Hiện trên thị trường còn 3.688 thùng thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO được cho là nhiễm chất độc DHEF, tại nhiều chợ ở Hà Nội thì sản phẩm này vẫn được bán tràn lan.

 

Vụ việc Công ty Dục Thân (Đài Loan) sử dụng trái phép chất độc hại DEHP trong sản xuất chất phụ gia tạo đục, do Cơ quan y tế Đài Loan thông báo ngày 26/5/2011, đã gây tác động xấu tới các nước khu vực và thế giới, bởi có tới 206 nhà máy sử dụng DEHP làm phụ gia cho sản phẩm nước uống với 506 sản phẩm đang lưu hành ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và châu Á.

Đáng lưu ý khi DEHP và thuốc trị ghẻ DEP lại cùng một… họ, có thể gây ra nguy cơ giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ và gây ngộ độc cấp tính làm tử vong tại chỗ, nên nhiều nước còn cấm lưu hành đồ chơi có DEHP.

Thu hồi sản phẩm có DEHP trước ngày 6/6/2011

Để giúp người dân tránh khỏi hoang mang, lo lắng, ngày 31/5, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn thanh tra tại các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là những địa bàn tiêu thụ và lưu thông nhiều mặt hàng có sử dụng chất tạo đục. Ngày 3/6, GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết: Các đoàn thanh tra vẫn đang tập trung kiểm tra việc tiêu thụ và lưu thông các mặt hàng có sử dụng chất tạo đục tại các địa phương.

Riêng việc thanh tra đột xuất và thu hồi, xử lý các sản phẩm thực phẩm có phụ gia tạo đục chứa DEHP của Công ty New Choice Foods, đơn vị nhập chất phụ gia thực phẩm tạo đục ở Bình Dương từ Công ty Triko Foods Co.LTD (Đài Loan), đã hoàn tất sau khi đã niêm phong 100kg để chờ xử lý.

Công ty New Choice Foods cho biết, chỉ nhập phụ gia để sản xuất chứ không bán chất phụ gia này cho đơn vị nào khác. Ngay khi nhận được thông tin cảnh báo, Công ty đã thu hồi được 3.582 thùng sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO có sử dụng chất phụ gia nói trên.

Theo Công ty, hiện trên thị trường còn 3.688 thùng thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO. Công ty đã thông báo cho hệ thống phân phối gồm 75 đại lý và 307 siêu thị trên toàn quốc dừng kinh doanh và tiến hành thu hồi nhanh chóng toàn bộ sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn do công ty sản xuất.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đến hết ngày 6/6/2011, việc thu hồi phải hoàn tất. Công ty New Choice Foods phải công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tới người tiêu dùng về việc thu hồi, xử lý. Sau ngày 6/6/2011, nếu phát hiện còn sản phẩm đã thông báo phải thu hồi, sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cục ATVSTP cho rằng, đây là sự cố ngoài ý muốn và hiện tại mới chỉ phát hiện ở sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO của Công ty New Choice Foods, vì thế, người tiêu dùng không nên hoang mang. Cục  ATVSTP tiếp tục chỉ đạo giám sát mở rộng các sản phẩm khác có sử dụng phụ gia nguồn gốc từ Đài Loan. Ngoài ra, Cục cũng phối hợp chặt chẽ với mạng lưới INFOSAN và các đầu mối thông tin ở Đài Loan tìm các sản phẩm khác nhau và danh sách công ty nhập khẩu sản phẩm hoặc phụ gia dưới các thương hiệu khác nhau, để thông báo kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO vẫn có thể mua với số lượng không hạn chế tại Hà Nội (ảnh chụp chiều 3/6).

Hà Nội vẫn tràn lan thạch rau câu có DEHP

Chiều 3/6, khi chúng tôi có mặt tại nhiều chợ ở Hà Nội thì thấy sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO xuất xứ Đài Loan vẫn được bán tràn lan. Ở nhiều cửa hàng bánh kẹo lớn trên phố Trần Nhân Tông, Lò Đúc, chợ Hôm, đặc biệt là phố "bánh kẹo" Hàng Buồm, sản phẩm trên vẫn được bày bán rất nhiều. Những người bán hàng cho biết có thể cung cấp với số lượng không hạn chế.

Nhiều người dân, kể cả nhân viên các cửa hàng bán loại sản phẩm này hoàn toàn không biết đến việc thu hồi cũng như lý do thu hồi sản phẩm. Các nhân viên của siêu thị Haprofood Vân Hồ còn cho biết, thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO bị thu hồi từ ngày 2/6 là vì lý do… in lỗi trên bao bì, chứ không phải là do có độc chất(!).

Điều này cho thấy, việc công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tới người tiêu dùng về việc thu hồi, xử lý của Công ty New Choice Foods chưa đúng như yêu cầu của Bộ Y tế. Cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội chưa làm tốt vai trò của mình, dù đây là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.

Khi chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về tình hình trên, ông Cường cho rằng, không phải tất cả thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO đều có chứa độc chất, mà tùy từng lô. Điều ông Cường nói xem ra lại mâu thuẫn với chính văn bản của Bộ Y tế khi Bộ này thông báo không phải chỉ một số lô hàng, mà là tất cả các sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO đều có độc chất nên đều phải thu hồi!

Cùng chiều 3/6, báo cáo nhanh của Công ty New Choice Foods cho biết, việc thu hồi sản phẩm thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO vẫn đang tiếp tục tiến hành và cam kết sẽ thực hiện đúng kế hoạch thu hồi loại sản phẩm trên. Nhưng với những gì đã chứng kiến, liệu cam kết trên có được thực thi?

Chiều 3/5, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia chính thức thông báo kết quả kiểm tra ngẫu nhiên chất DEHP trong một số sản phẩm trên thị trường Hà Nội được cho là có thể sử dụng chất phụ gia tạo đục.

Theo đó, kết quả các mẫu: Nước rau câu Long Hải, sữa chua Ba vì, sữa tươi Ba Vì, thạch sữa chua 319, thạch rau câu đều không phát hiện chứa DEHP. Kết quả giám sát của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia trước đó đối với 5 mẫu nước đào, nước táo, nước cam của V- Fresh, trà bí đao Wonderfam, nước cam ép Twister đều không phát hiện có DEHP.

Đoàn thanh tra số 2 của Bộ Y tế bắt đầu triển khai từ đầu 6/2011, đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm tại một số công ty trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên để kiểm nghiệm, nhưng hiện chưa có kết quả kiểm nghiệm.

 

                                                                                     Theo CAND

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục