Tâm điểm của khu dệt vải lanh chỉ là mấy chiếc máy dệt go đơn, gỗ mộc, kéo căng bằng đai giằng rịt trong gian nhà mái lá. Chủ nhân của chúng là hai cụ bà da dẻ nhăn nheo đang cặm cụi với công việc. Góc sân là một thiếu phụ lớn tuổi, sức vóc, đang dùng gậy khuấy đảo trên chiếc ghênh nấu nhuộm thứ gì đó.


Dệt lanh tại Hợp tác xã Hợp Tiến (xã Lùng Tám)

Vậy mà lãnh đạo huyện Quản Bạ, Hà Giang lại khơi khơi mách chỉ: Tiếng thoi của Hợp tác xã (HTX) dệt vải lanh dân tộc Mông ở Lùng Tám đã "vượt Cổng Trời”, lan xa!...

Nỗi thất vọng ùa về; giọng oải ợt, tôi hỏi cốt cho qua chuyện: - Bà ơi! Nghệ nhân Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt vải lanh có nhà không? Bà dừng tay, giọng sởi lởi: - Em là Mai. Chủ nhiệm HTX dệt lanh đây. Các bác định cất hàng gì?

Bất ngờ, tôi thầm thốt lên: "Giời ạ! Thì ra đây là cơ ngơi "vượt Cổng Trời” ra thế giới của vùng cao nguyên đá Đồng Văn danh tiếng ư?". Biết lý do, Chủ nhiệm xăm xắn mời lên phòng khách, cũng là nơi trưng bày sản phẩm tạo ra từ lanh. Bốn phía phòng giăng giăng buông thả từ mép trần xuống chớm thềm là những tấm vải lanh nguyên khổ xếp lớp lên nhau đủ loại sắc mầu dân dã, nhã nhặn của núi, của rừng. Nửa ngoài gian phòng phía cửa chính láng xi-măng, nửa trong lát gạch, khoảng giữa nền người ta kết nối dúm tụm các rễ cây rừng theo hình chiếc nơm, lởm chởm những móc, những ngoặc, những khèo để treo, để ngoắc đủ loại túi, ví, mũ mãng, váy, áo... khiến tôi bụng lại bảo dạ: Nghèo quá. Vá víu quá. Thế này mà người ta cũng hình tượng hóa, âm thanh hóa là vượt Cổng Trời vang xa, lan xa!...

Cửa phòng trưng bày mở hết cỡ. Khách tây, khách ta từ xe to, xe nhỏ ùa vào... khiến cuộc chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng, bởi chủ nhà phải trả lời, phải nhắc nhở nhân viên dẫn khách xem vải, nhận hàng... Hai du khách châu Âu một nữ, một nam cất lời xin phép rồi đi vào gian trưng bày sản phẩm, khép chân, quỳ xuống, chắp đôi bàn tay đưa lên quá đầu, gập người, vái đủ ba vái... Thấy lạ, tôi hỏi Chủ nhiệm: "Sao họ lại làm như thế?". Chủ nhiệm thản nhiên: "Rất nhiều trường hợp tương tự. Người châu Âu chỉ đặt hàng, nhận hàng khi biết rõ các công đoạn tạo ra sản phẩm truyền thống thật sự thủ công, không bị hóa chất tác động. Đôi vợ chồng này suốt mấy ngày nay xuống các tổ, nhóm sản xuất xem soi cách thức trồng lanh, thu hoạch, tước sợi... tất tần tật hơn 40 công đoạn thủ công tạo ra vải lanh rồi mới trở lại đây!...".

