(HBĐT) - Sau 45 năm, vẫn còn nụ cười ấy, vẫn những con người ấy của những chiến sỹ dân quân "lòng gang, dạ sắt” trong trận vây bắt phi công Mỹ nhảy dù và đánh trả không quân Mỹ tổ chức ứng cứu đồng bọn tại đồi Bù, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.


Tên thiếu tá phi công Mỹ William Winson bị dân quân xã Hợp Hòa bắt tại đồi Bù ngày 29/12/1972. ảnh: TL

 

Hoãn đám cưới cùng cả làng đi bắt giặc lái 

Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Bướm và ông Vũ Văn Chang ở xóm Suối Cốc. Trong ngôi nhà tuềnh toàng còn lại một mình, hướng mắt nhìn về tấm di ảnh của chồng trên ban thờ, bà Hoàng Thị Bướm cười buồn: ông nhà tôi mất năm 2016. Nếu ông ấy còn sống thì năm nay chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm tròn 45 năm ngày cưới.

Trong trí nhớ của bà Hoàng Thị Bướm, vào khoảng 10 h đêm ngày 22/12/1972, khi mọi người trong làng đang giúp gia đình bà hoàn thành nốt công việc chuẩn bị để tổ chức lễ cưới, bỗng có một tiếng nổ đanh gọn vang lên từ phía đồi Bù. Tất cả chạy ra sân thì thấy từ trên trời có luồng sáng đang lao nhanh xuống xóm Suối Cỏ. Giữa vùng đồi núi tối đen đám cháy như bó đuốc khổng lồ đã làm sáng lên từng lá cây, ngọn cỏ. Không ai bảo ai, tất cả đều hướng lên trời, khối lửa của máy bay cháy đùng đùng soi rõ cái dù lớn treo lơ lửng một vật tròn tròn đang rơi xuống khu vực đồi Vầu, đồi ông Mo và điểm cao 833 của đồi Bù. Sau đó là tiếng trống báo động vang lên dồn dập. Các trung đội dân quân của xã khẩn trương có mặt tại điểm tập trung triển khai đội hình bí mật tiến về khu vực có giặc lái Mỹ nhảy dù xuống.

"Dù rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp nhưng cũng không khó để tìm ra buồng lái của chiếc máy bay phản lực F111 bị quân ta bắn rơi. Khi chúng tôi tiếp cận buồng lái thì những tên phi công đã không còn ở đó”, bà Hoàng Thị Bướm nhớ lại. Xác định chúng chưa thể đi xa khỏi ngọn đồi và chưa thể có sự ứng cứu từ đồng bọn. Trung đội dân quân du kích đã tổ chức bao vây, truy bắt giặc lái. Sau 1 ngày, 2 đêm truy lùng theo dấu tích, đến 7h sáng ngày 24/12/1972, trung đội dân quân Hợp Hoà đã bắt được tên đại úy phi công Mỹ đang run rẩy nép mình trong đám cỏ lau. Còn tên thiếu tá phi công đã kịp trốn lên điểm cao cho đến ngày 29/12/1972 mới bị lực lượng dân quân xã Hợp Hòa bắt được trong bộ dạng tiều tụy, đói khát.

Cũng trong dòng chảy ký ức của trận đánh đồi Bù, lão dân quân Hoàng Thị Xô ở xóm Suối Cốc nhớ lại: Thời điểm trước khi giặc lái Mỹ nhảy dù, anh chị em trong đội dân quân chúng tôi vừa bàn bạc, hẹn nhau đến sáng ngày 23/12/1972 đi rừng lấy củi về để phục vụ đám cưới của anh Vũ Văn Chang và chị Hoàng Thị Bướm. Nhưng nhận lệnh của trên, tập trung cho nhiệm vụ bắt giặc lái, đám cưới được hoãn lại dù mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Để đảm bảo lương thực, hậu cần cho lực lượng dân quân xã truy bắt giặc lái và đánh trả không quân Mỹ đến ứng cứu, toàn bộ hơn 1 tạ gạo cùng con lợn vừa thịt đã được gia đình dành cho lực lượng dân quân. Đáng nói hơn, trong trận đánh này, cả anh Vũ Văn Chang và chị Hoàng Thị Bướm đều tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó "cô dâu” Hoàng Thị Bướm đã trở thành một trong những tấm gương dũng cảm, mưu trí bám trận địa, đánh địch. Còn "chú rể” Vũ Văn Chang lại là một trong những người đầu tiên phát hiện và bắt sống tên thiếu tá phi công Mỹ tại khu vực điểm cao 833.

Sau trận đánh, đám cưới của đôi vợ chồng chiến sỹ dân quân này đã được tổ chức trọn vẹn cùng niềm vui chiến thắng của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm địch dùng không quân điên cuồng đánh phá hậu phương lớn miền Bắc. Ngày đó, trong đám rước dâu, họ còn được chứng kiến máy bay trực thăng của ta cẩu buồng lái chiếc máy bay Mỹ về Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa xen lẫn cảm giác tự hào. Càng tự hào hơn khi ngay sau đó, "cô dâu” Hoàng Thị Bướm cùng với một số anh chị em dân quân xã vinh dự được kết nạp vào Đảng.

 Chiến công xuất sắc, độc đáo

 Sau chiến thắng đồi Bù, bắt sống 2 tên giặc lái Mỹ, hơn 40 năm sau, những lão dân quân ở Hợp Hòa mới biết chiếc máy bay F111 rơi xuống đồi Bù là loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ lúc bấy giờ đã bị những chiến sỹ tự vệ Công ty Cơ khí Mai Động bắn cháy khi chúng ngông cuồng vào ném bom, bắn phá Thủ đô Hà Nội.

 Sau 45 năm, những chiến sỹ dân quân năm xưa người còn, người mất nhưng chiến công truy bắt giặc lái và chiến đấu ngăn chặn lực lượng giải cứu tại đồi Bù đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và nhân dân trong tỉnh. Trận đánh này đã góp thêm "lửa” cho trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mùa đông năm 1972. Cuộc vây bắt đã được triển khai với quy mô lớn, bắt sống được 2 tên giặc lái Mỹ là thiếu tá William Winson và đại úy Robert David Raybanger, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến đấu, liên lạc, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có ai bị thương vong là một chiến công lớn.

 Ngoài ra, trong quá trình vây bắt giặc lái, lực lượng dân quân xã Hợp Hòa đã phối hợp với các lực lượng tổ chức chiến đấu chống trả kiên cường các đợt không kích nhằm giải cứu phi công của địch và bắn cháy 1 máy bay trực thăng đến ứng cứu phi công. Chiếc máy bay trực thăng này, theo nhiều người sau đó đã rơi ở khu vực Suối Rút, huyện Mai Châu.

 Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của những chiến sỹ dân quân và nhân dân khi tham gia vây bắt giặc lái. Từ trong gian khó đã có nhiều tấm gương dũng cảm không ngại gian khổ, vượt qua bom đạn ác liệt.

 Trong cuộc chiến đấu này, không thể kể hết những khó khăn, gian khổ của chiến sỹ dân quân Hợp Hòa năm xưa. Những câu chuyện chiến đấu bắt sống giặc lái, bắn cháy máy bay Mỹ của lão dân quân ở xóm Suối Cốc chắc chắn sẽ còn được kể mãi. Theo đồng chí Hoàng Kim Quy, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, tới đây, xã tổ chức kỷ niệm 45 năm chiến thắng đồi Bù để thế hệ trẻ biết được truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của thế hệ cha ông. Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng chiến công đó của những chàng trai, cô gái thủa đôi mươi nay đã lên ông lên bà được ghi dấu đậm nét trong chiến công của quân và dân miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Đó là trang sử chói lọi, hào hùng. Một mốc son không thể nào quên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.



                                                                  Mạnh Hùng

 


Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục