Bệnh nhân đến điều trị bằng Methadone tại cơ sở ở TPHB.
(HBĐT) - Đến cơ sở điều trị Methadone TP Hòa Bình đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, nhìn những gương mặt tỉnh táo đang uống thuốc, chúng tôi không ngờ mới chỉ cách đây vài tháng họ còn chìm trong ma túy, vật vã với những mũi tiêm chích. Em H. ở phường Thịnh Lang năm nay chưa đến 30 tuổi nhưng đã có thâm niên nghiện ma túy hơn 10 năm. H. đã từng bị cưỡng chế đi cai nghiện nhưng không thành.
Là hàng xóm nhưng H. chưa bao giờ nhận ra và chào tôi cho đến khi tôi gặp H. tại cơ sở Methadone mới đây. Sau hơn 6 tháng điều trị, H. đã dần trở nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hay chào hỏi người xung quanh hơn. Hầu hết những người nghiện ma túy đến điều trị tại cơ sở khi được hỏi đều cho rằng, việc điều trị bằng Methadone giúp họ giảm cảm giác thèm, giảm tần suất sử dụng các chất dạng thuốc phiện, sức khỏe tốt lên. Mặt khác, Methadone dùng bằng đường uống nên giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B và các bệnh khác lây qua đường tiêm chích.
Đồng chí Lâm Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trưởng cơ sở điều trị Methadone TP Hòa Bình cho biết: Từ ngày 23/10/2012, cơ sở đã tiến hành khởi liều điều trị cho bệnh nhân là những trường hợp nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn thành phố. Hiện nay, cơ sở đang điều trị cho 209 bệnh nhân (205 nam, 4 nữ). Trong đó, bệnh nhân điều trị liều cao nhất 260 mg, liều thấp nhất 15 mg và 24 bệnh nhân nhiễm HIV, 115 bệnh nhân dò liều, 94 bệnh nhân điều trị liều duy trì. Trước khi điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng ma túy qua đường tiêm chích, tần suất 1 – 7 lần/ngày. Độ tuổi sử dụng rất trẻ từ 13 – 38 tuổi. Thời gian sử dụng trước khi điều trị từ 2 – 33 năm. Đa số bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe và chỉ có 2 người có việc làm. Qua hơn 8 tháng tiến hành triển khai điều trị cho thấy kết quả khả quan. Theo báo cáo của Công an tỉnh, tỷ lệ người nghiện ma túy được điều trị bằng Methadone có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm. Các hành vi tạo xung đột gia đình cũng giảm, mối quan hệ trong gia đình được cải thiện. Đáng chú ý, sau khi được điều trị, tỷ lệ người bệnh có việc làm ổn định tăng lên đạt 26%. Tỷ lệ bệnh nhân có test heroin dương tính hàng tháng chỉ từ 22,2 – 35,3%. Bệnh nhân có tinh thần thoải mái hơn trước và yên tâm điều trị, kể cả điều trị ARV; không có trường hợp khởi liều lại.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, chi phí trung bình ngày/người khi điều trị bằng Methadone 20.000 đồng thay vì tiêu tốn khoảng 300.000 đồng/ngày để mua heroin. Hiện, toàn bộ chi phí điều trị được dự án phòng, chống HIV/AIDS khu vực châu Á (Harrp) tài trợ. Điều trị bằng Methadone giúp người nghiện từng bước giảm dần mức độ và tiến tới không lệ thuộc vào ma túy, hồi phục sức khỏe, thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách. Cùng với đó, người nghiện không còn nỗi lo kiếm tiền bằng mọi giá khi lên cơn thèm thuốc nên giảm tội phạm trong xã hội. Đây cũng là phương pháp điều trị dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao. Người nghiện chỉ cần đến cơ sở điều trị uống thuốc, tuân thủ nghiêm liều điều trị mà không phải đi cai nghiện tập trung. Người bệnh có thể vừa tham gia điều trị, vừa làm việc bình thường. Với những hiệu quả đã được khẳng định, thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng ra huyện Mai Châu, nơi có số người nghiện trong hồ sơ quản lý cao.
Có được kết quả trên là do chính quyền cơ sở hết sức quan tâm chỉ đạo, động viên kịp thời. Việc điều trị đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện và gia đình họ. Ban xét chọn bệnh nhân các tuyến làm việc hiệu quả. Công an từ cấp tỉnh đến xã, phường vào cuộc tích cực. Cơ sở nhận được sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của các chuyên gia. Tuy nhiên, việc điều trị bằng Methadone cũng gặp không ít khó khăn. Theo đông chí Lâm Ngọc Tĩnh, đây là chương trình mới nên chưa có quy định cụ thể, chi tiết cho việc triển khai hoạt động. Mặt khác, việc kỳ thị, phân biệt, đối xử của người dân với các vấn đề liên quan đến HIV, ma túy vẫn khá nặng nề. Công tác đảm bảo ANTT trong khu vực điều trị, thiếu cán bộ và một số thiết bị. Đến năm 2015, Dự án Harrp sẽ kết thúc và không còn hỗ trợ chi phí đang đặt ra vấn đề về tính bền vững của hoạt động. Trước khó khăn đó, đơn vị đã xây dựng Đề án hoạt động, chia thành 2 giai đoạn (còn dự án và hết dự án). Theo đó, khi hết dự án đề xuất việc điều trị thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Theo thống kê của Chi cục DS/KHHGĐ, tính đến 30/6/2013, toàn tỉnh ước có 200.562 hộ với dân số 841.212 người. Trong đó có 241.864 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng.
(HBĐT) - Vào khoảng 21 giờ ngày 11/7, do bất cẩn trong khi đi lại ở nhà nghỉ Giang Sơn thuộc xóm Thượng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy), thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng, sinh năm 1974, quê ở thôn 5, xã Văn Du, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), Đồn trưởng Đồn biên phòng 289 (Sìn Nà Hồ - Lai Châu) đã rơi từ tầng hai xuống tầng một tại khu vực nhà nghỉ đang chuẩn bị lắp đặt thang máy.
(HBĐT) - Đồng chí Đinh Mạnh Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Đà Bắc khẳng định: Trong những năm vừa qua, Luật Bình đẳng giới đã được triển khai và thực hiện từ huyện đến cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của người dân. Điều đó thể hiện ở tình trạng bạo lực gia đình được hạn chế. Phong trào xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc được đẩy mạnh ở các KDC. Từ đó, tình hình ANTT được giữ vững.
(HBĐT) - Ngày 14/7, tại trụ sở UBND xã Pù Bin (Mai Châu), đoàn công tác của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã phối hợp với Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Hội CTĐ tỉnh, huyện Mai Châu tổ chức trao bò giống cho các gia đình thương binh liệt sỹ và hộ nghèo của xã Pù Bin. Tham dự có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh.
(HBĐT) - Tại buổi hiến máu tình nguyện (HMTN) đợt 3 năm 2013 do thành phố Hoà Bình tổ chức có một gia đình tham gia với số lượng đông nhất từ trước đến nay. Đó là gia đình bà Bùi Thị Lan, tổ 4, phường Tân Thịnh với 5 thành viên tham gia.
(HBĐT) - Chiều ngày 11/7, Hội đồng Đội huyện Lạc Sơn đã tổ chức bàn giao nhà Khăn quàng đỏ năm học 2012 - 2013 cho gia đình em Bùi Thị Nhàn (Lớp 4A1 - trường Tiểu học Thượng Cốc).