(HBĐT) - Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, di sản văn hóa (DSVH) Mo Mường đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa và làn sóng văn hóa ngoại lai. Để Mo Mường được sống mãi cùng thời gian, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh đã, đang chung tay thực hiện giải pháp trước mắt và dài hạn để ghi danh Mo Mường vào danh sách DSVH phi vật thể thế giới.
Mo Mường – di sản cần được bảo vệ khẩn cấp
Khẳng định giá trị của Mo Mường, từ năm 2015, DSVH "Mo Mường - Hòa Bình” đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 20/1/2016 của BTV Tỉnh ủy khoá XVI về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mo Mường trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016, công tác bảo vệ và phát huy DSVH Mo Mường được quan tâm triển khai. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) về DSVH Mo Mường. Mo Mường đã được ghi danh vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, DSVH Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức: Các nghệ nhân hiểu biết, nắm giữ tri thức Mo, có bề dày kinh nghiệm và trình độ diễn xướng Mo ngày càng cao tuổi, trong khi thế hệ trẻ được truyền thừa có hạn; xu thế hội nhập và ảnh hưởng của nhiều hoạt động văn hóa dẫn đến tình trạng giản lược các bài Mo trong quá trình diễn xướng… Bên cạnh đó, trước sự phát triển như vũ bão của KH-CN cùng sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, bất cứ di sản nào cũng đứng trước nguy cơ mai một. Đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những thách thức sẽ góp phần bảo vệ di sản hiệu quả. Việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp vừa là biện pháp phù hợp, đúng đắn, vừa góp phần khẳng định giá trị của di sản, để Mo Mường mãi là "viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Ngày 9/6/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4591/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc dự kiến lập hồ sơ các DSVH phi vật thể (trong đó có Mo Mường tỉnh Hòa Bình) đệ trình UNESCO ghi danh vào danh mục DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa Mo Mường vào danh sách bảo vệ khẩn cấp sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và Nhân dân cả nước về giá trị của DSVH phi vật thể, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đánh giá cao giá trị và tầm quan trọng bảo vệ di sản Mo Mường, đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: "Đến nay, Mo Mường đã được xác định là DSVH phi vật thể "đang sống” và là biểu đạt "sống” do tổ tiên, ông cha truyền lại. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường cho ta ý thức về bản sắc, là sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai”. Tỉnh đang chỉ đạo triển khai những giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mo Mường. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị DSVH Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Tập trung thực hiện Kế hoạch số 220/KH-UBND, ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh về phối hợp xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Giải pháp phù hợp để bảo vệ, tôn vinh DSVH Mo Mường
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ về DSVH Mo Mường Hoà Bình cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh, hàng năm, BCĐ ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mo Mường Hòa Bình. Trong năm 2022, BCĐ đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực và sự tham gia phối hợp của các cấp, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các tỉnh, thành phố có DSVH Mo Mường để tổ chức sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu đầy đủ các giá trị của di sản làm cơ sở phục vụ xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO đảm bảo đúng theo kế hoạch đề ra; đồng thời, tăng cường quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế về giá trị DSVH Mo Mường.
Trong 8 tháng năm 2022, các sở, ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ BCĐ tỉnh đề ra. Trong đó, từ tháng 3 – tháng 4/2022, Sở VH-TT&DL thành lập nhóm và tiến hành kiểm kê DSVH Mo Mường tại các huyện, thành phố, trên cơ sở đó tổng hợp, đánh giá xây dựng báo cáo để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ. Có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa. Đắc Lắc, Hà Nội. Trong đó, tỉnh Hòa Bình là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính; các địa phương khác phối hợp cùng tỉnh thực hiện công tác kiểm kê, điền dã, đánh giá thực trạng của di sản, từ đó đề ra phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, phù hợp với thực tế. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan ban hành các văn bản chỉ đạo về việc xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Phối hơp với Viện Âm nhạc – đơn vị tư vấn lập hồ sơ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội thảo quốc gia với chủ đề "Mo trong đời sống người Mường xưa và nay” diễn ra tại TP Hoà Bình. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nghệ nhân Mo Mường thuộc các tỉnh, thành phố có liên quan, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực: Âm nhạc, lịch sử, văn hoá, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học… ở các viện, cơ quan T.Ư và các tỉnh, thành phố liên quan. Tại hội thảo, các tài liệu, luận cứ khoa học đã được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của Mo trong đời sống người Mường xưa và nay. Đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần bảo tồn DSVH Mo trong đời sống người Mường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Sở VH-TT&DL cũng phối hợp với Viện Âm nhạc quay phim, chụp hình tư liệu nghi thức lễ Mo tang ma tại huyện Kim Bôi và Lạc Sơn, phục vụ xây dựng phim tư liệu về DSVH Mo Mường phục vụ xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia. Cử cán bộ chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn và các nghệ nhân Mo Mường dịch thuật ngữ nghĩa phim tài liệu từ ngôn ngữ tiếng Mường trong Mo Mường ra tiếng Việt trên nền tảng bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt, phục vụ việc xây dựng hồ sơ Mo Mường. Phối hợp với các tỉnh, thành phố tham gia xây dựng hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO trong công tác kiểm kê, quay phim tài liệu tại các tỉnh, thành phố có liên quan phục vụ việc xây dựng hồ sơ…
Về lâu dài, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH nói chung và di sản Mo Mường nói riêng hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng và các cấp chính quyền cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách khoa học hơn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ DSVH phi vật thể quốc gia Mo Mường Hòa Bình.
Nhóm P.V Phòng VH-XH