Xếp bút nghiên lên đường ra trận
Những năm đầu 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện Lệnh Tổng động viên, hàng vạn sinh viên gác lại việc học tập để lên đường chiến đấu trên tất cả các mặt trận.
Lớp phóng viên khóa thứ 10 của Việt Nam Thông tấn xã đào tạo phóng viên chiến trường cho Thông tấn xã Giải phóng được đặt tên là GP10, đây là lớp có quy mô lớn nhất, chất lượng, chi viện cho miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt và quyết định là trận đánh cuối cùng, giải phóng miền Nam.
Khi ấy, ông Nguyễn Sỹ Thủy mới ngoài 20 tuổi, đang là sinh viên năm cuối khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với năng lực học tập, rèn luyện tốt, ông Nguyễn Sỹ Thủy đã trúng tuyển vào lớp phóng viên GP10 của Thông tấn xã Giải phóng.
"Cuối tháng 12/1972, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những trận bom của máy bay B52 Mỹ trút xuống Thủ đô Hà Nội, giết hại nhiều dân thường, tàn phá nhiều dãy nhà ở phố Khâm Thiên. Thời gian này, chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thành chương trình học nghiệp vụ viết tin, chụp ảnh của lớp phóng viên GP10 - Việt Nam Thông tấn xã, được đào tạo cấp tốc để tăng cường cho chiến trường miền Nam tại điểm sơ tán không quá xa Hà Nội”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy nhớ lại.
Ngày đó, tuy đang học lớp phóng viên GP10 nhưng ông Nguyễn Sỹ Thủy vẫn cố gắng hoàn thành luận văn tốt nghiệp tại khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chàng sinh viên tranh thủ thời gian ban đêm, ngày nghỉ để đi cơ sở, trồng lúa thí nghiệm và hoàn thành xuất sắc luận văn, đạt điểm tối đa 5/5. Cuối năm 1972, sinh viên Nguyễn Sỹ Thủy nhận bằng tốt nghiệp khoa Sinh, đại học Tổng hợp Hà Nội.
Gần Tết Nguyên đán năm 1973, lớp báo chí GP10 được nghỉ để mọi người về quê ăn Tết. Ông Nguyễn Sỹ Thủy mất gần 2 ngày mới từ chỗ học về đến quê ở xã ven biển thuộc huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy), tỉnh Thái Bình.
"Biết tôi học xong lớp phóng viên GP10 rồi sẽ đi vào chiến trường, không biết ngày nào mới trở lại sum họp cùng gia đình nên bố mẹ động viên tôi cưới vợ, nhà có mấy người con nhưng chỉ có tôi là con trai nên ông bà cũng mong sớm có cháu bế bồng. Tôi và vợ tôi khi đó đã yêu nhau được 2 năm. Lễ cưới của chúng tôi được tổ chức vào đúng mùng 2 Tết Nguyên đán năm đó. Tiệc cưới đơn giản, mỗi bàn chỉ có đĩa trầu cau, vài điếu thuốc, hoa hái từ vườn nhà, phông cưới, phòng cưới là do bạn bè trang trí giúp, có đôi chim câu đấu mỏ vào nhau, trái tim lồng ghép tên cô dâu, chú rể. Đám cưới còn có thêm khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, có cán bộ chính quyền đến phát biểu quán triệt nhiệm vụ”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy chia sẻ.
Sau khi cưới vợ được 3 ngày thì ông Nguyễn Sỹ Thủy phải lên đường đi Hà Nội để đến trường 105 Ban Thống nhất Trung ương tại Lương Sơn (Hòa Bình) rèn luyện sức khỏe, tập leo núi và các kỹ năng tham gia chiến trường.
Ngày 16/3/1973, đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên khi ông Nguyễn Sỹ Thủy và các phóng viên GP10 lên đường. Đây cũng là một vinh dự không phải ai cũng có được khi rời xa miền Bắc vào chiến trường với cây bút, quyển sổ và máy ảnh tiến ra mặt trận dù phải đối mặt với sự hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy vẫn nhớ như in hành trình hành quân gian khổ từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, ba lô trên vai, trên đầu là máy bay của kẻ địch ngày đêm quần đảo dội bom nhưng không một ai nản chí, vẫn tiến ra mặt trận với khí thế "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy kể, ô tô tải chở đoàn đến ga Thường Tín chờ tàu hỏa đi tiếp. Tàu chạy đến ga Nghĩa Trang (Thanh Hóa), mọi người phải đeo ba lô nặng đi bộ hơn 20 km qua cầu Hàm Rồng vào thị xã Thanh Hóa vì cầu Hàm Rồng bị bom Mỹ phá hỏng rồi lại tiếp tục lên tàu hỏa vào Vinh. Từ Vinh đoàn tiếp tục lên các xe tải không mui tiến về phía Nam.
Khi đến biên giới Việt - Lào, đoàn phóng viên lên những chiếc xe tải không mui đi suốt ngày đêm, phải đến 1 - 2 giờ sáng tới binh trạm mới được nghỉ. Dọc đường đi đều phải bí mật, ngụy trang, đi đêm không được bật đèn pha.
"Khi xe chở đoàn phóng viên GP10 đến địa phận tỉnh Attapu (Nam Lào) thì bị đổ, 3 người hy sinh, đó là Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh, Trần Viết Thuyên và chú Trần Văn Bang, hơn 20 người bị thương, trong đó nhiều người bị thương nặng phải trở ra Bắc... nhưng rồi mọi người vẫn gạt đau thương, tiếp tục hành quân hoàn toàn bằng đường bộ. Sau gần 3 tháng, đoàn mới vào được đến chiến trường miền Nam để nhận nhiệm vụ. Sau một lần cùng đồng đội quay trở lại nơi xe lật để tìm mộ 3 liệt sĩ nhưng không thấy, đến bây giờ tôi và các phóng viên lớp GP10 vẫn mãi mãi nhớ thương, chưa thể nguôi ngoai về mất mát này”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy ngậm ngùi kể lại.
Làm tin ảnh trong vùng chiến sự
Đầu năm 1974, Tổng biên tập Thông tấn xã giải phóng Trần Thanh Xuân giao cho nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy và 2 đồng nghiệp đi tăng cường cho phân xã miền Đông Nam Bộ đóng tại Chiến khu D, rừng Mã Đà - Đồng Nai để làm nhiệm vụ thông tin ở khu vực.
Theo cán bộ địa phương, đây là địa bàn hết sức phức tạp và gian khổ. Phải mấy năm đi bộ mới hết được các địa phương, cơ sở khu. Địa hình dân cư đa dạng, có nhiều xã xa, đi theo đường mòn trong rừng phải mất hàng chục ngày mới tới nơi, có nơi khét tiếng là "chống cộng” hoặc vùng giải phóng hình thành kiểu da báo (vùng của ta và địch đan xen nhau).
"Các căn cứ của xã, huyện đều đóng ở các khu rừng già, đất đỏ. Từ huyện này sang huyện kia phải qua nhiều sông suối sâu, nước chảy xiết. Đường đi là lối mòn nhiều rắn rết và vắt. Chúng tôi bị vắt cắn chảy rất nhiều máu và bị sốt rét rừng triền miên. Mỗi khi bị sốt rét thật là kinh khủng, toàn thân rét run cầm cập, sau đó lại nóng bừng, không thiết tha ăn uống, người mệt mỏi. Sau khi hết sốt thì chúng tôi lại tiếp tục hành trình, băng rừng, lội suối”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy kể lại.
Theo phân công, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy và đồng nghiệp thường xuyên đi cơ sở, thâm nhập vùng địch chụp ảnh và viết về các phong trào thi đua lao động sản xuất ở vùng ven, bộ đội, du kích chuẩn bị phá ấp đánh địch.
Chính trong thời gian ở vùng chiến sự đã cho nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy những kỷ niệm không thể nào quên. Tháng 4/1974, ông được phân công xuống huyện Thống Nhất để đưa tin về vùng địch tái chiếm xen lẫn với vùng giải phóng ở các xã có nhiều đồng bào Thiên chúa giáo và người Hoa sinh sống. Không may đoàn của ông gặp lính ngụy Sài Gòn, chúng bắn như vãi đạn nhưng nhờ có bộ đội chủ lực và giao liên bắn trả nên ông và đồng nghiệp kịp rút vào rừng chuối ven đường, bảo toàn tính mạng.
"Có lần, khi công tác ở xã Hố Nai, vùng công giáo toàn tòng, khét tiếng "chống cộng”, chúng tôi cùng cán bộ xã ra làm việc trong nhà rẫy của một gia đình nông dân công giáo theo cách mạng. Thấy có tốp lính ngụy đi bên ngoài, anh em trong đoàn nhìn nhau im lặng. Nhờ có nhân dân che chở nên chúng tôi thoát nạn. Trước đó đã có những trường hợp cán bộ bị địch bắt và giết hại dã man ở vùng này. Đây cũng là bài học về công tác dân vận, dựa vào dân để nắm bắt thông tin”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy chia sẻ.
Chính vì có thực tế nên những bài viết về vùng đất và con người ở vùng chiến sự của nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy rất có "hồn” và lay động lòng người như bài viết: "Đổi mới ở Gia Kiệm”; "Gặp gỡ nhân dân ở vùng ven Hố Nai - Thống Nhất”; "Du kích vùng ven”...
"Đêm ở chiến khu chưa biết ngày nào hòa bình, thường xuyên mở Đài Giải phóng nghe tin tức cho đỡ nhớ nhà. Có những lần nghe được bài viết của mình thấy sung sướng lạ thường”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy nhớ lại.
Sau một năm đi cơ sở, ông Thủy được phân công quay trở lại trụ sở của Thông tấn xã Giải phóng tại căn cứ R - Trung ương Cục ở địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ông cùng đồng nghiệp tự làm tất cả mọi việc, chặt cây dựng nhà, đi làm nương rẫy để có lương thực vì giai đoạn này hết sức khó khăn, thiếu gạo, ăn độn 50% đậu xanh, rồi ăn đậu xanh toàn phần, đậu xanh thay cơm, nấu canh... Cuộc sống rất gian khổ.
Tại đây, ông làm nhiệm vụ biên tập thông tin của phóng viên các địa phương gửi về và tổng hợp, khai thác thông tin trên báo chí của địch.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giai phóng hoàn toàn miền Nam mở màn bằng chiến dịch Tây Nguyên. "Khi chiến dịch Tây Nguyên giành chiến thắng, không khí bao trùm cả Thông tấn xã Giải phóng là niềm phấn khởi vô bờ. Chúng tôi vừa đọc tin phóng viên địa phương gửi về vừa mừng rơi nước mắt. Tin vui tới tấp, ai cũng hân hoan chờ ngày chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy nhớ lại.
Giữa lúc cả nước dồn sức cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng quyết định lập các tổ phóng viên tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ông Thủy và một số đồng nghiệp ở lại căn cứ để trực thông tin và làm một số nhiệm vụ khác.
"Thời khắc nghe tin quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, chiến dịch thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng và thống nhất đất nước, chúng tôi đã ôm nhau khóc vì mừng vui. Ngay tối hôm đó, chúng tôi sắp xếp đồ đạc, hành lý để hôm sau về Sài Gòn. Niềm vui hạnh phúc cứ như trong mơ, người dân đứng hai bên đường cầm cờ, hoa vẫy chào đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Tôi sẽ không bao giờ quên được thời khắc đó, khi niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân hòa cùng niềm vui chung của dân tộc”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy rưng rưng nhớ lại.
Sau khi trở về Sài Gòn, ông Thủy tiếp tục nhận công tác tại các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu... rồi ra Bắc, nhận công tác tại Thái Bình, quê hương ông.
"38 năm làm nghề viết, 8 năm gắn bó với chiến trường miền Nam... Bài học lần đầu tiên làm tin ở vùng chiến sự, trong khói lửa chiến tranh hay làm thông tin trong cuộc sống hòa bình sau này với tôi là những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa, những ký ức quý báu mà không phải ai cũng có được. Cho đến bây giờ, tôi luôn tự hào được là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, được tham gia chiến trường”, nhà báo Sỹ Thủy xúc động nói.