Theo cái cách của khách hàng, chúng tôi cũng "mục sở thị” cho rõ ngọn ngành, cho bõ công đêm ngày xe nằm, xe ngồi rồi xe ôm từ Hà Nội vượt Cổng Trời tới đây... Quả vậy, đến rồi mới tỏ. 17 năm trước, Lùng Tám là một trong số 12 xã nghèo khó nhất Quản Bạ. Nguồn sống duy nhất là tra ngô trên hốc đá, cấy lúa một vụ ở những thẻo ruộng cheo leo nơi sườn núi. Dệt lanh, dù là nghề đời nối đời gắn kết với phụ nữ Mông, nhưng cũng chỉ để tự cung tự cấp. Không ít gia đình tha phương vì đói khổ... Thế rồi, từ năm 2001, cuộc sống của người Mông ở Lùng Tám dần khá lên nhờ Vàng Thị Mai thạo nghề dệt, với mong muốn giúp phụ nữ, dân bản thoát nghèo, nên đã đứng ra lập HTX dệt lanh.

Trong ngôi nhà ba gian hai chái rất đặc trưng của xứ sở cao nguyên đá, cụ Sùng Thị Cỏ, 93 tuổi, nghệ nhân vẽ sáp nổi danh từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen, vui vẻ nói với chúng tôi về công việc thường ngày. Cụ bảo: "Xưa, việc vẽ sáp khi có, khi không. Nay làm không hết việc. Vải nhiều. Cái đẹp cần nhiều. Vẽ nhiều thì tiền nhiều. Mệt đấy nhưng mà vui!". Bàn tay dăn deo, bốn đầu ngón chụm lại giữ chắc chiếc quản tre, chấm ngòi đồng vào sáp ong nóng chảy rồi vẽ những hoa văn, họa tiết độc đáo, riêng biệt của dân tộc trên nền vải. Ngừng tay, cụ giảng giải: "Ta vẽ sáp lên cả tấm vải này những hình, những họa tiết mà mình ưng ý. Vẽ xong thì đưa vào nhuộm chàm vài lần rồi đem luộc để rũ bỏ sáp. Hình và họa tiết vẽ sáp sẽ không thấm mầu, khi sáp rữa ra sẽ hiện hình hoa văn trên vải. Mầu vải lanh không đanh sắc, rực rỡ, nhưng nền nã, nhã nhặn, tự nhiên của cây rừng lá núi là do vải được nhuộm bằng mầu nhựa cây, củ, quả, hoa, lá lấy lên từ đất, chắt ra từ rừng, nên người tứ xứ rất ưa chuộng!". Nghe thêm chuyện từ cụ Lù Thị Bi, 73 tuổi, cụ Giàng Tảo Mải, 103 tuổi, những nghệ nhân gạo cội cả đời miết mải truyền nghề cho lớp lớp thế hệ dân bản càng thấu hiểu vải lanh, thổ cẩm truyền thống kết bện trong từng sợi vải đường thêu hết thảy đều bằng công sức, tâm đức và đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ Mông. Bởi thế, thiên hạ mới đổ về đây chiêm nghiệm sinh lòng nể trọng, mến phục đức hạnh cần mẫn của dân bản Lùng Tám.

Cuộc chuyện với Chủ nhiệm Vàng Thị Mai chan chan nỗi niềm: "Mình lập HTX dệt chỉ nhằm góp sức với địa phương làm bớt đi sự đói nghèo, khi mà Lùng Tám vốn có nghề truyền thống làm vải lanh, có nguyên liệu sợi tại chỗ, lao động nữ dôi dư. Cái chưa có, cần phải học ấy là cách quản lý lao động theo nhóm, theo tổ; cách thức làm sổ sách; giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Vạn sự khởi lập phải là vốn, thì mình chỉ có 13 triệu đồng; trụ sở HTX với cơ ngơi tàm tạm này là mình cho mượn. Ngày đầu với 20 lao động nữ tình nguyện tham gia. HTX bao tiêu sản phẩm vải, theo quy định 50.000 đồng/m (khổ 50 x 100cm). Đang đà tiến triển thì xảy ra sự cố: Vài ba chị bị chồng bạo hành; bị cha, ông ngăn cản. Cái lý của họ là đất ít phải để trồng ngô lấy cái ăn. Dệt vải chỉ thêm thắt cho cái mặc!"...

