(HBĐT) - Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (NMTĐHBMR) hiện đang trong giai đoạn chạy đua với thời gian. Trên công trường mỗi ngày có khoảng 400 kỹ sư, công nhân cùng nhiều phương tiện ngày đêm rền vang tiếng máy, thực hiện mục tiêu bắt buộc hoàn thành một số hạng mục theo đúng kế hoạch đề ra.



Lực lượng công nhân thi công phần hạ lưu Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng.

Chạy đua tiến độ với mực nước hồ Hoà Bình

Tại cao trình 188 m khu vực đê quây, hàng ngày, cùng với đại tá Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban điều hành liên doanh nhà thầu thi công còn có Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án điện I, Giám đốc điều hành dự án Phạm Thanh Hoài cùng một số cán bộ của Ban luôn có mặt túc trực kiểm tra tình hình tiến độ thi công đập vành đai của NMTĐHBMR, đủ cho thấy tầm quan trọng của hạng mục đang triển khai.

Còn tại khu vực hạ lưu - nơi trong thiết kế xây dựng gian máy của dự án, hàng chục kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp thao tác đặt thuốc mìn vào những hố khoan nhỏ, chuẩn bị cho việc kích hoạt những thỏi mìn bóc dần từng vỉa đá. 

Theo đại tá Trần Ngọc Tuấn, đê quây vành đai phía thượng lưu và mặt bằng tại cao trình +31 phía hạ lưu là những hạng mục công trình rất quan trọng trong tổng thể dự án NMTĐHBMR. Nếu trong thời gian ngắn tới đây không hoàn thành, thuỷ điện Hoà Bình đến thời điểm tích nước khiến cho nước hồ Hoà Bình dâng cao sẽ vỡ toàn bộ kế hoạch triển khai các hạng mục ngầm khác của dự án. Và như vậy, cả dự án có nguy cơ cao chậm tiến độ đến cả năm.

Nhận thức rõ sự quan trọng của hạng mục đê quây vành đai phía thượng lưu, dưới sự giám sát của BQL dự án điện I, liên doanh các nhà thầu đã huy động hàng trăm máy móc, thiết bị cùng nhân lực đảm bảo thi công 3 ca, 4 kíp cả ngày lẫn đêm, đảm bảo hoàn thành hạng mục này đúng theo kế hoạch đề ra. 
Khối lượng thi công chính dự án NMTĐHBMR bao gồm tổng khối lượng đào đất, đá lên đến 3,8 triệu m3 và 370 nghìn m3 bê tông. Khối lượng thiết bị cơ khí thuỷ công, thiết bị cơ điện lên đến 15 nghìn tấn. Về tiến độ của công trình, tính từ khi khởi công đến nay, các đơn vị thi công đã triển khai đào hố móng của nhà máy, cửa nhận nước và đê quây công trình. Tổng khối lượng đào đắp đến nay đạt khoảng 1 triệu m3 đất, đá.

Sự ủng hộ của tỉnh Hòa Bình

Theo BQL dự án NMTĐHBMR, ngay từ giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự án đã được sự ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cùng sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đến các vấn đề về bố trí mặt bằng xây dựng công trình, bãi thải đất, đá hố móng công trình.

Trong quá trình thi công, giai đoạn đầu mặc dù khó khăn về nhiều mặt, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và TP Hoà Bình, sự phối hợp của các cơ quan địa phương đã hoàn thành cơ bản được công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là bãi thải dốc Cun và mặt bằng cảng Ba Cấp.

Các sở, ban, ngành đã phối hợp, hướng dẫn thủ tục, kiểm tra, đôn đốc và tạo điều kiện để công trình thi công đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Ban xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và công trình.

Việc triển khai công trình đã có tác động không nhỏ đến cộng đồng, nhất là các hộ dân nơi có tuyến đường vận chuyển đi qua, với sự ủng hộ của đa phần người dân nên việc GPMB liên quan đến các hộ bị ảnh hưởng cơ bản hoàn thành. Cùng với những biện pháp giảm thiểu tác động đến giao thông, môi trường được thực hiện đã nhận được sự chia sẻ của người dân với những khó khăn trong quá trình thi công dự án.

Theo đồng chí Phạm Thanh Hoài, Giám đốc điều hành dự án, để đảm bảo tiến độ thi công, rất mong có sự tuyên truyền hơn nữa tới cộng đồng dân cư trên địa bàn về ý nghĩa, vai trò cũng như lợi ích của dự án. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ GPMB đầm Quỳnh Lâm để đáp ứng tiến độ đổ đất hố móng công trình, tiết kiệm được chi phí, đem lại lợi ích cho địa phương là rất cần thiết.

Tác động tích cực của dự án

NMTĐHBMR là dự án trọng điểm quốc gia. Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 dự án sẽ phát điện vào quý III/2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024. Sau khi hoàn thành công trình, NMTĐHBMR với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐHB lên 2.400 MW. Mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh, sản xuất hàng tỷ kWh điện phục vụ cho đất nước.

Cũng theo Giám đốc điều hành dự án Phạm Thanh Hoài, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐHB hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Đối với tỉnh Hoà Bình, trong quá trình xây dựng đã tạo thêm việc làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân địa phương. NMTĐHBMR đi vào hoạt động sẽ tăng thu ngân sách Nhà nước của địa phương hàng năm, đồng thời, giúp thúc đẩy phát triển du lịch và giao thông đường thuỷ khu vực lòng hồ Hoà Bình.

Hồng Trung

Các tin khác


Giao thông đi trước một bước - tạo động lực phát triển: Bài 2 - Giao thông liên kết - đánh thức tiềm năng kinh tế vùng

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh xác định phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng nhanh hơn, gần hơn, tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là yếu tố cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Giao thông đi trước một bước -tạo động lực phát triển: Bài 1 - Những con đường của ý Đảng, lòng dân

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông (HTGT) là 1 trong 5 đột phá chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định giao thông kết nối vùng là động lực thúc đẩy KT-XH. Với phương châm giao thông đi trước một bước tạo động lực cho phát triển, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành nhiều nghị quyết, triển khai nhiều đề án phát triển HTGT, tạo nền tảng và là đòn bẩy quan trọng phát triển kinh tế.

Mầm xanh trên vùng thiên tai

(HBĐT) - Tưởng như mưa lũ đã xóa nhòa đi tất cả mầm xanh, cuốn đi những hy vọng và nỗ lực của bà con nhân dân tại các xã bị ảnh hưởng bởi lũ bão trên địa bàn huyện Đà Bắc. Thế nhưng họ đã vươn lên giành lại những gì đã mất. Sau gần 5 năm đợt mưa lũ lịch sử đi qua, những mái nhà mới khang trang, kiên cố được dựng lên giữa ngổn ngang gạch ngói. Mầm xanh đã bắt đầu nhú trên những luống rau quanh nhà. Những em nhỏ ê a đọc chữ. Cuộc sống của bà con nhân dân vùng lũ ở các khu tái định cư (TĐC) xóm Lau Bai, xóm Túp, xóm Kế, xóm Bưa Cốc và xóm Nà Tèn (nay là xóm Nghê) dần ổn định, từng ngày khởi sắc.

Nhịp sống 4 vùng Mường Bi - Vang - Thàng - Động: Bài 5 - Mường Động - yêu nhau tìm về

(HBĐT) - "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, thứ tự sắp xếp của 4 vùng Mường cổ nay chỉ là tương đối. Mường Động - Kim Bôi đang dần đổi thay. Với những chương trình, đề án, chiến lược đúng đắn, Kim Bôi được biết đến là miền đất của các mô hình canh tác thông minh, mang lợi ích kép về kinh tế và môi trường. Nơi đây cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Nguồn nước khoáng chảy trong lòng Mường Động đang trở thành "vàng trắng”, định danh Kim Bôi trên bản đồ du lịch.

Nhịp sống 4 vùng Mường Bi - Vang - Thàng - Động: Bài 4 - Đổi thay Mường Thàng

(HBĐT) - Được chia tách từ huyện Kỳ Sơn (cũ), sau 19 năm xây dựng và phát triển, huyện Cao Phong - Mường Thàng đã bứt phá ngoạn mục, ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển KT-XH, kết cấu hạ tầng có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên.

Đưa thương hiệu lợn bản địa vươn xa

(HBĐT) - Đến Hoà Bình là đến với khám phá văn hoá và ẩm thực, trong đó cá sông Đà, lợn bản địa là món không thể thiếu. Từ một người đang làm doanh nghiệp xây dựng, anh Lường Văn Sương, xã Đồng Chum (Đà Bắc) chuyển sang nuôi bò và lợn bản địa. Anh là người đứng lên gây dựng Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Đồng Chum với mục tiêu bảo tồn giống lợn bản địa, đưa hương vị lợn bản đến những thị trường lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục