại với nhau mới cựa quậy được…
Theo các bác sĩ nhi khoa, không chỉ thời tiết trở lạnh mới gia tăng bệnh hô hấp mà ngay trời nắng nóng cũng gia tăng bệnh này, nhất là viêm tiểu phế quản. Theo BS Trần Anh Tuấn, khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2, trời nắng nóng nên các bậc phụ huynh thường cho trẻ ngủ điều hòa, uống nước đá lạnh nhiều nên nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao… BS Tuấn cảnh báo là các bậc phụ huynh cho con trẻ ngủ điều hòa mà không tạo không khí thông thoáng, để nhiệt độ thấp dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Bên cạnh các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, trong dự báo bệnh ở trẻ trong tháng 3-2010 này, BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cũng khuyến cáo tất cả các nhóm bệnh ở trẻ sẽ tăng nhẹ. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết. Bệnh tay-chân-miệng đang ở mức thấp nhất trong năm và sẽ tăng trở lại theo chu kỳ. Bệnh sốt xuất huyết đang ở vào giai đoạn cuối mùa nên số lượng bệnh nhân đến khám có giảm nhưng vẫn còn nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng nhập viện, điều trị khó khăn.
Trong khi đó, BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới, cho biết bệnh Rubella vẫn khiến nhiều trẻ mắc phải. “Hiện mỗi ngày BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 10-20 trẻ mắc Rubella và rất nhiều trẻ đến khám, ngay cả tại các phòng mạch tư”, BS Ngọc cho biết.
Mệt mỏi, suy nhược ở người già Ghi nhận tại một số bệnh viện hôm qua cũng cho thấy người lớn tuổi đi khám bệnh, nhập viện cũng tăng lên. Tại khoa khám Tổng quát BV Đại học Y Dược TPHCM, dù đã chiều nhưng vẫn còn nhiều cụ ông, cụ bà đợi đến lượt khám. Nhiều cụ cho biết thời tiết nắng nóng, ăn ngủ không ngon nên sinh ra mệt mỏi, đi khám để bác sĩ cho thuốc. Tại BV Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất… cũng ghi nhận số người già phải nhập viện, đi khám tăng lên đáng kể. Các bác sĩ cho biết bệnh chủ yếu là tăng huyết áp, suy nhược cơ thể… do đó phần nhiều toa thuốc bổ sung cho các cụ là thuốc bổ. Các bác sĩ khuyến cáo các cụ lớn tuổi nên bổ sung nước, vitamin C, ăn uống đầy đủ để đề kháng với thời tiết khắc nghiệt. |
Theo SGGP
Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) vừa phẫu thuật vùng bụng cho chị Nguyễn Thị Nhiệm (37 tuổi, Bắc Hòa, Tân Thạnh, Long An) để lấy ra toàn bộ khối u nặng đến 25kg.
(HBĐT) - Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa và trạm y tế các xã, thị trấn của huyện Lạc Thuỷ đã nỗ lực triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Hệ thống chăm sóc SKSS từ tuyến huyện đến xã được tăng cường. Nhờ chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS được nâng cao đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc SKSS theo chuẩn Quốc gia, nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS và phòng chống SDD trẻ em ngày càng tiến bộ.
Vào cuối thai kỳ, nhiều thai phụ thấy xuất hiện các nốt mày đay và mảng phát ban lan ra rộng ở vùng bụng gây ngứa, mất ngủ nên đã quá lo lắng. Thực ra, tình trạng này thường chỉ kéo dài khoảng 6 tuần và tự khỏi sau sinh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua ngành y tế các cấp đang triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm lây qua đường cửa khẩu; tăng cường kiểm tra y tế môi trường tại các nơi tập trung đông người; kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống...
Kết quả khảo sát dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM mới đây cho thấy, an toàn thực phẩm đang là vấn đề người dân bức xúc đứng thứ 3 (sau giá cả và ngập nước). Tại chương trình tọa đàm “Nói và Làm” do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện vào sáng 7-3, một lần nữa, vấn đề này được đưa ra mổ xẻ, truy trách nhiệm…
Từ sau Tết nguyên đán đến nay, mỗi ngày có hàng trăm người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh tranh nhau đến khe núi cống Kẹp để hứng nước về uống.