Chùa Shwedagon (chùa Vàng) là chùa tháp lớn nhất, đẹp nhất Myanmar.
Myanmar nơi lưu giữ nét xưa cũ, nguyên khai
Đến Myanmar, từ trên máy bay có thể thấy bạt ngàn rừng già, đồng ruộng, sông nước. Nổi lên giữa những chòm dân cư thưa thớt là những tháp chùa lóng lánh ánh vàng. Sân bay quốc tế Yangon khá hiện đại, nhưng tại thành phố cố đô thuộc hạng nhộn nhịp nhất của Myanmar phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô đủ mọi chủng loại cũ, mới, cả tay lái thuận và tay lái nghịch lưu thông. Mỗi xe dường như đều có hai tài xế, một người làm nhiệm vụ xem chừng các xe khác để nhắc lái chính tránh va chạm. Do thiếu điện, đường phố không đủ đèn chiếu sáng nên tối om. Cảm giác ban đầu, đến Myanmar hiện tại như được sống lùi lại quá khứ khoảng 20 năm. Với dân số khoảng trên 54 triệu, GDP bình quân 1.507 USD/người/ năm, Myanmar đứng thứ 11 Đông Nam Á, sau cả Campuchia, Timo lester… Myanmar như "Người con gái đẹp ngủ quên”, bởi lẽ đó mà vẫn giữ được những nét xưa cũ. Phong tục tập quán là những nét nguyên khai. Người dân hiền hòa, mến khách, sống bằng lòng, kỵ bon chen, thích làm từ thiện, không ham nhậu nhẹt, thà ăn xin còn hơn trộm cắp…
Hòn đá vàng nổi tiếng ở Chùa Kyaikhtiyo.
Khách phương xa sẽ không khỏi ngạc nhiên với rất nhiều điều thú vị của đất nước này. Ví như: Yangon được biết đến như "London của Đông Nam Á” tấp nập xe cộ nhưng là thành phố không xe máy và giao thông cực kỳ hóc búa. Đàn ông Myanmar mặc váy, ăn trầu. Thực ra, cả đàn ông và phụ nữ ở quốc gia này đều mặc trang phục truyền thống là váy "longyi”. Váy "longyi” với đàn ông thì buộc tà váy ở phía trước, còn phụ nữ thì gấp tà lại và khâu ở bên hông. Người Myanmar thật sự cảm thấy tự hào, rất thoải mái với chiếc váy này khi làm việc hay chơi thể thao, họ xem nó như chiếc điều hòa nhiệt độ giữa thời tiết nắng nóng. Bôi một thứ bột màu vàng thanaka thành nhiều hình họa tiết, loại bột được tạo từ vỏ của một loài cây để trang điểm trên khuôn mặt và nhai trầu là một thói quen và sở thích hàng ngày của người Myanmar, Bạn sẽ nhìn thấy các cửa hàng bán trầu có ở khắp nơi. Người lớn tuổi dùng nhiều trầu nhất. Khi ăn, người Myanmar sử dụng tay phải để bốc, gọi bia bằng cách hôn gió. Còn nữa, trong suốt giai đoạn thông tin và truyền thông mạng bị hạn chế thì đọc báo là cách duy nhất giúp người dân nơi đây tiếp cận với thế giới bên ngoài. Do đó, có khá nhiều các sạp báo trên đường phố. Ngày 1/4/2017 là một mốc quan trọng đối với truyền thông Myanmar. Lần đầu tiên kể từ năm 1964, Myanmar cho phép xuất bản báo tư nhân hằng ngày…
Đất nước của chùa tháp
Người dân Myanmar rất sùng đạo Phật. Có thể nói, ở đây, chùa chiền nhiều hơn trường học, tăng ni nhiều hơn binh lính. Người Myanmar chỉ cần làm cho đủ ăn, thời gian còn lại thì đi vào chùa, đi khất thực kiếm tiền cúng dường để xây chùa, làm đường sá. Hầu hết các ngôi chùa của Myanmar đều được dát vàng, đính kim cương hoặc gắn đá quý. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy - tức dòng Phật giáo giữ nguyên sinh hoạt và tu hành như thời kỳ Đức Phật, giáo phái Nam Tông. Ở lối vào những ngôi đền, chùa lớn thường có nhiều quầy bán hoa tươi, cành lá, nến, vàng thếp, những chiếc dù, quạt nhỏ bằng giấy màu để dâng lên Đức Phật. Giày dép của khách thập phương phải bỏ bên ngoài mỗi khi bước chân vào đền, chùa.
Tòa thị chính Yangon được người Anh xây dựng từ thời thuộc địa.
Chùa Shwedagon (chùa vàng) ở Yangon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2.500 năm trước và được các triều đạo phong kiến tu bổ, mở rộng dần. Chùa tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng, trên đỉnh tháp gắn nhiều kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và các loại đá quý. Chùa được dát khoảng60 tấn vàng nên lấp lánh dưới ánh mặt trời vào ban ngày và ánh điện về ban đêm. Ở Yangon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật Ngọc, chùa Tóc Phật, chùa Răng Phật... rất độc đáo. Đến Myanmar không thể không đến chùa Kyaikhtiyo hay Chùa Đá Vàng được xây dựng vào năm 574 trước Công Nguyên dù phải đi lên đó bằng những chuyến xe bão táp đến thóp tim, đi bộ bằng chân trần hàng cây số dưới trời nắng nóng. Đây được xem là một trong những kỳ quan của vùng Đông Nam Á. Chùa nằm trên một tảng đá to được dát vàng chênh vênh ở độ cao 1.250 m so với mực nước biển, được lưu truyền là do có sợi tóc của đức Phật nên mới không bị sụp. Chùa Phật Tứ Diện Kyaik Pun nằm ở thành phố Bago, đây là ngôi chùa không có tháp mà chỉ có 4 bức tượng Phật cao 30 m dựa lưng vào nhau nhìn về 4 phía, biểu tượng của sự ngộ giác…
Quan hệ Việt Nam - Myanmar hướng tới lâu bền
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 873,9 triệu USD, tăng 5,5% so với năm 2017. Với đà này, giới doanh nghiệp tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD vào thời gian sớm nhất. Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,1 tỷ USD. Khách Việt đến Myanmar sẽ được nâng thời hạn miễn thị thực từ 14 ngày hiện nay thành 30 ngày cho người mang hộ chiếu phổ thông. Hiện ở Myanmar có trên ba ngàn người Việt đến làm ăn, sinh sống. Chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Tạ Quang Thành, gốc Hà Nội, chủ nhà hàng Cyclo ở Yangon. Cùng thưởng thức li trà Shan Tuyết Tủa Chùa, anh Thành cho biết, nhà hàng của anh thường là nơi tụ tập của người Việt xa quê. Ở đây giá thuê mặt bằng khá đắt đỏ, tuy nhiên tình hình an ninh, trật tự rất tốt. Người dân bản địa thích dùng hàng Việt, hàng Thái, không thích hàng Tàu. Tại các khu du lịch, những người bán hàng rong và trẻ ăn xin nói được rất nhiều từ tiếng Việt thông dụng, chứng rỏ người Việt ta dến du lịch đông. Theo anh Sơn, hướng dẫn viên du lịch, mỗi năm có từ 5 - 6 ngàn người Việt đến Myanmar, chủ yếu đi chùa cầu bình an, một số đến tìm cơ hội làm ăn kinh doanh.
Vào dịp đầu xuân, hãy hành hương đến đất nước Myanmar để viếng thăm các ngôi chùa vàng nổi tiếng và khám phá nét văn hóa riêng, lạ của người dân nơi đây. Bạn sẽ được thưởng thức món trà sữa nổi tiếng, ẩm thực khác lạ. Mua các món đồ trang sức bằng đá quý tốt nhất thế giới như ruby, saphia, vòng ngọc, hổ phách… với giá không quá đắt. Nếu may mắn, bạn sẽ được Tăng thống Tayado trụ trì chùa Phật Ngọc cho chiêm bái xá lợi tóc Phật, làm lễ ban sức khỏe, bình an. Nếu muốn tìm sự nguyên khai, tĩnh lặng, tạm gác chuyện bươn trải, bon chen, đến Myanmar, tin rằng, bạn sẽ cảm thấy thích thú.