Sự tình khiến Chủ nhiệm cùng cán bộ xã đôn đáo đến tận nhà để vận động, giải thích cho ra nhẽ. Sau đấy, Vàng Thị Mai bươn bải đem những tấm vải lanh dệt được, những thứ hàng làm từ lanh như khăn quàng, khăn trải bàn, váy, áo, ví, túi xách, tranh treo tường... về Hà Nội mời chào, rao bán. May mắn, người phố phường sành điệu, tinh tường; và nhờ cái duyên giao tiếp thật thà cho nên công sức bà Mai bỏ ra không uổng. Có tiền, Chủ nhiệm lo ngay việc "trả lương”. Hầu hết lao động có "lương” 700.000 đồng/tháng. Để khích lệ, Chủ nhiệm mời các ông chồng đến nhận "lương” thay vợ. Có người từng cư xử không phải với vợ... nay tay run run đếm tiền, nước mắt trào ra... bởi số tiền thời ấy với họ là quá lớn. Nay thì khác, thu nhập của mỗi xã viên đã là 3 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có nhà thu tới 40 - 45 triệu đồng/năm. Làm tốt, sản phẩm tạo ra nhiều thì hưởng nhiều. Coi như cũng là cái cách "khoán sản phẩm”!...

 

Một công đoạn sản xuất vải lanh truyền thống ở xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). 

Chủ nhiệm xởi lởi, tự tin: "Bây giờ, HTX dệt của mình đã có 300 lao động. Trong đó có cả lao động nam lo việc sửa chữa, vận chuyển. Ngoài ra, còn thu hút một số cháu nhỏ, nhà nghèo, ngoài giờ học làm thêm việc se sợi, nối sợi, sáng tạo mẫu thêu với sự hỗ trợ của các nghệ nhân. Tới năm 2020, HTX sẽ có 400 lao động. Hiện 100 lao động chuyên sản xuất hàng từ lanh phục vụ khách du lịch và xuất khẩu, như túi xách, các loại váy, áo, ví, khăn, xà cạp, mũ, vỏ ghế máy bay các cỡ cho hàng đặt của các nước châu Âu!"...

Chủ nhiệm chuyển giọng như cốt để chúng tôi hiểu, rằng tiếp cận thị trường luôn là công việc đầy cam go. Thông qua sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam, từ năm 2010 - 2016, bà được mời tham gia Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo thế giới tại thủ đô Brúc-xen (Bỉ); tham gia các sự kiện thời trang thế giới tại Pa-ri (Pháp), Rô-ma (I-ta-li-a), Pra-ha (Séc); tham gia Hội chợ Trình diễn làng nghề truyền thống của Liên hợp quốc tại Nhật Bản với sự tham gia của 160 nước. Nhờ vậy, khách hàng nước ngoài lần lượt tới Lùng Tám cất hàng và đặt hàng lâu dài. HTX may mắn trả hết nợ. Gia cảnh nghèo khó của hàng trăm gia đình vợi dần; nhà mới, phương tiện nghe nhìn, nếp sống văn hóa dần tăng tiến làm nền cho làng văn hóa du lịch cộng đồng mai này... Bà Vàng Thị Mai được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân dân gian được Tạp chí Forbes Vietnam bầu chọn vào danh sách 50 phụ nữ Việt Nam có tầm ảnh hưởng nhất trong năm 2017.

Hỏi về hướng đi tới, bà Vàng Thị Mai cẩn trọng: "Muốn đàng hoàng, đĩnh đạc thì phải có vốn to. Đó là cái khó muôn thuở, vì HTX là tập hợp của các tổ nhóm sản xuất nhỏ lẻ trong dân. Dẫu là thế thì chúng tôi cũng phải kết nối mở rộng để có quy mô lớn hơn, để ngày ngày sản xuất ra được vài nghìn mét vải; để tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, bán hàng qua mạng… Vải lanh và hàng thổ cẩm là tinh hoa văn hóa của dân tộc Mông. Quảng bá tinh hoa cũng là cách để thúc đẩy kinh tế phát triển!...". Rồi bà nở nụ cười roi rói, đầy tự tin!

 

                                             TheoNhandan

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục