Chị Lý Thị Trang Vân trong một chuyến vượt biển ra thăm chồng - thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đinh Viết Quang ở đảo Trường Sa.
Nhành san hô lặng lẽ
Sẽ không thể nói hết khó khăn của những người phụ nữ có chồng là lính Trường Sa. Để hoàn thành tốt công việc ở cơ quan, đơn vị, chu toàn công việc gia đình, các chị phải nỗ lực gấp nhiều lần. Sự nỗ lực ấy không thể đo đếm được, nhưng đều xuất phát từ tấm lòng hướng về biển đảo thân yêu, về người chồng đang kiên cường bám biển với một tình yêu son sắt. Trong trái tim của chị Lý Thị Trang Vân, hiện công tác ở Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kỳ Sơn - nay là phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) thì tình yêu với chồng - người lính đảo Trường Sa - thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đinh Viết Quang luôn đong đầy và là nguồn động lực để chị kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm tròn vai người vợ, người cha, người mẹ nuôi dạy các con khôn lớn; tròn vai làm dâu con, giữ đạo hiếu với gia đình.
Chị Vân bén duyên với anh lính đảo trong một dịp vào Thanh Chương, Nghệ An chơi với người nhà, lúc đó anh công tác ở đảo An Bang (thuộc quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa). Đúng dịp chị vào chơi thì anh về phép. Hai người chỉ quen nhau sơ sơ. Sau lần đó, chị bất ngờ nhận được thư của anh gửi từ đảo về. Chị viết thư đáp lại. Từ những cánh thư không mỏi, hai người trở nên gần gũi, gắn bó nhau hơn. Rồi chị nhận lời yêu anh qua những cánh thư. Vì bận công tác nên 4 năm yêu nhau anh chị không được gặp nhau. Năm 2004, anh chị quyết định làm hôn lễ. Sau đám cưới giản dị, ấm cúng là những ngày tháng anh đi công tác triền miên trên các tuyến đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Còn chị về Hòa Bình với công việc, cuộc sống đời thường. Mỗi năm hai vợ chồng cũng chỉ một đôi lần được gặp nhau trong khoảng thời gian anh cắt phép về thăm nhà. Rồi lần lượt 2 cô con gái bé bỏng kết tinh từ tình yêu ngọt ngào ấy chào đời. Chị Vân tâm sự: "Lúc sinh cháu đầu anh không có nhà. Khi con được 18 tháng anh mới có dịp nghỉ phép về thăm nhà. Lần đầu gặp bố trong màu áo bộ đội, khi bố đưa tay đòi bế con bé chưa quen khóc rồi ôm chầm lấy mẹ. Sinh cháu thứ 2 được 8 tháng anh mới được nghỉ phép. Lần đó về cũng phải làm quen mãi con mới chịu theo bố”. Chị kể: Chồng đi công tác xa biền biệt, chỉ có 3 mẹ con ở nhà những lúc con ốm đau hay dịp lễ, Tết là buồn nhất. Dù vậy, tôi vẫn luôn tự nhắc mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tròn vai, vừa chăm lo gia đình, vừa hoàn tất công việc cơ quan. Bên cạnh đó, lúc nào tôi cũng động viên anh là mẹ con tôi rất khỏe, mọi việc đều rất tốt. Thậm chí khi con bị ốm đi viện, tôi cũng không dám kể chuyện cho chồng vì sợ anh lo lắng ảnh hưởng đến công việc. Chỉ khi nào anh được về nhà vui vầy bên gia đình, tôi mới kể lại cho anh nghe mà thôi. Thực sự, suy nghĩ lớn nhất của tôi là cố gắng sống khỏe mạnh, chăm con thật tốt, làm việc thật tốt để chồng không phải lo lắng về mọi việc ở nhà, yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ, trở về thăm gia đình.
"Cho đến giờ tôi vẫn thấy mình thật may mắn, vì dù chồng đi công tác xa nhưng mẹ con tôi luôn có người thân bên cạnh giúp đỡ mỗi lúc khó khăn nên mẹ con tôi không thấy đơn độc khi không có chồng bên cạnh” - chị Vân cho biết thêm. Nói về chồng, ánh mắt chị Vân rạng ngời tự hào: Chồng tôi là người bố rất quan tâm và yêu thương các con nên dù bố có đi công tác bao nhiêu lâu khi về các con cũng rất quấn quýt, yêu bố. Hơn nữa, trong mọi việc ở nhà tôi thường nhắc đến vai trò của bố nên các con thấy bố luôn ở bên cạnh 3 mẹ con. Điều mà tôi tự hào và trân trọng nhất ở anh chính là anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và không bao giờ quên quan tâm đến vợ con và người thân trong gia đình.
Lời cảm ơn từ... biển
Chiến sỹ đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) luôn nhận được sự quan tâm, động viên của những người phụ nữ ở đất liền.
Tôi may mắn khi được ra thăm Trường Sa trong một chuyến công tác cách đây không lâu. May mắn hơn khi được gặp những người con và những chàng rể của đất Mường trên đảo Trường Sa. Đó thực sự là một điều đặc biệt. Bởi ở nơi xa xôi, khó khăn nhất, trên mảnh đất thiêng liêng cũng đã có những người con của núi rừng Hòa Bình cùng với những người con đến từ mọi miền của Tổ quốc đang ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Họ là những người lính kiên cường, rắn rỏi như những nhành san hô luôn vững vàng trong giông gió, bão táp trùng khơi như thượng úy Bùi Văn Hải, xóm Vó Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn); thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Sang, thôn Quyền Chương, xã Cao Thắng - nay là xã Thanh Cao (Lương Sơn); thiếu tá Đinh Viết Quang - chàng rể xóm Giếng, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) - nay là TP Hòa Bình. Trong câu chuyện giữa chúng tôi với họ, ngoài những chuyện về cuộc sống, công tác nơi đảo xa còn có chuyện kể về những người nơi hậu phương với một niềm tin son sắt, thủy chung. Đó còn là lời cảm ơn từ biển được gửi về nơi đất liền. Nơi có những người vợ, người mẹ tảo tần; nơi có những em bé bi bô tiếng gọi cha. Bởi họ luôn thấu hiểu những người phụ nữ của họ phải nỗ lực rất nhiều để vừa làm con, làm dâu, vừa làm mẹ và làm thay vai trò trụ cột của người bố trong gia đình. Những người phụ nữ ấy phải cố gắng hết mình. Lời cảm ơn từ biển gửi về hậu phương vẫn đau đáu trong tim như một người lính biển từng viết: Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi/ Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi.../ Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ/ Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi.../ Vợ yêu ơi... anh phải đi trực rồi/ Phút chào nhau nhau tiếng biển bỗng mặn môi/ Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn/ Gọi để vợ nghe tiếng biển... tiếng yêu đời... Chính những "Tiếng Biển” ấy đã làm những người vợ, người mẹ như chị Vân và những người vợ có chồng là lính Trường Sa có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường... Ở đảo xa, bão táp phong ba có những lính đảo đứng chắn, giữ bình yên cho đất liền. Và mưa bão ở đất liền, có người vợ lính đảo hóa thân thành bức tường thành, che chắn, giữ lửa cho tổ ấm. Xin mãi được tôn vinh các chị - những người vợ lính Trường Sa. Các chị đã vượt khó vươn lên, trở thành hậu phương vững chắc, tạo niềm tin, sức mạnh cho những người con đất Việt kiên trung ngày đêm canh giữ "Tổ quốc nơi đầu sóng”.
Vũ Phong