Mỗi năm, BV Chấn thương chỉnh hình và BV Nhân dân 115 TPHCM tiếp nhận vài chục bệnh nhân (BN) bị biến chứng do trước đó đã điều trị thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) không đúng chỉ định. Hậu quả, BN phải nằm liệt giường, dù đã tốn không ít tiền để chạy chữa.

 
Đi nạng vì đốt laser
 
Tìm đến Khoa Cột sống A của BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM trong tình trạng bị liệt cẳng chân, di chuyển nặng nề trên đôi nạng gỗ, bà N.L.T., 53 tuổi (Vũng Tàu) cho biết, đó là hậu quả của nhiều lần bà đi đốt laser. Bị TVĐĐ từ hai năm nay, lúc nào lưng cũng có cảm giác đau nhức, một lần nghe tư vấn, bà T. bị thuyết phục đến đốt laser của cơ sở X. (Q.1, TPHCM).
 
Bà đã trút hầu bao đến 20 triệu đồng để nhanh chóng được “kết thúc” nỗi đau, nhưng sau lần đốt thứ nhất, bà càng đau dữ dội hơn, cơ sở này “khuyến mãi” đốt tiếp lần thứ hai. Hậu quả, cả hai chân bà bị liệt, đi lại phải nhờ đôi nạng gỗ. Bà T. chỉ là một trong số hàng chục trường hợp bị biến chứng do điều trị TVĐĐ sai chỉ định mà Khoa Cột sống A của BV này tiếp nhận, có BN nhẹ thì yếu chi, nặng thì nằm liệt giường.
 
PGS-TS-BS Võ Văn Thành - cố vấn BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cho biết: “Nếu được phát hiện sớm, 80% BN chỉ cần điều trị bảo tồn, không phải mổ vẫn khỏi bệnh. BN TVĐĐ chỉ mổ khi bị đau không chịu nổi ngay từ lúc đầu phát bệnh, hoặc thất bại với phương pháp bảo tồn sau hai tháng đầu tiên điều trị đúng”.
 
Bệnh nhân bị TVĐĐ đang tập vật lý trị liệu tại BV ĐDPHCN&ĐTBNN TPHCM
 
Đáng lo ngại là nhiều BS đã can thiệp sớm TVĐĐ một cách không hợp lý, nhất là việc quảng cáo rầm rộ, ứng dụng tràn lan kỹ thuật đốt laser, sóng cao tần… Thực tế, đây chỉ là những phương pháp vật lý hỗ trợ cho quá trình điều trị chính, lại bị hiểu sai là phương pháp điều trị TVĐĐ.
 
Các phương pháp này nhằm sử dụng nhiệt độ dưới 60 độ ­C để làm săn chắc vành thớ, đốt bỏ nhân nhầy triệt để trên 200 độ C nhằm làm giảm áp. Dù là phương pháp bổ túc nhưng cũng phải áp dụng đúng tình trạng bệnh, được chỉ định đúng, không thể ứng dụng đại trà vì những biện pháp này có thể gây ra biến chứng cho BN, nhất là khi đốt nhầm vị trí, đốt sai chỉ định.
 
BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh bệnh lý, BV Nhân dân 115 TPHCM, bức xúc: “Ngoài nguyên do từ các cơ sở y tế, còn do chính BN. Khi BS yêu cầu tập vật lý trị liệu (VLTL), BN lại lén lút đi đốt laser, sóng cao tần cho mau hết đau. Mỗi phương pháp như phẫu thuật, đốt laser, sóng cao tần, tập VLTL… đều có chỉ định khác nhau. Đặc biệt, với những trường hợp sau khi điều trị thất bại nội khoa, buộc phải mổ, chứ không thể đốt laser hay sóng cao tần".
 
Theo BS Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa VLTL - phục hồi chức năng, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (ĐDPHCN&ĐTBNN) TPHCM: “Một số BN sau khi chụp MRI có kết quả TVĐĐ, dù mức độ thoát vị không nhiều, không chèn ép tủy, chỉ đau nhẹ vùng thắt lưng, đau nhẹ ở chân… cũng được chỉ định phẫu thuật là không phù hợp. Có BN sau khi phẫu thuật đã ngồi xe lăn luôn, dù trước đó đau nhức nhưng vẫn có thể đi đứng bình thường”.
 
Kiên trì tập luyện
 
BS Quang Thanh cho biết, khi lớn tuổi, lực đàn hồi của nhân đệm kém, thường bị đẩy lệch ra khỏi vị trí nên gây đau. Nếu phát hiện sớm, chỉ cần tập các động tác trị liệu sẽ hết bệnh. Thế nhưng, BN lại nghe lời rỉ tai sử dụng các bài thuốc “bí truyền” như: ăn gạo lứt muối mè, đốt laser, sóng cao tần để trị bệnh. Trong khi đó, thời gian tập VLTL là thời gian vàng để phục hồi bệnh.
 
Ngay cả trường hợp nhân đệm bị vỡ, dịch chảy vào trong ống tủy, gây phản ứng viêm. Với những trường hợp này, dù đã mổ thì BN cũng đau nhức do dịch nhân đệm phản ứng với rễ thần kinh. Để hết đau, chỉ có biện pháp tập VLTL.
 
Phục hồi chức năng là  một giai đoạn điều trị quan trọng, hỗ trợ cho sự thành công dù bảo tồn hay phẫu thuật. Các BS sẽ cho BN tập kéo giãn hay làm mạnh cơ thành bụng, cơ thắt lưng sẽ giúp giảm đau. Bên cạnh đó, BN còn uống thuốc, điều trị điện trị liệu (sóng ngắn, siêu âm), nhiệt trị liệu (tia hồng ngoại, chườm nóng).
 
Theo BS Văn Thành, với những BN khi điều trị bảo tồn cần nằm nghỉ trên giường, trong thời gian đầu ít nhất một tuần, đôi khi lâu hơn do BS điều trị chỉ định. Ngoài ra, BN phải dùng thuốc kháng viêm, giảm đau… để bớt đau và cắt tiến trình viêm khu trú trên rễ thần kinh bị chèn ép. BN được tập luyện tích cực trên giường bệnh một cách nhẹ nhàng trên cơ bụng, cơ thắt lưng và các nhóm cơ khác theo hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
 
Thời gian điều trị sẽ lý tưởng trong vòng hai tháng đầu sau khi phát hiện bệnh. Điển hình như trường hợp của chị P.N.T., 41 tuổi (ngụ huyện Nhà Bè) đã đi đứng bình thường sau vài tháng chịu khó tập VLTL. Chị cho biết, trước đây bị đau lưng và được một BS ở BV C. chẩn đoán TVĐĐ, yêu cầu chị chuẩn bị 25 triệu đồng để mổ. Chị không mổ mà xin chuyển qua BV ĐDPHCN & ĐTBNN để tập VLTL, bị BS này hù: “Nếu không nghe lời, sau này quay lại đây tôi sẽ không mổ”. Cuối cùng, chị chấp nhận tự bỏ tiền túi mà không cần bảo hiểm y tế chi trả để tự đi tập VLTL.

Dù làm công việc chân tay hay ngồi ở văn phòng, nếu làm nặng quá mức, ngồi quá lâu không đổi tư thế, đều có thể bị TVĐĐ vì đĩa đệm có vai trò như một tấm đệm nhún, chịu khoảng 70% lực tác động lên cột sống. Khi mang vác trọng lượng quá nặng, lực tác động quá lớn khiến đĩa đệm chịu không nổi, vành thớ bị rách ra, phần nhân nhầy bị vỡ, tràn ra chèn ép lên rễ thần kinh cột sống.

 

                                                                                   Theo NLĐ

Các tin khác


Gia tăng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp, bác sĩ hướng dẫn cách phòng bệnh

Thời gian gần đây,số trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) đang có xu hướng gia tăng, bác sĩ hướng dẫn các biện pháp dễ thực hiện để phòng bệnh cho trẻ.

WHO cảnh báo tình trạng thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không dưới 55 quốc gia trên thế giới đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, trong đó các nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở huyện vùng cao Mai Châu

(HBĐT) - Những năm qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao vào khám và điều trị bệnh. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi xâm nhập nước ta.

Đổi mới hình thức tuyên truyền - giải pháp quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế

(HBĐT) - Năm 2022, tỉnh có 2 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh là 95,15%. Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2022, tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT của Hòa Bình chỉ đạt 90,27% dân số.

Trên 1.200 người đăng ký tham gia hiến máu tại huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Ngày 10/3, tại nhà văn hóa huyện Lạc Sơn, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Ban Chỉ đạo Vận động HMTN huyện Lạc Sơn phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt I năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục